Kỳ 1: Chông chênh đường đời Kỳ 2: Càng bước càng lún sâu
Phóng to |
Trốn và trốn
Tôi bị ghẻ lở đầy người, đêm không ngủ được vì những mụn ghẻ cương lên, nhức không chịu nổi. Vậy là tôi tìm cách trốn nhưng không thoát. Bị bắt trở lại, bị kỷ luật. Trốn ban ngày không thoát, tôi tìm cách trốn ban đêm. Tôi thuyết phục các chị cùng phòng đục tường trốn đi. Ban đầu không ai dám đồng tình với tôi, nhưng thấy tôi nhất quyết làm, mọi người cũng không phản đối. Mỗi đêm, canh đến giờ bảo vệ không đi tuần tra, tôi múc nước tiểu tạt vô vách tường cho mau mục để thực hiện ý đồ đục tường. Gần một tháng trời, tôi đục được một lỗ to vừa đủ một người chui. Đêm đó tôi chui ra trước, cả phòng chui ra sau. Không ngờ chúng tôi chưa kịp trốn xa đã bị công an rượt đuổi và bắt lại hết, không sót một người. Tôi là kẻ chủ mưu bị nhốt cách ly một thời gian.
Năm lần bảy lượt tìm cách trốn vẫn không thoát, tôi đành chấp nhận ở lại trường, tỏ ra ngoan ngoãn mong được ưu ái hơn.
Tháng 11-1976, dì Ba Mai, phụ trách trường, thông báo sẽ có đợt đăng ký đi lao động ở Nông trường Phú Văn, lên đó ai lao động tốt sẽ được trả về gia đình. Nghe vậy, cả phòng ai nấy vui mừng không thể tả. Mọi người tranh nhau đăng ký để được đi lao động, trong đó có tôi.
Xe chạy hai ngày. Đường vào nông trường bắt đầu khó đi. Một bên là vách núi, một bên là vực sâu thăm thẳm. Mặt đường đất sét nhão nhoẹt. Đoàn xe chậm chạp leo dốc. Cây rừng che mất lối đi. Chúng tôi không ai nói với ai câu nào, tất cả đều khóc ròng bởi hi vọng trốn trại quá mong manh. Xung quanh toàn rừng là rừng, không thấy một bóng người.
Ở miền rừng núi đêm xuống rất nhanh. Chúng tôi nhóm lửa giữa nhà cho ấm vì trời rất lạnh. Càng về khuya tiếng côn trùng đồng ca nghe não nuột. Không ai nói với ai lời nào, chỉ nghe tiếng thút thít... Rồi tiếng kẻng đánh thức chúng tôi dậy. Chúng tôi được gọi ra sân xếp hàng tập thể dục, xuống suối làm vệ sinh cá nhân, rồi trở về lĩnh khoai mì ăn sáng. Một hồi kẻng lại vang lên. Mọi người tập trung trước sân để nghe đọc nội quy và bầu ra A trưởng. A trưởng lĩnh cuốc, rựa, liềm, và chịu trách nhiệm đôn đốc những thành viên trong A đi khai hoang, phát rừng trồng trọt.
Từ nhỏ tới giờ tôi chưa hề đụng đến mấy thứ này. Cầm liềm để cắt cỏ tranh thì mũi liềm cắt vào chân chảy máu; cầm rựa đốn cây thì rựa bật tung ra làm tức cả lồng ngực; cầm cuốc xới xuống đất thì đất chẳng xới lên được mà tay phồng rộp hết cả... Chán nản, chịu cực không nổi, tôi chống cuốc nhìn đời hiu quạnh. Bị cho là có thái độ “cộm”, tôi nổi điên cầm cuốc đánh vào đầu một nữ thanh niên xung phong. Sau vụ đó tôi bị kỷ luật phải đi cuốc đất trồng sả Java, vào rừng lấy củi cung cấp cho hậu cần, đốn lồ ô về cấp cho tổ đan giỏ.
Cực quá, tôi rủ mấy đứa bạn ở chung A tìm cách trốn trại. Để chuẩn bị cuộc chạy trốn, mỗi ngày chúng tôi bớt ra một ít phần ăn đem phơi khô để dành. Gần một tháng, nhắm đủ thức ăn mang theo đi đường, chúng tôi quyết định ngày giờ trốn trại. Canh giờ đổi ca của bảo vệ gác đêm, năm đứa chúng tôi lẻn trốn.
Đó là đêm 27-12-1977. Không biết đường nên chúng tôi cứ nhắm hướng đi đại. Một tuần lễ đi không dám ngừng nghỉ nhưng chúng tôi vẫn còn nghe tiếng kẻng của nông trại. Làm dấu các con đường mòn đã đi qua, chúng tôi mới phát hiện mình vẫn còn ở chỗ cũ. Thực phẩm đem theo đã hết. Cuối cùng, chúng tôi quyết định quay trở về cho dù bị kỷ luật...
Làm lại cuộc đời?
Năm năm trời phấn đấu, tôi được giao phụ trách văn thể mỹ cho đội. Tôi làm tốt mọi công tác mà ban chỉ huy đội và ban tuyên huấn phân công. Tôi mong được đánh giá tốt để có ngày trở về. Chừng ấy năm ở Phú Văn, tôi không được một ai thăm nuôi, không tin tức gì về gia đình. Ba tôi cải tạo ở Cao Bằng không biết đã về nhà chưa? Má tôi bây giờ có còn ở chỗ cũ nữa không? Các anh, chị và em tôi như thế nào?...
Hoàn toàn không có chút thông tin nào cả. Thế giới bên ngoài dường như không tồn tại. Xung quanh tôi bốn bề là rừng núi. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có núi với rừng.
Năm 1980, giám đốc nông trường cho phép học viên tìm hiểu nhau để lập gia đình. Tin vừa được loan ra, lập tức có mười cặp lên phòng tổ chức xin đăng ký kết hôn. Chú Tư Thanh, giám đốc nông trường, đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới tập thể đó. Mấy ngàn học viên tại Phú Văn cùng chung vui với các cô dâu chú rể. Đa số chú rể đều có người thân lên dự lễ và trao cho cô dâu quà cưới đúng như phong tục xưa. Nhưng phía các cô dâu hoàn toàn không có ai, chỉ có chú Tư Thanh đứng ra đỡ đầu.
Mười cặp vợ chồng đầu tiên của nông trường được cấp đất, cấp nhà để lập nghiệp. Họ sống trong phạm vi nông trại quản lý nhưng được tự do đi lại, được phép về thăm gia đình. Trong số các cặp vợ chồng đó có nhỏ bạn của tôi, Thạch Ngọc Mai, còn gọi là Mai “đen”. Sau đám cưới, nhỏ Mai được gia đình bên chồng bảo lãnh về phép để ra mắt họ hàng.
Hết phép, nhỏ trở lên nông trại. Tôi thấy nó khác hẳn lúc trước! Điều đó làm tôi suy nghĩ... Tại sao mình không tìm cho mình một lối thoát danh chánh ngôn thuận? Tôi quyết định chấp nhận tình cảm của anh Đạt, phụ trách văn thể mỹ của liên đội nam. Anh đã nhiều lần gửi thư cho tôi nhưng tôi không hề hồi âm. Giờ thì tôi chủ động viết thư gửi cho anh và chúng tôi cũng đăng ký kết hôn.
Cuối cùng cái ngày mà tôi mong đợi cũng đến: tôi được mẹ chồng tương lai làm đơn bảo lãnh về phép để bà dẫn đi mua sắm, chuẩn bị cho đám cưới. Cầm tờ giấy quyết định cho đi phép, tôi như đi trên mây. Đạt dặn tôi mua đủ thứ trên đời dưới đất, cái gì tôi cũng gật đầu.
Ngồi trên xe về thành phố một cách danh chánh ngôn thuận, còn điều gì hạnh phúc hơn? Tôi đến nhà mẹ chồng tương lai ra mắt ông bà, họ hàng. Mấy đứa em anh Đạt giục tôi đi tắm rửa để còn ăn cơm. Cơm nước xong, tôi xin phép ra chợ mua ít đồ dùng cá nhân. Ra khỏi nhà, tôi kêu xích lô đi thẳng về khu Lê Lai...
______________________
Kỳ tới: Vòng đời luẩn quẩn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận