Trạm vũ trụ quốc tế trong ảnh chụp ngày 4-10-2018 - Ảnh: NASA
Ngày 26-7, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) Yuri Borisov cho biết Nga sẽ rút khỏi ISS sau năm 2024. Sau đó, Nga sẽ bắt đầu xây dựng trạm không gian của riêng nước này.
Theo Hãng tin AP, ISS từ lâu đã trở thành biểu tượng của tinh thần hợp tác quốc tế sau Chiến tranh lạnh nhân danh khoa học, và hiện là một trong những lĩnh vực hợp tác cuối cùng giữa Nga - Mỹ trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng. Sau đây là một số cột mốc trong những ngày đầu xây dựng ISS:
- Năm 1992 (tức sau khi Liên Xô tan rã): Mỹ đã ký nhiều thỏa thuận với Chính phủ Nga và khu vực tư nhân mới nổi của Nga liên quan đến việc mở rộng hợp tác trong các hoạt động không gian.
- Tháng 3-1993: phía Nga đề nghị với NASA xây dựng Trạm vũ trụ quốc tế. Đến tháng 12-1993, Nga nhận được lời mời trở thành một đối tác - cùng với Mỹ, Nhật Bản, Canada và 9 quốc gia châu Âu hoạt động thông qua Cơ quan Vũ trụ châu Âu - trong việc thiết kế, phát triển, vận hành và sử dụng một trạm vũ trụ quốc tế - đóng vai trò như phòng thí nghiệm trên quỹ đạo lâu dài.
- Ngày 1-11-1993: Cơ quan Vũ trụ Nga và NASA ký "Kế hoạch chi tiết các công việc cho Trạm vũ trụ quốc tế".
- Năm 1996: Cấu hình của ISS được phê chuẩn. ISS gồm 2 phần: Nga và Mỹ (cùng với sự tham gia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu và một số nước).
Nhóm phi hành gia đầu tiên trên ISS năm 2000 - Ảnh: ISS NATIONAL LAB
- Ngày 20-11-1998: Nga phóng thành phần đầu tiên của trạm là môđun điều khiển Zarya từ sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan. Zarya (tạm dịch: Bình minh) đã cung cấp kho chứa nhiên liệu, năng lượng, điểm hẹn và khả năng cập bến cho tàu Soyuz và Progress.
- Ngày 2-11-2000: Tàu vận tải "Soyuz ТМ-31" đưa lên trạm phi hành đoàn đầu tiên. Soyuz (tạm dịch: Liên hiệp) là loại tàu vũ trụ của Nga dùng để đưa các nhà du hành vũ trụ lên không gian. Trải qua nhiều lần cải tiến, Soyuz đã trở thành loại tàu vũ trụ được sử dụng lâu nhất cho đến nay. Phi hành gia NASA Bill Shepherd cùng các phi hành gia Nga là Yuri Gidzenko và Sergei Krikalev tạo thành phi hành đoàn đầu tiên có mặt trên ISS.
Hiện có 3 người Nga trên ISS
Các phi hành gia người Nga gồm Oleg Artemyev, Denis Matveev và Sergey Korsakov chụp ảnh trong cuộc họp báo trước khi được đưa lên Trạm vũ trụ quốc tế tại sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan ngày 17-3-2022 - Ảnh: REUTERS
Hiện tại ISS do Nga, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Canada cùng vận hành. Trạm vũ trụ này đã liên tục có mặt con người trong gần 22 năm qua. ISS được sử dụng để nghiên cứu khoa học trong điều kiện không trọng lực và thử nghiệm công nghệ cho các chuyến hành trình lên Mặt trăng và sao Hỏa trong tương lai.
Thông thường nhóm phi hành gia có mặt trên ISS gồm 7 người. Họ có mặt trên ISS nhiều tháng khi trạm vũ trụ này quay ở độ cao 420km phía trên Trái đất. Hiện tại có 3 người Nga, 3 người Mỹ và 1 người Ý đang có mặt trên ISS.
ISS trị giá hơn 100 tỉ USD, với chiều dài bằng một sân bóng đá và bao gồm hai phần chính, gồm một phần do Nga vận hành và phần còn lại của Mỹ cùng các quốc gia khác.
Mỹ và Nga đảm bảo ISS liên tục có các phi hành gia, với vai trò của hai bên phụ thuộc lẫn nhau, từ các hệ thống hỗ trợ sự sống đến các động cơ đẩy ISS giữ cho trên quỹ đạo. Hiện vẫn chưa rõ sẽ phải làm gì để vận hành phần của Nga một cách an toàn sau khi Matxcơva rút khỏi ISS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận