21/05/2011 05:05 GMT+7

Đổi mới nghị trường - Kỳ 2: "Tôi cũng phải trả lời chất vấn à?"

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Tháng 7-1987, Quốc hội (QH) khóa VIII họp kỳ đầu tiên, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói: QH phải thực hiện đúng vai trò như hiến pháp và pháp luật quy định. Tháng 6-1988, cũng chính Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh quyết định để QH thực hiện một sự kiện chưa từng có: bầu chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (HĐBT) từ hai ứng cử viên. Không khí tranh luận ở QH sôi nổi kể từ ngày đó.

Jk1iLVxO.jpgPhóng to
Ông Vũ Mão cho rằng sự kiện bầu chủ tịch HĐBT tháng 6-1988 đã mở đầu cho không khí tranh luận sôi nổi tại QH - Ảnh. Lê Kiên

Kỳ 1: Đổi mới nghị trường

Sự kiện “vô tiền khoáng hậu”

Đã 10 năm nghỉ hưu, nhưng với nguyên phó chủ tịch QH Mai Thúc Lân, 15 năm liên tục làm đại biểu QH đúng vào giai đoạn đất nước đổi mới là những kỷ niệm luôn đầy ắp trong trí nhớ. “Giữa năm 1988, hoạt động QH bắt đầu có không khí khác. Nhiều người phát biểu không theo kiểu đọc tham luận nữa.

Và đến khi QH thảo luận để sửa đổi hiến pháp thì sôi nổi lắm. Các đại biểu tranh luận nhau rất găng là để Hội đồng nhà nước hay tách ra thành Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ QH? Duy trì HĐBT hay là Thủ tướng và Chính phủ? Cuối cùng QH quyết Hiến pháp 1992 như chúng ta đã biết”.

Cả ông Mai Thúc Lân và ông Vũ Mão đều thống nhất sự kiện bầu chủ tịch HĐBT tháng 6-1988 đã mở đầu cho không khí tranh luận sôi nổi tại QH, đến nay vẫn là sự kiện “vô tiền khoáng hậu”. Ông Mão kể: sau khi Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng đột ngột qua đời đầu năm 1988, QH tiến hành bầu chủ tịch mới trong kỳ họp giữa năm.

Trung ương giới thiệu ông Đỗ Mười, khi ấy là ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư. Nhưng khi ra QH lấy phiếu thăm dò thì nảy sinh tình huống đặc biệt: có nhiều đoàn giới thiệu ông Võ Văn Kiệt, khi ấy là người tạm quyền điều hành Chính phủ; một số đoàn giới thiệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Nguyễn Cơ Thạch. Sự việc được báo cáo lên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và ông Linh đã quyết định giữ hai ứng cử viên để QH bầu.

“Chắc không đại biểu QH khóa VIII nào quên khoảnh khắc ấy” - ông Lân hồi tưởng. Hôm ấy, Chủ tịch QH Lê Quang Đạo điều khiển phiên họp, trước giờ bỏ phiếu nhiều đại biểu đã đứng lên tranh luận với nhau.

Bà Ba Thi - giám đốc Công ty Lương thực Sài Gòn - nói: “Tôi đề nghị anh Võ Văn Kiệt làm chủ tịch HĐBT vì anh là người cách mạng kiên cường, được nhân dân TP.HCM, nhân dân miền Nam yêu mến. Anh là người hành động, nếu làm việc sẽ thúc đẩy sự nghiệp đổi mới”.

Bà Kim Đính - chủ nhiệm liên minh HTX tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Hải Hưng, liền đứng bật dậy: “Cách nói của chị Ba Thi tôi không đồng ý. Anh Sáu Dân là nhà cách mạng hoạt động ở miền Nam rất tiêu biểu, nhưng anh Đỗ Mười cũng là nhà cách mạng hoạt động tiêu biểu ở miền Bắc”. Giáo sư Lý Chánh Trung ôn tồn phân tích: “Bây giờ đất nước thống nhất, chính quyền trong tay chúng ta rồi, nên chuyện có hai ứng cử viên để bầu chủ tịch HĐBT là rất tốt”.

Ông Mão khẳng định phiên bầu chủ tịch HĐBT trên là phiên tranh luận hấp dẫn mở đầu cho thời kỳ QH đổi mới. Kết quả ông Đỗ Mười là người trúng cử. Người trúng cử và người không trúng cử đều vui. Các đại biểu QH cũng thoải mái và phấn chấn. Đây là ví dụ cho thấy đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với QH có ý nghĩa đến nhường nào.

Thủ tướng trả lời chất vấn

Từ việc đại biểu phải “nộp bài” trước khi phát biểu đến việc được phát biểu tự do là một chặng đường; từ việc phát biểu tự do đến chất vấn các thành viên Chính phủ lại thêm một chặng đường nữa; và phải mất một quãng đường dài để Thủ tướng trả lời chất vấn trước QH thành một thông lệ.

Không ít người nhầm lẫn sự kiện Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời chất vấn trước QH ngày 2-12-2004 là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ đăng đàn. Thật ra người đứng đầu Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn QH chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại kỳ họp thứ 2 QH khóa I ngày 30-10-1946.

Trong hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều vị đại biểu QH khóa I đều ghi rõ sự kiện này. Từ sáng tới đêm, Hồ Chủ tịch và các thành viên Chính phủ đã trả lời 88 chất vấn của đại biểu QH ở mọi lĩnh vực. Tại đó, Bác Hồ đã tuyên bố dõng dạc những lời bất hủ như: “Nếu trong Chính phủ có các người khác lầm lỡ thì lỗi ấy tôi xin chịu, xin gánh và xin lỗi với đồng bào”; “Hồ Chí Minh không phải là kẻ ham quyền cố vị”...

Tuy vậy, sự kiện Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời chất vấn QH là một bước ngoặt của thời kỳ đổi mới. Ông Nguyễn Văn An kể: Kỳ đó QH thông qua chương trình chất vấn thì có phần của Thủ tướng. Ông Khải sang dự họp gặp tôi liền hỏi: “Ông An ơi, tôi cũng phải trả lời chất vấn à?”. Tôi đáp là Thường vụ QH thực hiện đúng nội quy kỳ họp, vì có nhiều đại biểu gửi chất vấn tới Thủ tướng nên thường vụ trình QH thông qua chương trình có phần Thủ tướng trả lời. Sau đó ra hội trường anh Sáu Khải cũng nói: “Ở ta chưa có thông lệ Thủ tướng trả lời chất vấn, nhưng hôm nay QH yêu cầu thì tôi trả lời”.

Bút lục của QH còn ghi lại ngày 2-12-2004, sau phần trả lời của năm bộ trưởng, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đăng đàn. Có tất cả 12 chất vấn dành cho Thủ tướng. GS Nguyễn Lân Dũng hỏi: “Thủ tướng có biện pháp cụ thể gì để chống tham nhũng?”; trung tướng Lê Quang Bình hỏi: “Thủ tướng nhiều lần đề cập vấn đề trên bảo dưới không nghe. Vậy nếu chỉ đạo đúng nhưng cấp dưới không làm Thủ tướng xử lý như thế nào?”...

Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời: “Về sự yếu kém của bộ máy, tôi cũng đã nói nhiều lần. Yếu kém có ở bộ máy chính trị nữa chứ không riêng chỉ bộ máy hành chính. Nhưng thời gian qua chúng ta làm được nhiều việc chứ không phải không làm được. Ở nhiều địa phương trước kia có tình trạng Thủ tướng nói không nghe, còn bây giờ đỡ rồi. Nếu các đồng chí phát hiện, điện cho tôi, tôi xử lý liền. Tôi từng gọi điện cho chủ tịch tỉnh: Không giữ được rừng, để lâm tặc phá, tôi cách chức”...

Kết luận phiên họp đó, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An nói: “Mục đích của hoạt động chất vấn là làm cả bộ máy mạnh lên để phục vụ nhân dân. Dân chủ công khai phải có nguyên tắc, theo pháp luật và nắm vững mục đích. Vì vậy, hoạt động chất vấn phải làm liên tục, khi nào còn Nhà nước, còn QH, còn Chính phủ thì còn phải làm”.

Năm 2006, phát biểu trước QH khi vừa được bầu vào chức vụ Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Nơi này (hội trường Ba Đình - NV) cũng quen thuộc với tôi, tôi sẵn sàng đứng đây trả lời trực tiếp câu hỏi của các vị đại biểu QH”. Từ đây, việc người đứng đầu Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn trở nên quen thuộc trong mỗi kỳ họp QH.

________________

Từ cột mốc sáu ngày mới thông qua được Luật doanh nghiệp có 124 điều, cho đến lúc chỉ cần hai ngày thảo luận Quốc hội đã thông qua Bộ luật dân sự với 800 điều... là cả một cuộc cách mạng về cách làm luật.

Kỳ tới: Cuộc “cách mạng” về làm luật

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên