Đọc sách trở thành môn bắt buộc

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Một số trường học đã đưa đọc sách thành môn học bắt buộc, hoặc đưa đọc sách vào nội dung chuyên đề bắt buộc, thực hiện song song cùng môn học chính khóa.

Đọc sách trở thành môn bắt buộc - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú trong giờ văn hóa đọc - Ảnh: VĨNH HÀ

Từ tiết thư viện chỉ dành cho học sinh vào thư viện mượn sách đọc, Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội đã chính thức xếp thời khóa biểu cho môn văn hóa đọc.

Để đọc sách...không cô đơn

Trước đó, hai cô giáo của trường đã được cử đi tập huấn trong một dự án của Hàn Quốc về văn hóa đọc. Cô Nguyễn Kim Anh, một trong hai cô giáo, chia sẻ: "Hoạt động đọc sách thường cô đơn vì chỉ có người đọc tiếp cận với cuốn sách. Từ những gì thu nhận được ở dự án, tôi nghĩ nhiều đến cách làm gì để "đọc sách không cô đơn". Và tôi chú ý đến những cách để tương tác giữa học sinh trong và sau hoạt động đọc".

Môn văn hóa đọc của Trường Phan Huy Chú có ở cả ba khối lớp, mỗi lớp có 1 tiết. Tiết này phủ kín toàn trường cả năm học (chỉ trừ lớp 12 không có tiết ở học kỳ 2, vì ôn thi). Một tổ chuyên môn được thành lập bao gồm các giáo viên dạy lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. 

Việc thiết kế chương trình, giám sát thực hiện sẽ do các cô giáo được tập huấn tại Hàn Quốc phụ trách. "Giáo viên dạy văn có nhiệm vụ tư vấn cho học sinh việc chọn sách, đọc sách nên sẽ không tham gia dạy" - cô Kim Anh giải thích.

Mỗi tháng sẽ có một chủ đề được đưa ra để học sinh chọn sách đọc. Các em có thể chọn tại thư viện trường, hoặc tự tìm kiếm. Cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên phụ trách thư viện, cho biết: "Học sinh tự ghi vào sổ những cuốn sách mượn mang về và tự ký xác nhận khi trả, chúng tôi không kiểm soát việc này. Đó cũng là một phần của văn hóa đọc".

Tiết văn hóa đọc của một lớp 10 Trường THPT Phan Huy Chú diễn ra trong phòng thư viện. Có hơn 100 cuốn sách theo chủ đề "Mùa yêu thương" của tháng 2 được cô giáo dạy môn học và cô quản lý thư viện chọn sẵn trên bàn. 

Học sinh chủ động chọn đọc cuốn sách mình thích. Nhiều em chọn những tập truyện ngắn có ý nghĩa nhân văn. Có học sinh xung phong kể tóm tắt lại câu chuyện vừa đọc có tựa "Tên trộm bánh quy": một cô gái có thái độ bất nhã với người đồng hành cùng mình trên tàu, nhưng cô lại được đối xử lịch sự; khi hiểu ra sự việc, cô gái xấu hổ.

Nhiều học sinh sau khi nghe bạn tóm tắt chuyện đã bày tỏ những điều mình suy nghĩ. "Muốn người khác đối xử tôn trọng mình thì hãy làm điều đó với mọi người" - một học sinh nêu ý kiến. Và cuộc bàn luận về ứng xử được các học sinh thảo luận vui vẻ. Cô giáo Tạ Hương, phụ trách tiết học, lắng nghe và dẫn dắt các học sinh trong khi các em trao đổi.

Học sinh có chia sẻ tốt trong tiết văn hóa đọc sẽ được giáo viên cho điểm. Ngoài ra, điểm của môn này còn được đánh giá từ thái độ thực hiện nhiệm vụ, nhật ký đọc của học sinh. Điểm môn văn hóa đọc được lấy cho các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân... tùy theo chủ đề từng tháng.

Giáo viên cũng phải đọc

Trường phổ thông liên cấp Wellspring, Hà Nội cũng đưa hoạt động đọc sách thành một phần nội dung của môn ngữ văn. Hàng loạt cuốn sách văn học kinh điển như Nhà giả kim, Giết con chim nhại, Kiêu hãnh và định kiến được các học sinh THCS đọc và thảo luận, thuyết trình, trình chiếu bằng hoạt hình, tranh vẽ đúng với tinh thần tác phẩm. 

Theo cô Nguyễn Thu Trang - phụ trách dự án đọc của trường này, hoạt động đọc - tranh biện, đọc - viết sáng tạo, đọc - thuyết trình là chuỗi hoạt động trong và sau đọc rất có ý nghĩa.

Ở Trường THPT Nguyễn Siêu, hoạt động đọc sách có hai dạng: bắt buộc và khuyến khích. Ngoài tiết thư viện, việc đọc sách nằm trong chuyên đề của tổ ngữ văn được thực hiện xuyên suốt năm học. 

Khác với Trường Phan Huy Chú, ở trường này giáo viên ngữ văn là những người giữ vai trò định hướng, kết hợp với giáo viên bộ môn khác để tư vấn cho học sinh những cuốn sách cần đọc, trao đổi với các em về sách.

"Hoạt động đọc sách được thiết kế bám sát yêu cầu của chương trình môn ngữ văn. Theo đó, ngoài việc yêu cầu học sinh đọc các văn bản hoàn chỉnh của tác phẩm trong chương trình, học sinh được tư vấn hoặc được chủ động lựa chọn sách. Sách về giới tính, kỹ năng ứng xử được nhiều học sinh chọn. 

Nắm bắt nhu cầu của học sinh, chúng tôi bố trí giáo viên tổ sinh cùng lựa chọn và chia sẻ với các em về kiến thức đã đọc trong sách" - cô Doãn Tuyết Mai, người đảm nhiệm tổ chức hoạt động trải nghiệm và đọc sách của học sinh Trường Nguyễn Siêu, cho biết.

Tiết đọc sách theo chuyên đề của môn ngữ văn có thể diễn ra ở lớp học hoặc phòng đọc thư viện. Trong một tuần, học sinh Trường Nguyễn Siêu có thêm một tiết ngữ văn tăng cường, đây là tiết cho học sinh thảo luận, chia sẻ về sách. 

Theo cô Doãn Tuyết Mai, để có thể chia sẻ, hướng dẫn và giám sát hoạt động đọc sách của học sinh, giáo viên cũng phải đọc hết các cuốn sách mà học sinh đọc.

"Nhật ký đọc"

Khuyến khích học sinh viết "nhật ký đọc", Trường THPT Phan Huy Chú còn cho phép học sinh viết theo cách các em thích. Có thể chỉ là những câu nhận xét ngắn, hoặc hình vẽ, ký hiệu, bài viết dài đầy cảm xúc. Tuy "nhật ký đọc" được thầy cô kiểm tra, chấm điểm nhưng nhiều học sinh tỏ ra thoải mái trong việc ghi lại suy nghĩ của mình sau khi đọc một cuốn sách nào đó.

Cô Nguyễn Thị Hường kể cô đọc kỹ và thường chụp lại, lưu vào máy tính những trang nhật ký cô thấy ấn tượng, về những điều đang diễn ra với các em học sinh ở ngưỡng cửa vào đời.

Ở Trường Nguyễn Siêu thì "nhật ký đọc" được giao cho giáo viên môn ngữ văn chấm điểm như chấm bài kiểm tra. "Giáo viên thêm việc, vất vả hơn, nhưng đó là việc cần phải làm nếu muốn khích lệ học sinh đọc sách" - cô Doãn Tuyết Mai cho biết.

Tại Hà Nội, các hoạt động như ngày hội đọc sách, chung tay xây dựng tủ sách, báo cáo về hoạt động đọc sách thông qua các hình thức: chuyển thể tác phẩm văn học thành các màn múa, tiểu phẩm, thuyết trình... đã được các trường bắt đầu thực hiện. Tuy nhiên, tại nhiều trường, những hoạt động trên chỉ dừng lại ở... phong trào!

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên