17/03/2017 09:52 GMT+7

“Đôi cánh ma thuật” xuất kích

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Một tháng sau ngày 14-3-1988, với quyết tâm bảo vệ Len Đao, Hải quân VN đã cử một biệt đội cảm tử gồm 35 lính công binh và 7 người lính chiến đấu ra Trường Sa, bí mật đổ bộ lên đảo chìm Len Đao và cấp tốc làm nhà chòi để khẳng định chủ quyền.

Trên đảo Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa có chùa thờ 64 anh linh liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma ngày 14-3-1988. Bia tưởng niệm ghi tên, tuổi và quê quán của 64 liệt sĩ. Đảo Sinh Tồn gần Gạc Ma. Chiến sĩ và người dân trên đảo cũng như các đoàn công tác ở  Sinh Tồn đều ghé viếng - Ảnh: N.T.U.
Trên đảo Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa có chùa thờ 64 anh linh liệt sĩ hi sinh tại Gạc Ma ngày 14-3-1988. Bia tưởng niệm ghi tên, tuổi và quê quán của 64 liệt sĩ. Đảo Sinh Tồn gần Gạc Ma. Chiến sĩ và người dân trên đảo cũng như các đoàn công tác ở Sinh Tồn đều ghé viếng - Ảnh: N.T.U.


Giải vây cho biệt đội cảm tử

Ông Đinh Xuân Toại, khi đó là đại đội trưởng đơn vị C7 - D3 (Lữ đoàn công binh E83), nhớ lại: “Khi trời hửng sáng, chúng tôi bị 7 tàu chiến Trung Quốc lù lù tiến đến bao vây. Chúng tôi bảo nhau cứ mặc kệ. Không uy hiếp được mình, các tàu chiến Trung Quốc chĩa súng, pháo về phía chúng tôi, đứng đầy bên thành tàu, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng. Tình hình lúc đó rất căng thẳng nhưng chúng tôi quyết không rời đảo, bảo nhau cứ việc mình mình làm”.

Cuộc chiến tâm lý cân não vô cùng căng thẳng diễn ra từ 7h sáng đến 11h trưa. Và bất ngờ, trên bầu trời, tiếng động cơ máy bay vọng lại, mỗi lúc một lớn dần. Nhìn lên trời, những người lính Hải quân Việt Nam trong biệt đội cảm tử nhìn thấy một chiếc máy bay rồi hai chiếc máy bay mỗi lúc một lại gần.

Máy bay lượn mấy vòng trên đầu, quanh khu vực đảo. Ông Toại kể: “Lúc đó các tàu Trung Quốc bắt đầu tản ra. Mấy ngày sau tàu Trung Quốc vẫn lảng vảng gần Len Đao nhưng không dám đến gần uy hiếp chúng tôi như trước. Chỉ trong 7 ngày chúng tôi đã làm xong chòi để bộ đội ở tạm giữ đảo, khẳng định chủ quyền”.

Những chiến đấu cơ Su-22M, vốn được mệnh danh là “đôi cánh ma thuật” của Trung đoàn không quân 923, xuất kích từ đất liền ra để giải vây cho biệt đội cảm tử đang làm nhà trên đảo Len Đao. Thời điểm đó, Su-22M là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Không quân Việt Nam.

Tự tính toán mà bay

Ngày đó, phi công Hán Văn Quảng là một trong những người lái Su-22M xuất kích ra Len Đao tháng 4-1988.

Đại tá Hán Văn Quảng cho biết: “Hôm đó quân chủng lệnh cho chúng tôi bay ra thực hiện nhiệm vụ chi viện cho Trường Sa. Quân chủng nói rõ bay qua đảo Len Đao để bộ đội mình thấy có không quân ra yểm trợ, vững vàng hơn. Lãnh đạo quân chủng căn dặn: chủ trương của ta là không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích nhưng nếu đối phương uy hiếp thì chiến đấu ngay. Máy bay đeo hai quả tên lửa. Có máy bay mang theo bom”.

Để thực hiện nhiệm vụ này, những phi công giỏi nhất của Trung đoàn 923 đã được chọn. Trung đoàn phó Hán Văn Quảng là một trong những phi công được chuyên gia Cuba huấn luyện bay biển từ năm 1970 khi đang lái tiêm kích Mig-17.

“Để có được một chiếc máy bay cất cánh ra đảo không hề đơn giản. Ra đó, trên trời dưới biển một màu xanh giống nhau rất khó phân biệt. Nếu sức khỏe không tốt, tiền đình không vững, phi công rất dễ bị cảm giác sai. Máy bay rơi xuống biển lúc nào không biết. Chưa kể ở Biển Đông thời điểm đó máy bay, tàu chiến của Mỹ hoạt động rất nhiều và tàu chiến Trung Quốc cũng lượn lờ. Máy bay Trung Quốc lúc đó chỉ ra đến Hoàng Sa nhưng tàu chiến của họ dưới biển có thể bắn tên lửa, bắn pháo lên” - đại tá Hán Văn Quảng cho biết.

Su-22M không có hệ thống radar dẫn đường như máy bay vận tải mà chỉ có đồng hồ tính toán để bay. Phi công phải tính trước ở nhà, kẻ đường đi. Su-22M lại không phải là máy bay có tầm bay xa. Radar dẫn đường của mặt đất chỉ hoạt động trong tầm 150 - 200km, trong khi đó Len Đao cách đất liền hơn 300km, vượt quá tầm hoạt động của radar.

Nghĩa là khi bay từ đất liền ra hơn 200km, không còn radar dẫn đường nữa, phi công phải tự tính toán mà bay. Để hỗ trợ cho máy bay làm nhiệm vụ, một máy bay Su-22M khác phải bay ra đảo Phú Quý để chỉ huy trên không, chuyển tiếp liên lạc giữa Su-22M ở ngoài đảo với sở chỉ huy.

Tiếp sức cho người trên đảo

Cựu phi công Vũ Xuân Cương cũng là một trong những phi công thực hiện nhiệm vụ bay ra Len Đao tháng 4-1988. Ông từng lái tiêm kích Mig-17 rồi học chuyển loại Su-22M, cũng là phi công thực hiện thành công chuyến bay ra đảo Trường Sa đầu tiên trên Su-22M trước khi chiến sự xảy ra. Đại tá Cương nói: “Phi công phải tính toán đường bay, độ cao, tốc độ như thế nào để tránh bị tên lửa Trung Quốc bắn”.

“Từ đất liền bay ra Len Đao chỉ khoảng 45 phút - đại tá Hán Văn Quảng nhớ lại - Ở độ cao khoảng 7.000m, tôi đã thấy Len Đao. Tôi cho máy bay hạ thấp độ cao xuống 4.000m và nhìn thấy có nhiều tàu gần xung quanh đảo. Theo thông tin tôi đã nắm khi được giao nhiệm vụ, đó là tàu chiến Trung Quốc vây hăm dọa bộ đội mình đang làm nhà trên đảo Len Đao. Tôi hạ thấp xuống độ cao 4.000m để tàu Trung Quốc nhìn thấy máy bay chiến đấu của Không quân Việt Nam”.

Cựu phi công Vũ Xuân Cương nhớ lại: “Các tàu Trung Quốc thấy máy bay của Không quân Việt Nam là túa ra hết. Trong ngày đó và những ngày sau nữa Su-22M bay ra nhiều đợt. Mỗi đợt đều đi biên đội hai chiếc. Khi ấy chúng ta đã có hẳn một trung đoàn Su-22M với 3 phi đội. Thời gian sau đó chúng tôi thường xuyên bay ra Trường Sa để ổn định tâm lý và niềm tin cho bộ đội mình ở ngoài đó giữ đảo”.

Nhờ “đôi cánh ma thuật” mà anh em ở Len Đao thêm an tâm giữ đảo trong những ngày khó khăn đó.

Bán kính chiến đấu hơn 500km

Máy bay Su-22M - Ảnh: Vũ Hải Hạ
Máy bay Su-22M - Ảnh: Vũ Hải Hạ

Việc Su-22M xuất kích ra giải vây cho Len Đao sau chiến sự 14-3-1988 là câu chuyện không phải ai cũng biết, kể cả những người trong cuộc. “Sở dĩ gọi Su-22M là “đôi cánh ma thuật” vì thiết kế kiểu cánh cụp cánh xòe đặc biệt của nó.

Cánh máy bay có thể dang rộng ra hoặc áp sát vào thân máy bay. Việc thiết kế cánh này giúp máy bay bay tầm thấp với tốc độ cao hoặc đạt tốc độ cao vượt âm thanh ở trần bay lớn.

Khi cánh xòe hết cỡ thì lực nâng của cánh tăng lên cho phép máy bay có thể cất hạ cánh đường băng ngắn. Su-22M có thể đạt tốc độ tối đa lên đến 1.860 km/h, bán kính chiến đấu hơn 500km” - Anh hùng Lực lượng vũ trang Hán Văn Quảng, cựu phi công của Trung đoàn không quân 923, nói.

Để có được Mỹ Sơn và Hội An được biết đến như hôm nay, từ 20 năm trước có một người Ba Lan đã lặn lội sang Việt Nam ăn dầm ở dề với vùng đất này để vận động, trùng tu di tích. Đến vì Việt Nam và mất tại Việt Nam, khi sự dấn thân của ông với di sản Việt Nam còn dang dở.

Mời bạn đọc theo dõi số tới để biết những chuyện hậu trường bây giờ mới kể:

Hiệp sĩ” Ba Lan trên đất Việt

Xem các kỳ trước

>> Kỳ 1: Bức điện tối mật của Tư lệnh Giáp Văn Cương 

>> Kỳ 2: Bơi 1.500m cắm cờ Tổ quốc

>> Kỳ 3: Viết nhật ký trong lửa đạn

>> kỳ 4: Máy bay chiến thuật bay ra Gạc Ma sau ngày 14-3-1988

 

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên