21/09/2023 15:27 GMT+7

Doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng, thiếu cả lao động

Khi doanh nghiệp thiếu đơn hàng dẫn tới sản xuất thu hẹp, những tưởng nguồn lao động sẽ dồi dào. Nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn thiếu công nhân, vì sao?

Nền kinh tế bắt đầu có những tín hiệu phục hồi với các đơn hàng tuy chưa lớn, trong đó nhiều doanh nghiệp dệt may quan tâm tìm hiểu máy móc, thiết bị công nghiệp hỗ trợ để cải tiến sản xuất - Ảnh: BÁ SƠN

Nền kinh tế bắt đầu có những tín hiệu phục hồi với các đơn hàng tuy chưa lớn, trong đó nhiều doanh nghiệp dệt may quan tâm tìm hiểu máy móc, thiết bị công nghiệp hỗ trợ để cải tiến sản xuất - Ảnh: BÁ SƠN

Ngày 21-9, trao đổi với Tuổi Trẻ tại "Triển lãm quốc tế thiết bị, công nghệ in thêu, sản phẩm và nguyên vật liệu dệt may ở Việt Nam" diễn ra tại Trung tâm thương mại thế giới, thành phố mới Bình Dương, bà Phạm Thị Xuân Trang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương - cho biết hiện có một thực trạng khá nghịch lý là mặc dù doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng, nhưng không những không thừa lao động mà vẫn "mỏi mắt" tìm công nhân.

Bà Trang lý giải nếu trước đây đơn hàng nhiều, người lao động có thể tăng ca và có mức thu nhập 12 - 13 triệu đồng/tháng nên họ có thể đủ trang trải cuộc sống. Nhưng nay hầu hết doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Công nhân chỉ hoạt động cầm chừng, phải giảm giờ làm (có nhà máy công nhân cứ làm 1 ngày thì lại nghỉ 1 ngày) dẫn đến thu nhập của công nhân bị giảm, có khi chỉ còn 5-7 triệu/tháng. 

"Với mức thu nhập chỉ vài triệu đồng mỗi tháng, người lao động không đủ trả tiền phòng trọ, tiền ăn, cho con đi học… Họ không thể bám trụ lại nhà máy, mà phải bỏ về quê. Có một thực tế là doanh nghiệp không chỉ lo thiếu đơn hàng mà còn rất lo thiếu công nhân" - bà Trang cho biết.

Về tình hình đơn hàng từ nay tới cuối năm, chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương cho biết hy vọng tình hình sẽ khởi sắc hơn vào đầu năm 2024. Sau ba quý đầu năm rất khó khăn, hiện các doanh nghiệp đã nhận được một số đơn hàng, tuy không lớn nhưng cũng giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động. Các doanh nghiệp dự kiến vẫn sẽ chi thưởng tháng 13 cho công nhân dịp cuối năm nay.

Bà Phạm Thị Xuân Trang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương - cho biết dù đơn hàng vẫn khan hiếm, nhưng từ nay tới cuối năm hầu hết doanh nghiệp dệt may thuộc hiệp hội sẽ vẫn cố gắng duy trì thưởng tháng 13 cho công nhân - Ảnh: BÁ SƠN

Bà Phạm Thị Xuân Trang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương - cho biết dù đơn hàng vẫn khan hiếm, nhưng từ nay tới cuối năm hầu hết doanh nghiệp dệt may thuộc hiệp hội sẽ vẫn cố gắng duy trì thưởng tháng 13 cho công nhân - Ảnh: BÁ SƠN

Ông Nguyễn Thái Hùng - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết dự kiến tình trạng thiếu đơn hàng có thể khiến kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2023 không đạt kế hoạch đặt ra. Trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành này ước đạt 26,2 tỉ USD, giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm 2023 kim ngạch ngành dệt may chỉ đạt khoảng 39,5 đến 40 tỉ USD, thấp hơn kỳ vọng.

Tuy nhiên, dệt may vẫn là một trong những ngành kinh tế quan trọng thuộc top các ngành xuất khẩu hàng đầu của cả nước, với kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD (cả năm 2022). Đây cũng là ngành sử dụng nhiều lao động với khoảng 7.000 doanh nghiệp, tạo ra gần 3 triệu việc làm.

Doanh nghiệp dệt may chủ động tìm kiếm cơ hội cải tiến dây chuyền sản xuất

Triển lãm thiết bị, công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may Việt Nam diễn ra từ ngày 21 đến 23-9 tại Bình Dương, với sự tham gia của lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, các hiệp hội dệt may, may thêu đan của TP.HCM, Bình Dương, hiệp hội Việt Nam...

Có khoảng 200 gian hàng trưng bày các máy móc, thiết bị, công nghệ mới của các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn nhưng có nhiều doanh nghiệp tới tìm hiểu các máy móc, thiết bị mới.

Bà Phan Thị Khánh Duyên - phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - cho biết từ quý 3-2023, thị trường các đơn hàng đã dần trở lại, nhưng cũng là lúc các doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm các công nghệ, thiết bị mới để tăng năng suất lao động, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh toàn cầu.

Bên cạnh các thị trường truyền thống xuất khẩu dệt may như châu Âu, Mỹ…, cơ quan chức năng cũng đồng hành để cùng doanh nghiệp tìm kiếm các thị trường mới để mở rộng xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động.

Gỗ, dệt may của Việt Nam có nhiều dư địa xuất khẩu sang ÚcGỗ, dệt may của Việt Nam có nhiều dư địa xuất khẩu sang Úc

Giữa bối cảnh ngành gỗ và dệt may gặp khó tại thị trường châu Âu, Úc đang là thị trường hứa hẹn cho doanh nghiệp Việt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên