Tổng số người chết trong trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6-2 đến nay đã tăng lên 24.150 người, nhiều nhà cửa, làng mạc, cơ sở hạ tầng đều bị phá hủy nghiêm trọng.
Làng Al-Taloul gần thị trấn Salqin thuộc tỉnh Idlib, phía tây bắc Syria, đã bị cuốn trôi sau khi một con đập ở địa phương bị vỡ do những ảnh hưởng từ trận động đất.
Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ sau khi con đập bị vỡ, nước lũ dâng cao đã nhấn chìm nhiều ngôi nhà, khiến toàn bộ người dân trong khu vực phải tháo chạy đến rừng ô liu.
“Tất cả nhà cửa của chúng tôi đều chìm trong nước sông Orontes. Chúng tôi không còn nơi nào để đi”, anh Abdul Rabiei nói với tờ Arab News.
Lo sợ trước tình cảnh ở làng Al-Taloul, cư dân ở những ngôi làng khác dọc theo con sông Orontes đã tháo chạy đến những khu vực cao hơn ở thành phố Jisr al-Shughur và thị trấn Darkush cũng thuộc tỉnh Idlib.
Không chỉ nhà cửa, đường phố, trận động đất mạnh 7,8 độ Richter cũng đã phá hủy nhiều công trình kiến trúc lịch sử ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, gây ra những tổn thất không nhỏ đối với văn hóa và du lịch khu vực.
Theo tờ nhật báo Daily Sabah, một trong những nhà thờ lâu đời nhất khu vực Tiểu Á là nhà thờ Hồi giáo Habib-i Neccar ở tỉnh Hatay đã bị phá hủy toàn bộ cấu trúc bên ngoài. Một bức tranh tường của ngôi nhà thờ lịch sử được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 nay chỉ còn lại một đống gạch nát vụn.
Theo Ủy ban Văn hóa và Du lịch tỉnh Hatay, khu vực gần nhà thờ Habib-i Neccar còn có những di tích lịch sử được du khách quan tâm và ghé thăm nhiều nhất nhì địa phương này như nhà tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ cổ Yeni Hamam và trường Hồi giáo học Madrassa, nhưng tất cả đều đã bị trận động đất kinh hoàng phá hủy.
Bên cạnh đó, một di tích lịch sử khác cũng bị hư hại là nhà thờ Truyền Tin, nhà thờ chánh tòa của Giáo phận Tông tòa Anatolia với tuổi đời lên đến 152 năm cũng sụp đổ hoàn toàn trong trận động đất hôm 6-2.
Ngoài ra, lâu đài Gaziantep, một di tích lịch sử được UNESSCO công nhận, một công trình kiến trúc có giá trị văn hóa cao và là địa danh độc đáo, hút khách du lịch của tỉnh Gaziantep cũng bị phá hủy nặng nề.
Nhà thờ Hồi giáo Mới hay còn được gọi là Yeni Cami tọa lạc ở trung tâm thành phố Malatya, phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thoát khỏi sức tàn phá ghê gớm của trận động đất này.
Trước đây, ngôi nhà thờ Yeni Cami từng bị hư hại bởi động đất vào các năm 1894 và năm 1964.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận