09/07/2023 13:06 GMT+7

Đòn tất tay ở Ukraine

Bất chấp sự phản đối từ nhiều phía, Mỹ quyết định gửi bom chùm cho Ukraine, một giải pháp khẩn cấp và có thể tác động lớn không chỉ tới chiến sự Nga - Ukraine.

Một binh sĩ lục quân Mỹ chuyển một quả bom chùm vào xe trong đợt huấn luyện ở doanh trại Hovey, Hàn Quốc năm 2016 - Ảnh: Reuters

Một binh sĩ lục quân Mỹ chuyển một quả bom chùm vào xe trong đợt huấn luyện ở doanh trại Hovey, Hàn Quốc năm 2016 - Ảnh: Reuters

Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố gói viện trợ an ninh mới lên tới 800 triệu USD cho Ukraine nhằm hỗ trợ cuộc phản công quy mô lớn, có thể mang tính chất quyết định của Kiev.

Quyết chiến bằng bom chùm

Điểm đáng chú ý nhất của gói viện trợ này là việc lần đầu tiên Mỹ sẽ cấp cho Ukraine loại đạn thông thường được cải tiến có mục đích kép (DPICM), tức đầu đạn pháo và tên lửa đất đối đất có khả năng nổ thành đạn con. Loại bom chùm này có khả năng sát thương diện rộng, dùng để tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu như xe tăng, thiết bị quân sự hoặc quân lính của đối phương.

Đây là loại vũ khí nguy hiểm, nhất là với những quả bom chùm có tỉ lệ đạn "chết" cao. Việc hàng ngàn bom con chưa nổ "nằm chờ" trong đất sẽ là mối đe dọa kinh hoàng với người dân thời hậu chiến suốt hàng thập niên sau đó. Lần cuối cùng Mỹ dùng bom chùm là cuộc chiến ở Iraq năm 2003.

Một công ước cấm dùng bom chùm đã được hơn 120 quốc gia ký kết, Mỹ, Nga và Ukraine không tham gia công ước này. Động thái Mỹ gửi bom chùm cho Ukraine đã vấp phải sự phản đối từ cả đồng minh của chính nước này và các tổ chức nhân đạo.

Ngày 7-7, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh Berlin giữ lập trường cấm dùng bom chùm. Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) cho rằng "việc chuyển giao các loại vũ khí này sẽ không thể tránh khỏi việc khiến dân thường tổn thương lâu dài, và làm suy yếu sự phản đối việc sử dụng các loại vũ khí này trong cộng đồng quốc tế". 

Trong khi đó, Tổ chức Ân xá quốc tế cũng khẳng định chính quyền ông Biden "phải hiểu rằng bất cứ quyết định cho phép sử dụng rộng rãi bom chùm nào trong cuộc chiến này cũng sẽ có khả năng dẫn đến một kết quả có thể đoán trước: cái chết của dân thường".

Trong tuyên bố viện trợ bom chùm cho Ukraine, Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý họ đưa ra quyết định sau khi đã "tham vấn lâu dài" trong Quốc hội và các đồng minh. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói Ukraine đã có cam kết bằng văn bản về việc sử dụng bom chùm, không sử dụng vũ khí này tại các khu vực đông dân. Trên Đài CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định đó là một "quyết định rất khó khăn" nhưng Mỹ phải hành động vì Ukraine đang cần.

Nga cũng đã phản ứng gay gắt, tố cáo Washington muốn đẩy tất cả về bờ vực chiến tranh thế giới. Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Anatoly Antonov, cho rằng quyết định gửi bom chùm của Mỹ cho thấy Washington đang tuyệt vọng. Ông Antonov khẳng định việc này không thể ngăn chiến dịch quân sự của Matxcơva. 

"Tuy nhiên, họ không muốn thừa nhận thất bại của bản thân, cũng như thất bại của lực lượng Ukraine trong nỗ lực tấn công vào các vùng của Nga. Vì vậy đây là sự điên rồ tiếp theo mà họ thể hiện", Hãng thông tấn TASS dẫn lời đại sứ Antonov.

Giải pháp tạm thời?

Đối với Mỹ, có hai lý do chính để Washington hành động bất chấp trong việc gửi bom chùm sang Ukraine. Thứ nhất, bom chùm phù hợp với hệ thống phóng lựu pháo 155mm, đóng vai trò then chốt trên chiến trường Ukraine lâu nay. Một quả lựu pháo 155mm có thể tấn công các mục tiêu xa từ 24-32km và Ukraine bắn vài ngàn quả đạn này mỗi ngày.

Thứ hai, cũng vì vậy, kho lựu pháo 155mm đã tiêu hao đáng kể khi xung đột Nga - Ukraine kéo dài sang tháng thứ 17. Ukraine đang tiêu thụ đạn nhanh hơn năng lực sản xuất của cả Mỹ lẫn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nói cách khác, kho đạn của Mỹ và đồng minh đang cạn vì Ukraine. Tổng thống Mỹ Biden lập luận bom chùm là giải pháp tạm thời của Mỹ cho đến khi Washington và các nước đạt được tốc độ sản xuất đạn dược mong muốn. Hiện Mỹ còn tồn kho khoảng 3 triệu quả bom chùm để có thể sử dụng ngay.

Tại cuộc họp quan trọng của NATO ở Lithuania tuần sau, việc tăng cường sản xuất đạn cho Ukraine cũng sẽ là chủ đề cấp bách. Trong diễn biến khác, Hội đồng châu Âu ngày 7-7 cũng đạt được thỏa thuận tạm thời với Nghị viện châu Âu về Đạo luật Hỗ trợ sản xuất đạn (ASAP). Liên minh châu Âu theo đó đồng ý huy động khẩn cấp 500 triệu USD từ ngân sách nhằm tăng tốc sản xuất đạn pháo và tên lửa. 

Việc tìm thấy tiếng nói chung và sản xuất, chuyển giao đạn cho Ukraine sẽ mất thời gian. Một trong những giải pháp nữa được tính tới là các kho đạn ở Israel và Hàn Quốc.

Bom chùm và bầu cử Mỹ 2024

Trong một bài viết chỉ trích quyết định của Mỹ, tờ Guardian (Anh) mô tả: "Lập luận của Nhà Trắng rất đơn giản: lấy mục đích biện minh cho phương tiện. Ukraine đang đốt cháy nguồn cung đạn thông thường. Tiền của Washington không phải vô tận và sự kiên nhẫn của công chúng cũng không phải không có giới hạn.

Đồng hồ đang điểm về một cuộc bầu cử vốn có thể đưa Donald Trump, Ron DeSantis hoặc một ai đó không nhiệt tình với Ukraine, vào Phòng Bầu dục".

Thành viên NATO phản đối gửi bom chùm tới Ukraine, Mỹ nói không để Nga chiến thắngThành viên NATO phản đối gửi bom chùm tới Ukraine, Mỹ nói không để Nga chiến thắng

Nhiều nước NATO như Canada, Tây Ban Nha hay Anh đã phản đối việc Mỹ gửi bom chùm tới Ukraine. Trong khi quan chức Lầu Năm Góc cho rằng điều quan trọng hơn là không để Nga chiến thắng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên