08/07/2014 03:40 GMT+7

Indonesia nóng rực trước bầu cử

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Ngày mai (9-7), 186 triệu cử tri Indonesia sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống được đánh giá là căng thẳng nhất kể từ sau thời Suharto.

GiGIwfD7.jpg
Xe thiết giáp của quân đội Indonesia đi tuần trên phố ở thủ đô Jakarta ngày 7-7. - Ảnh nhỏ: ông Subianto - Ảnh: Reuters

Giới quan sát nhận định cử tri Indonesia đang đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa thị trưởng Jakarta Joko Widodo muốn đẩy mạnh dân chủ và cựu tướng lĩnh Prabowo Subianto mà nhiều người lo ngại sẽ đưa Indonesia quay ngược lại thời kỳ cầm quyền độc đoán.

Kể từ thời kỳ cầm quyền kéo dài ba thập kỷ của cựu tổng thống Suharto kết thúc năm 1998, Indonesia đã bắt đầu chuyển mình trên con đường dân chủ. Tuy nhiên, tham nhũng đã lan rộng trong tầng lớp chính trị mới. Giới quan sát cho rằng một số bộ phận cử tri đang muốn quay lại thời kỳ cầm quyền cứng rắn hơn.

Tranh cử gay gắt

"Đây là một cuộc bầu cử xác định xem Indonesia sẽ tiến lên hay đi giật lùi"

Nhà phân tích chính trị độc lập PAUL ROWLAND ở Jakarta

Theo AFP, các cuộc vận động trở nên gay gắt hơn trước thềm bầu cử, trong đó những người ủng hộ của hai ứng cử viên thi nhau “dìm hàng” đối thủ bằng nhiều cách khác nhau.

Bảy tháng trước, thị trưởng Widodo được coi là ứng cử viên sáng giá cho ghế tổng thống và con đường trước mặt ông có vẻ như trải đầy hoa hồng. Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho ông giảm sút sau các chiến dịch bôi nhọ tung tin ông không phải người Hồi giáo mà là người theo đạo Cơ Đốc gốc Hoa, một điều khó gây thiện cảm ở một quốc gia có đa số người theo đạo Hồi. Ông Widodo bác bỏ điều này. Chuyên gia về Indonesia Ross Tapsell nói tin đồn kể trên là nực cười nhưng “đã được lan truyền, đặc biệt ở vùng Java vốn rất quan trọng”.

Trước đây, ông Widodo dẫn trước ông Subianto tới 30% trong các cuộc thăm dò dư luận nhưng mới cách đây hai tuần, sự cách biệt này đã thay đổi. Theo The Jakarta Globe, thăm dò của Viện PolcoMM cho thấy ông Subianto đang “ngựa về ngược” với 46,8% người ủng hộ, trong khi ông Widodo bám sát nút với tỉ lệ 45,3%.

Tuy vậy, ông Widodo phải chịu đựng chỉ trích thì đối thủ Subianto cũng bị “hứng đá”. Ông Subianto bị gọi là “kẻ tâm thần”: một đoạn phim ngắn đang lan truyền nhanh chóng trên YouTube chiếu cảnh cựu tướng lĩnh này đấm một số người trong chiến dịch vận động tranh cử. Tuy nhiên, theo AFP, đoạn phim này có vẻ như đã được cắt ghép, dàn dựng. Đó là chưa kể việc nhóm vận động của ông Widodo tìm cách hạ bệ đối thủ bằng cách nhắc lại chuyện ông Subianto từng ra lệnh bắt cóc các nhà hoạt động sinh viên trước khi ông Suharto bị lật đổ năm 1998.

Hầu hết cáo buộc hay lời lẽ “dìm hàng” đã bị bác bỏ hoặc được chứng minh là không có thật, nhưng ở một quốc gia mà người ta cuồng mạng xã hội như Indonesia và tin đồn được phát tán với tốc độ chóng mặt, rõ ràng những thông tin này có một sự tác động nhất định.

Thách thức phía trước

Theo AFP, các nhà phân tích đã chỉ ra điểm yếu của ông Widodo khi chiến dịch tranh cử của ông khá lộn xộn so với chiến dịch của ông Subianto. Chuyên gia Ross Tapsell chỉ rõ: “Ông Widodo chỉ mới được đề cử tranh cử tổng thống hồi tháng 3, trong khi ông Subianto đã lên kế hoạch cho việc này 10 năm nay. Nhóm vận động của ông Subianto biết chính xác họ đang làm gì, trong khi nhóm của ông Widodo vẫn đang cãi nhau xem nên làm gì”.

Ngoài ra trên truyền hình, phương tiện truyền thông gây ảnh hưởng nhất, dường như ông Subianto đang chiếm ưu thế vì có tới năm đài ủng hộ, trong khi chỉ có một đài ủng hộ ông Widodo. Đó là chưa kể ông Subianto có nhiều tiền hơn để tranh cử với số tài sản vừa công bố (theo luật) là 150 triệu USD so với 2,4 triệu USD của ông Widodo.

Cho dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc giữ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đứng vững, từ việc cắt giảm trợ cấp giá nhiên liệu, đấu tranh chống tham nhũng cho tới việc sửa chữa cơ sở hạ tầng cũ kỹ và đẩy mạnh chi tiêu.

Lo ngại xung đột sau bầu cử

Tuần trước, theo báo The Jakarta Globe, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã cảnh báo về khả năng xảy ra xung đột ngay sau khi có kết quả bầu cử. “Bạo lực có thể phát sinh từ phía thua cuộc” - ông nói. Tổng thống Yudhoyono đã ra lệnh cho cảnh sát và quân đội tăng cường an ninh trước và sau bầu cử. Nhà xã hội học Imam Prasodji, thuộc Trường đại học Indonesia, cũng cho rằng xung đột sau bầu cử dễ xảy ra nếu căng thẳng trước bầu cử đủ độ nóng. “Và kết quả bầu cử chỉ là đỉnh điểm của xung đột” - ông nói và chỉ ra chính những chiến dịch bôi nhọ, vu vạ sẽ góp phần vào việc này.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên