23/03/2012 10:14 GMT+7

Đốm lửa trong đêm

TRƯƠNG THỊ HỒNG TÂM
TRƯƠNG THỊ HỒNG TÂM

TT - Ngày kia, lúc tôi đang ngáp ruồi vì ế khách thì một nhóm thanh niên đi ngang qua. Họ sà xuống làm quen. Tưởng khách rủ đi, tôi mừng thầm trong bụng. Ai dè họ nói toàn chuyện trên trời dưới đất, siđa si điếc gì đó.

Bực mình vì không có tiền, tôi trút giận vào họ. Tôi chửi té tát: “Tụi bây biến đi chỗ khác cho tao nhờ. Đi cho tao làm ăn. Đồ ám quẻ. Siđa gì ở đây?”.

RW91SeQc.jpgPhóng to

Chị Tâm trong một buổi chia sẻ kinh nghiệm làm việc với trẻ đường phố - Ảnh: CTV

Cùng đường

Lạ một điều dù tôi có chửi thế nào, các thanh niên này vẫn cứ đến. Có lúc họ còn mời tôi đi uống cà phê, mời tôi hút thuốc dù bị đám ma cô dẫn mối bảo: “Mấy thằng này không đủ tiền chơi gái, tới đây nói chuyện xạo cho đỡ vã”.

Cứ vài ngày họ lại đến, riết rồi quen mặt. Bẵng đi một tuần, nhóm thanh niên ấy không đến, tôi cũng chẳng quan tâm làm gì. Chiến dịch liên miên. Tôi ngồi bó gối chờ thời. ]

Nga “điên” dẫn mối tìm tôi: “Tâm, mày có khách quen tới kiếm kìa! Đỡ vã rồi nghe. Mày nhớ cứu bồ tao với đó!”. Tôi mừng húm. Có khách quen tới kiếm tức là có tiền trang trải nợ nần cho ngày mai rồi. Tôi lật đật chạy tới...

Quỷ thần ơi! Hai thằng nhóc con và thằng cha xì ke hôm bữa chứ khách khứa gì đâu? Tụi này tìm tôi để nói ba cái chuyện tào lao đây mà. Thật đen đủi quá. Họ lại nói toàn chuyện bệnh hoạn cho tôi nghe, cho tôi tờ giấy in toàn hình mấy người đau ốm. Mỗi lần họ đưa là mỗi lần tôi đốt ngay trước mặt họ để đốt phong long.

Bữa đó cuối tuần ế khách, tôi lại ngồi suy ngẫm chuyện đời. Càng nghĩ càng buồn. Bà dẫn mối lại kêu rân trời: “Tâm ơi, có khách!”. Tôi vội đứng lên. Lại mấy thằng quỷ sứ. Mấy thằng ám quẻ tới tìm. Không hiểu lý do gì tụi này cứ tìm mình hoài? Làm gì đây vậy trời?

Để cắt đứt mấy thằng ám quẻ, tôi nói một hơi cốt để họ không tìm tới nữa: “Siđa hả? Nó lây ra làm sao, lây như thế nào, tôi biết rồi khỏi phải dạy”. Không ngờ tôi vừa dứt lời thì một người tên Lê Ngọc Thanh gợi: “Chị có thích đi làm giống như tụi này không? Em thấy chị nói năng cũng hay lắm! Chị vừa vui vừa tiếu lâm. Hay là chị tham gia nhóm đi. Em sẽ giới thiệu chị với sếp để chị đi làm chung với tụi em cho vui”. Tôi nghĩ thầm: “Lại thêm một lũ xạo nữa rồi”.

Cơn khùng trong tôi bùng nổ: “Tụi bây nói láo cũng vừa vừa thôi chứ. Có biết bao nhiêu thằng làm giám đốc hứa hẹn giúp tao việc làm đàng hoàng, cuối cùng có được gì đâu. Huống hồ chi tụi bây còn cơm cha áo mẹ. Đi chỗ khác chơi đi mấy cha, cho con kiếm sống với. Mấy cha ngồi đây nói toàn chuyện siđa si điếc hoài, con mất khách hết. Mấy cha làm ơn đi chỗ khác!”.

Thấy tôi nổi cơn tam bành, anh Hùng, người lớn tuổi nhất trong nhóm, kéo các bạn đi và hẹn khi khác sẽ trở lại.

Quả thật, tôi đã hết thời làm “gái” ngay trong đêm hôm đó. Tôi đi ngủ đêm với khách, bị mười mấy thằng làm hội đồng, còn bị lột sạch áo quần. Một anh xích lô thương tình về nhà lấy đồ của vợ anh đem ra cho tôi mặc để về. Anh khuyên tôi nên kiếm nghề khác để làm ăn. Tôi ậm ừ cho qua chuyện, cảm ơn anh giúp đỡ tôi trong lúc như vầy. Xong, tôi lội bộ về khu Lê Lai cách đó sáu, bảy cây số.

Cay đắng, tủi nhục. Tôi không còn tin bất cứ ai trong cuộc đời này. Liên tục một tuần lễ tôi ế khách, nợ chồng nợ chất, không còn cách để xoay trở. Tôi lại nghĩ đến cái chết. Có lẽ chết là sướng nhất. Chết là thoát nợ đời. Chết rồi sẽ không còn bị bầm giập xác thân bởi cái nghèo, khỏi phải đi bán xác thân để sống nữa...

Vẫn còn mơ ước

Lúc tôi đang suy nghĩ mông lung về cuộc đời, về gia đình thì “đám siđa” lại tìm đến, lân la hỏi chuyện. Tôi nghĩ: “Thôi kệ, lúc này có tụi nó trò chuyện cũng đỡ buồn, cũng vơi bớt sự cô đơn”. Lê Ngọc Thanh, cậu thanh niên có dáng người nhỏ nhất trong nhóm, nói chuyện với tôi nhiều nhất. Tôi cũng kể Thanh nghe về cuộc đời của tôi, về quá khứ, về hiện tại khổ đau, về những ước mơ bình thường... Thanh chỉ ngồi yên lặng nghe tôi kể lể.

Lúc chia tay, Thanh không quên nhắc lại đề nghị hôm trước về việc tham gia nhóm. Thanh nói: “Chị cứ thử đi với tụi em vài bữa. Nếu thích thì chị làm, không thích thì nghỉ, không sao hết. Em thấy việc này phù hợp với khả năng của chị và em tin chị làm được!”.

Tôi muốn thử thời vận để thay đổi cuộc đời khốn khổ của mình. Thế là Ngọc Thanh đưa tôi đi gặp anh Phạm Thanh Vân.

Vài ngày sau, chị em từng làm chung con đường Hồng Thập Tự thấy tôi xuất hiện với bộ mặt mới. Có đứa hỏi: “Ê! Bộ mày tìm cách trốn nợ hả? Sao hổm rày không thấy mặt vậy?”. Đứa khác trả lời thay tôi: “Nó đi theo mấy thằng làm siđa si điếc gì đó”. Thúy, chủ nuôi “gái”, chen vô hỏi: “Ê Tâm! Trong ba thằng mày lấy thằng nào? Thằng già nhất (Hùng phở), thằng đẹp trai (Công Bình) hay thằng suy dinh dưỡng (Ngọc Thanh)?”. Thúy tiếp luôn: “Tao thấy mày nên lấy thằng đẹp trai vì nó vừa đẹp vừa có duyên. Lấy nó đi, tao thấy được đó...”.

Mỗi người chọc một câu, tôi chỉ cười trừ. Loan, nhỏ bạn thân của tôi, nói: “Mày đang hái ra tiền, chỉ bị xui có mấy ngày mà đã nản thì làm sao “tổ” đãi được? Tự nhiên bỏ đi theo mấy thằng làm siđa. Một tháng được bao nhiêu tiền lương? Trong lúc mày phải nuôi cơn nghiện của mày, nuôi má, lại nợ nần chồng chất... Làm sao mày sống nổi với đồng lương chết đói đó? Làm sao sống nổi? Bộ mày tính trở về thời xa xưa làm con gái nhà lành hả? Hiện tại của tụi mình đâu có tốt đẹp gì. Ai tin tụi mình tốt? Ai tin mày sống đàng hoàng? Mày điên hết chỗ nói. Quá khứ còn rành rành ra đó, mày có cố gắng sống cho tốt đi nữa người ta vẫn coi mày là “gái”, là con “xì ke”, biết chưa?”.

Loan chửi tôi một tràng. Tôi không cãi, chỉ lẳng lặng ngồi nghe. Nó cũng từng cố gắng sống tốt, từng mơ ước thay đổi cuộc sống nhưng cuối cùng chỉ là con số không.

Đợi nó hết chửi, tôi từ từ giải thích: “Tao đợi ngày này lâu lắm rồi mày có biết không? Tao đâu muốn sống bằng cái nghề khốn nạn này, cái nghề mà gặp ai cũng sợ, gặp ai cũng phải né tránh, cái nghề mà đêm đêm ra đứng lề đường trông ngóng một người đàn ông mà mình không hề yêu thương, mời gọi để bán xác thân, ăn ngủ mà không có chút tình cảm. Tao muốn thay đổi, dù khổ tới đâu tao cũng chịu! Tao muốn giúp tao và có thể giúp được bạn bè như tụi mình”. Loan xì: “Mày hơi sến đó Tâm. Mày ráng sống cho tốt nghen... Ráng nhịn đói đi làm siđa, rồi ráng nhịn đói mà đi trốn nợ”.

Tôi đáp lời Loan: “Nợ mòn con lớn, lo gì mày?”. Loan nhắc tôi: “Mày ráng nhớ lời tao nói nghe. Tao ráng chống con mắt coi mày làm người tốt được bao lâu. Ráng đừng để phải trở lại hè phố nghe, đừng để nghiện trở lại nghen”. Nói xong, nó bỏ đi kiếm khách.

Tôi uể oải ra về, vừa đi vừa suy nghĩ lời Loan nói. Tuy hoang mang nhưng tôi vẫn gắng gượng đứng lên, quyết phải làm người. Tôi chăm chú quan sát, học hỏi cách tiếp cận từ thực tế mà các bạn mới của tôi đang làm. Càng ngày tôi càng khám phá và cảm nhận tình người quanh tôi.

Tôi được gặp gỡ, được tiếp xúc với những anh chị có địa vị trong xã hội, được cảm thông, giúp đỡ, động viên... Dần dần tôi trở lại con người thật của mình lúc nào không hay!

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Chông chênh đường đời Kỳ 2: Càng bước càng lún sâu Kỳ 3: Chuỗi ngày trường trại Kỳ 4: Vòng đời luẩn quẩn

__________

Kỳ tới: Làm người tốt thật khó

TRƯƠNG THỊ HỒNG TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên