Với chủ đề "Từ kế hoạch đến hành động", Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam 2024 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đã quy tụ sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu và chuyên gia đầu ngành.
Từ kế hoạch đến hành động
Sự kiện năm nay đặc biệt tập trung vào việc thúc đẩy hiện thực hóa Kế hoạch Hành động Quốc gia về Kinh tế Tuần hoàn (NAPCE), các cơ chế chính sách từ các bộ ban ngành cũng như hiện trạng các sáng kiến bền vững từ các tập đoàn hàng đầu, đặt mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bền vững vào năm 2030.
Các chuyên gia kỳ vọng NAPCE sẽ thiết lập khuôn khổ rõ ràng để thúc đẩy các ngành công nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững. Từ đó hạn chế chất thải, khai thác tiềm năng đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh tại ASEAN và Việt Nam, tập đoàn SCG đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và triển khai NAPCE trong ba năm qua.
Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Chana Poomee, Giám đốc cấp cao về Phát triển Bền vững của SCG, nhấn mạnh: "Việc triển khai kinh tế tuần hoàn đóng vai trò then chốt trong tăng trưởng bền vững và gia tăng khả năng phục hồi môi trường. Trước những thách thức toàn cầu như hiện tượng thời tiết cực đoan như bão Yagi vừa qua, chúng ta cần nhanh chóng chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, tối ưu hóa tài nguyên và giảm thiểu chất thải".
Tiến sĩ Chana Poomee bày tỏ sự phấn khởi khi lắng nghe chia sẻ từ Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, rằng các thay đổi về luật pháp và chính sách đang được thúc đẩy để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.
Theo ông, thành công của doanh nghiệp trong giảm phát thải đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa bốn yếu tố then chốt. Trước hết, các doanh nghiệp cần tập trung vào sáng kiến đổi mới, phát triển các giải pháp xanh ngay từ giai đoạn sản xuất nhằm giảm thiểu tác động môi trường.
Tiếp theo, việc đầu tư và áp dụng công nghệ tiên tiến đóng vai trò quan trọng trong tối ưu hóa hiệu quả và giảm lượng phát thải. Đồng thời, doanh nghiệp cần hiểu rõ thị trường, đáp ứng nhu cầu khách hàng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Cuối cùng, nguồn lực tài chính ổn định là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp hiện thực hóa các sáng kiến và công nghệ mới, đồng thời tăng cường nhận thức cộng đồng về lợi ích của sản phẩm bền vững.
Ông Chana Poomee nhấn mạnh, sự hỗ trợ từ chính phủ thông qua các chính sách là yếu tố quyết định để doanh nghiệp vượt qua những rào cản khi chuyển đổi xanh và Việt Nam đang làm rất tốt trong vai trò dẫn dắt này.
Những giải pháp tuần hoàn hiệu quả từ doanh nghiệp
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động từ tập đoàn, tiến sĩ Chana Poomee cho hay hiện nay tập đoàn hoạt động trong ba ngành chính: Xi măng - Vật liệu xây dựng (CBM), Hóa dầu (SCG Chemicals - SCGC) và Bao bì (SCG Packaging - SCGP). Mỗi ngành đều triển khai áp dụng các mô hình tuần hoàn để tạo ra giá trị bền vững.
Trong ngành Xi măng - Vật liệu xây dựng, tập đoàn áp dụng quy trình sản xuất xanh dựa trên nguyên tắc tuần hoàn. Một sáng kiến tiêu biểu là việc sử dụng năng lượng sinh khối, thay thế 30% nhiên liệu hóa thạch, giúp giảm đáng kể khí thải CO2. Đồng thời, hệ thống thu hồi nhiệt thải (Waste Heat Recovery) đã được tập đoàn triển khai từ năm 2014, đáp ứng 30% nhu cầu năng lượng tái tạo.
Nhờ việc nỗ lực áp dụng quy trình xanh trong sản xuất, tập đoàn đã ra mắt dòng sản phẩm SCG Low Carbon xi măng, sản phẩm xi măng thân thiện môi trường giúp giảm 20% phát thải so với xi măng thông thường.
Tập đoàn Prime Group - một thành viên của SCG, cũng chuyển đổi từ nhiên liệu than sang sinh khối, tích hợp năng lượng mặt trời và sử dụng xe nâng điện thay thế xe chạy dầu diesel. Những cải tiến này không chỉ giảm tác động môi trường mà còn tạo nên chuỗi sản xuất bền vững, phù hợp với yêu cầu của NAPCE.
Một trong những dự án trọng điểm của ngành hoá dầu - Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (LSP), được tập đoàn áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường như hệ thống đuốc đốt mặt đất khép kín và hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí. LSP còn thực hiện các chương trình cộng đồng, như dự án phân loại rác thải, nhằm nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn cho thế hệ trẻ.
Nói riêng về ngành bao bì, tập đoàn cũng chú trọng tái thiết kế sản phẩm theo hướng tuần hoàn. Sáng kiến R1, loại bao bì làm từ một loại polymer duy nhất, giúp dễ dàng tái chế. Ngoài ra, SCGP còn phát triển các bao bì chai lọ từ nhựa tái chế chất lượng cao (PCR) và thiết kế nắp chai gắn liền thân chai, giảm thiểu rác thải nhựa.
Nhờ những nỗ lực tiên phong, SCG đã tạo bước đột phá trong kinh tế tuần hoàn, từ nội bộ đến tác động xanh hóa toàn bộ chuỗi cung ứng. Đại diện SCG khẳng định tập đoàn cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy NAPCE, tăng cường các công nghệ xanh, thúc đẩy năng lượng sạch, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận