Lá cờ trong tấm hình là của tàu HQ505 làm nhiệm vụ ủi bãi Cô Lin trong cuộc chiến bảo vệ đảo sáng 14-3-1988 được các chiến sĩ giữ gìn đến nay. Sau một thời gian được sử dụng như một “công sự thép”, khi Cô Lin được lính công binh xây dựng công sự, con tàu đã được kéo ra khỏi đảo và lai dắt về đất liền, tuy nhiên do quá nhiều thương tích chiến trận, trên đường lai dắt HQ505 về đất liền tàu đã bị chìm và không thể trục vớt được. |
Quyển nhật ký đã ố vàng, rách mép, ghi chép lại diễn biến từ góc nhìn của tàu HQ505 tại đảo Cô Lin, gần đảo Gạc Ma hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hải quân Việt Nam.
Cập nhật từng giây phút
Những thông tin trên bìa quyển nhật ký cho biết người viết là thuyền phó tàu HQ505 - đại úy Võ Tá Du.
29 năm sau sự kiện 14-3-1988, nhìn lại những bản chụp quyển nhật ký này, ông Võ Tá Du không giấu nổi sự bất ngờ và xúc động khi “gặp lại” những nét chữ viết rất vội, nhiều chữ viết tắt của mình giữa khói lửa, pháo đạn, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết quá mong manh.
“Tôi đã viết nó ngay khi Trung Quốc nổ súng bắn tàu 604” - ông Võ Tá Du nói. Theo quy định, nhật ký chiến đấu sẽ do cán bộ quân sự viết. Vì sao thuyền phó chính trị, bí thư chi bộ lại viết nhật ký?
“Đúng ra trưởng ngành hàng hải hoặc thuyền phó 1 là người viết nhật ký này. Nhưng khi đó anh Phạm Xuân Điệp - trưởng ngành hàng hải - đang trong cabin chỉ huy lái tay, lái điện và tay chuông của hai máy chính.
Đại úy Trần Anh Tư, thuyền phó 1, đang phụ trách chỉ huy tổ anh em ở phía mũi và phải sẵn sàng thay thế thuyền trưởng trong tình huống thuyền trưởng hi sinh. Tôi được thuyền trưởng Vũ Huy Lễ phân công viết nhật ký”.
Ông Du nói theo quy định của quân chủng hải quân, trong chiến đấu phải cập nhật thông tin chi tiết về tất cả diễn tiến, tình huống của trận đánh... từng giây, từng phút, từng giờ. Nhật ký trận đánh phải được cập nhật liên tục không được đứt quãng, phải trung thực, chính xác, đầy đủ.
Đạn bắn đỏ rực
“Lúc đó có rất nhiều tình huống ngặt nghèo dồn dập xảy ra: lái điện, lái sự cố bị hỏng, hầm máy nước tràn vào, đường ống dẫn khí đến bộ ly hợp hai máy chính bị vỡ, chân vịt không quay... Phải nói rằng anh em lúc đó rất dũng cảm và bình tĩnh.
Tiểu đội máy chính của ngành cơ điện là lực lượng có vai trò quyết định đã xử lý thành công hệ thống đường ống dẫn khí vào bộ ly hợp, tạo điều kiện tiên quyết cho thuyền trưởng lao tàu lên đảo và mới giữ được Cô Lin” - cựu chiến binh Võ Tá Du nhớ lại.
Để giữ được sự bình tĩnh đó cho bộ đội, thuyền phó chính trị, bí thư chi bộ Võ Tá Du là người băng mình vượt qua lửa đạn, liên tục chạy đến các vị trí để trấn an, động viên bộ đội, xốc lại tinh thần cho anh em.
“Đạn bay vèo vèo nổ chát chúa, khói bay mù mịt, sắt thép còn chảy thành nước mà anh Du cứ chạy từ đầu tàu đến cuối tàu, từ cabin chỉ huy xuống hầm máy, đến các vị trí... động viên bộ đội.
Tôi còn nhớ giữa điểm lặng của các đợt bắn phá, anh Du đọc lá thư cũng của Tư lệnh Giáp Văn Cương gửi ra làm tinh thần bộ đội phấn chấn, quyết tâm hơn. Anh Du rất bình tĩnh, quyết đoán và xông xáo làm bộ đội nhìn vào đó cũng vững vàng hơn” - cựu chiến binh Đào Tất Hồng, chiến sĩ pháo tàu 505, kể.
Ông Du cho biết bức thư đó được tàu 604 mang ra trước thời điểm 14-3 mấy ngày. Thuyền phó chính trị 1 Võ Tá Du đã trực tiếp sang tàu 604 nhận về.
“Khi ba tàu khu trục của TQ ở ba hướng bắn vào 505, tôi đã nghĩ nếu phải chết, mình phải là người chết đầu tiên - ông Võ Tá Du nói - Vì thuyền phó chính trị, bí thư chi bộ là điểm tựa tinh thần cho cấp ủy, cho tất cả bộ đội mà mình không kiên cường, không dũng cảm, không gương mẫu thì không thể là điểm tựa tinh thần cho cả con tàu được.
Con tàu dài 100m. Đây vốn là tàu đổ bộ chở xe tăng nên trên mặt boong có hàng trăm cái cọc để chằng buộc xe tăng. Vậy mà đạn bắn nát tung tóe hết, sắt thép chảy thành nước.
Đạn bắn như mưa, bắn xé lửa như thế, vượt ngang qua đầu, bắn ngay bên cạnh, ù rách cả màng nhĩ..., tôi cứ từ cabin đài chỉ huy chạy lên chạy xuống các vị trí chiến đấu truyền đạt mệnh lệnh của thuyền trưởng, động viên bộ đội, nắm tình hình anh em...
Rồi thì đài chỉ huy, buồng thông tin cũng bị bắn cháy ngùn ngụt. Toàn bộ hành lang mạn phải dài 100m cháy đỏ rực. Máy trưởng Nguyễn Đại Thắng bị thương ở trán, máu chảy ướt đỏ mặt. Trưởng ngành thông tin Nguyễn Duy Hòa bị thương ở tay và đùi. Chiến sĩ thông tin Nguyễn Quốc Văn cũng bị thương... Vậy mà không hiểu sao tôi vẫn không hề hấn gì”.
Sau tiếng súng
Những trang sau của quyển nhật ký có những trang viết khi đại tá Võ Tá Du về đảo Sinh Tồn Lớn.
“Chiều 15-3-1988, chiến sĩ tàu 505 rút về đảo Sinh Tồn Lớn cách đó 18km, cử một tổ ở lại giữ Cô Lin. Cờ và tiêu trên đảo vẫn còn. Trước khi đi chúng tôi thay cờ cũ trên đảo bằng cờ mới.
Lá cờ mới còn đeo băng tang thủ tướng Phạm Hùng mất ngày 10-3-1988. Chiều ở đảo Sinh Tồn Lớn, ăn uống xong tôi ra bờ đảo nhìn về hướng Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao hồi tưởng tất cả những gì đã xảy ra trong mấy ngày hôm qua” - ông Du nói.
Sau vụ thảm sát đó, đồng đội không ai về nữa. Khi xuồng cứu hộ của 505 đi sang Gạc Ma cứu vớt những người còn sống và cả liệt sĩ về, tàu Trung Quốc kéo đến hăm dọa.
“Cấp ủy chỉ huy tàu cho bộ đội lui về phía sau tàu hết, chỉ có anh Lễ, anh Thắng và tôi ra mép đảo đón xuồng. Tôi nhìn xuống xuồng không thấy anh Trừ, không thấy Thắng đâu. 604 chỉ thấy còn anh Quý báo vụ.
Trong xuồng, máu và nước ngập đỏ. Anh Trần Văn Phương đã hi sinh trên đảo. Còn anh Nguyễn Văn Lanh bị nó đâm lê xuyên từ trước ra sau, nằm thoi thóp trong xuồng. Nhìn cảnh tượng đó, tôi đau đớn lắm...” - ông Du nói.
Và ông kể trong niềm xúc động đang trào: “Sau này về lữ đoàn 125 tôi mới biết tàu 604 còn có một người nữa sống sót, tên Thấn. Anh Thấn kể lúc tàu bắt đầu chìm xuống, khi nhảy xuống biển, quay lại sau thấy thuyền phó chính trị Thắng vẫn cố gắng dùng B40 bắn trả nhưng tàu Trung Quốc cách mình hàng chục kilômet, đạn B40 không tới nơi được.
Cho đến khi tàu chìm hẳn, quay lại chỉ còn thấy mũ cối của Thắng nổi trên mặt biển... Thắng bị thương nhưng cậu ấy không rời tàu, những giây cuối cùng vẫn cầm súng chiến đấu dù biết không thể nào bắn tới tàu Trung Quốc được...”.
Trong cuốn nhật ký có một số bài thơ về tình yêu, quê hương được ông Võ Tá Du viết khi đã về đảo Sinh Tồn Lớn, trong đó có bài thơ với lời đề tặng “Kính tặng cán bộ chiến sĩ tàu HQ505, 605, 604”: “Chúng tôi rất yêu Những con đường không qua đèo qua núi Những con đường mà sau mỗi vết đi Chỉ để lại một màu xanh bình dị Là quê hương đất nước thân yêu Là nghĩa tình của đất liền hải đảo Chúng tôi đi mặc cho sóng lòng, gió bão Áo màu xanh chuyển sang màu tro ... Nắng gắt, đêm ngày quản gì vất vả Bốc gỗ, thép, ximăng... xây điểm tựa tiền tiêu Tay chai sạn, niềm tin lớn hơn nhiều ... Tất cả là đây, ôi một khoảng đời Ở nơi anh qua mới tuổi hai mươi Tuổi của ước mơ, của muôn ngàn hi vọng Của nụ cười và niềm tin cháy bỏng Tương lai đi qua trong một phút sống còn Ta chợt hiểu những ngày đã sống...”. |
Để có được ảnh chụp ba chiếc tàu của Hải quân HQ604, 605 và 505 bị bắn chìm và cháy, có một nhiệm vụ đặc biệt được tiến hành.
_________________________________
Kỳ tới: Máy bay chiến thuật cất cánh
Xem các kỳ trước >> Kỳ 1: Bức điện tối mật của Tư lệnh Giáp Văn Cương >> Kỳ 2: Bơi 1.500m cắm cờ Tổ quốc |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận