Đòi nợ sai luật gây ra nhiều hệ lụy. Cách nay chưa lâu, 26 bị can thuộc một công ty tài chính và công ty luật bị khởi tố tội danh vu khống, chiếm đoạt tài sản. Tương tự là vụ khởi tố 13 bị can tại hai công ty khác về tội "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".
Tại TP Cần Thơ, công an cũng vừa bắt một phụ nữ 32 tuổi cầm đầu băng nhóm 10 nữ hoạt động đòi nợ thuê mà thực chất là cưỡng đoạt tài sản theo sự điều hành của tội phạm nước ngoài.
Mới nhất, ngày 6-3 các lực lượng Công an TP.HCM đồng loạt khám xét nhiều chi nhánh Công ty F88 trên địa bàn. Đây là tổ chức kinh doanh cho vay, cầm đồ, bị tình nghi có hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Dù núp trong những vỏ bọc tinh vi, kín đáo dưới danh nghĩa doanh nghiệp được cấp phép nhưng những biểu hiện của các tổ chức, đường dây nói trên luôn có màu "xã hội đen", lộ liễu như thách thức pháp luật. Họ hoạt động "giữa thanh thiên bạch nhật".
Dư luận cho rằng đã có sự buông lỏng quản lý ở lĩnh vực, địa bàn. Điển hình như trường hợp Công ty F88. Họ quảng cáo công khai ở phố phường, nhiều người đã đặt dấu hỏi: Tại sao lại mời chào, gạ gẫm khách hàng vay tiền mà quy tiền phải trả ra lãi suất cũng ngất ngưởng?
Doanh nghiệp (có trụ sở chính tại Hà Nội) này vẫn "lớn mạnh không ngừng" với khoảng 830 chi nhánh toàn quốc. Dưới danh nghĩa kinh doanh lĩnh vực cho vay cầm đồ, F88 cũng huy động vốn ngoại lớn với tham vọng đạt vốn hóa 1 tỉ USD vào năm 2024 với khoảng 1.000 chi nhánh.
Tất nhiên, những gì đã diễn ra ở các chi nhánh F88 tại TP.HCM vừa qua cũng như các tổ chức, đường dây cho vay lãi cao, đòi nợ… khác đã cho thấy cùng với sự "nở nồi" này là bi kịch của rất nhiều "con nợ" vay lãi suất cao.
Nhiều tổ chức tội phạm núp bóng doanh nghiệp hoạt động cưỡng đoạt tài sản đã và đang bị đưa ra ánh sáng. Thực tế đó cũng còn đặt ra những câu hỏi xung quanh các lĩnh vực quản lý, bảo đảm trật tự xã hội.
Vì sao có nhiều điều luật, quy định mà thông tin công dân, dữ liệu bảo mật… vẫn bị xâm nhập? Và còn quá nhiều sim rác điện thoại vẫn lưu hành để kẻ xấu sử dụng phi pháp.
Tội phạm lừa đảo sử dụng mạng viễn thông, công nghệ cao đang tấn công vào cuộc sống. Cơ quan đã làm mạnh tay hơn, nhưng tỉ lệ chế tài còn thấp so với thực tế và chỉ thực hiện được khi băng nhóm lừa đảo đã gây hậu quả lớn với hàng triệu bị hại.
Để không còn tình trạng "thả gà ra đuổi" như thế, phải chăng các cơ quan hữu trách nói chung, lực lượng công an nói riêng cần có giải pháp mới hữu hiệu hơn đồng thời phát động toàn dân phản ảnh, tố giác, hiến kế phòng chống tội phạm lừa đảo ở mức nghiêm trọng như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận