24/05/2024 15:03 GMT+7

Doanh nghiệp cần sớm thấy chính sách hỗ trợ để yên tâm dùng xe điện

Nhiều doanh nghiệp taxi sử dụng xe điện đã thấy lợi ích của phương tiện này. Nhưng cần sớm có những chính sách cụ thể để yên tâm chuyển đổi sang xe điện, thực hiện cam kết giảm phát thải carbon của Chính phủ.

Taxi điện ngày càng được nhiều người lựa chọn vì giảm tiếng ồn và giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh: NAM TRẦN

Taxi điện ngày càng được nhiều người lựa chọn vì giảm tiếng ồn và giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh: NAM TRẦN

Đó là quan điểm được nhiều đại biểu thống nhất tại tọa đàm "Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam" do báo Giao Thông tổ chức sáng 24-5.

Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội), xe điện có nhiều lợi thế khi sử dụng để kinh doanh vận tải khi chi tiết cấu thành ít hơn xe dùng động cơ đốt trong. Xe điện không có hộp số, mô tơ điện cũng bền hơn động cơ đốt trong, không cần thay dầu, thay lọc gió, lọc dầu… Do đó, chi phí bảo trì, bảo dưỡng ô tô điện cũng giảm nhiều.

Trong khi đó, công nghệ pin ô tô điện phát triển nhanh chóng. Xe điện do VinFast sản xuất cam kết bảo hành pin 7 năm và có chính sách cho thuê pin. "Như vậy, toàn bộ rủi ro về pin nhà sản xuất đã chịu trách nhiệm. Tài xế taxi điện hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng" - ông Phúc nhận định.

Theo ông Nguyễn Văn Định - chủ tịch HĐQT Công ty taxi Én Vàng (Hải Phòng), trong quá trình sử dụng xe điện làm taxi cho thấy 1km lăn bánh có chi phí 400 - 600 đồng, xe xăng tốn 1.200 - 1.600 đồng. 

Xe điện có chi phí bảo dưỡng thấp nên tổng chi phí vận hành ước tính giảm từ 20 - 30% so với xe xăng.

Do chính sách thuê pin cộng với chi phí tiết kiệm nên tài xế xe điện có lợi 3 - 4 triệu đồng/tháng so với xe xăng. 

Tuy nhiên, ông Định vẫn còn những băn khoăn như: sau 5 năm khai thác, chi phí phụ tùng thay thế của xe, giá điện có tăng không? Do đó, ông kỳ vọng Chính phủ có chính sách ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng xe điện.

Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, doanh nghiệp taxi chuyển đổi sang xe điện có lợi khi giảm chi phí nhiên liệu, chi phí bảo trì, bảo dưỡng xe. Còn Nhà nước được lợi khi đã cam kết cắt giảm CO2 theo Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Mặt khác, theo quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải, từ năm 2030 toàn bộ taxi thay thế, đầu tư mới phải sử dụng điện, năng lượng xanh; đến năm 2050 toàn bộ xe buýt, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Do vậy, doanh nghiệp tiên phong sử dụng xe điện đang góp công lớn trong thực hiện cam kết của Chính phủ thì phải sớm được hưởng chính sách hợp lý. Doanh nghiệp thấy được chính sách hỗ trợ để kinh doanh có lãi sẽ sẵn sàng chuyển đổi sang xe điện.

Theo ông Phan Thành Uy - tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ngoài các doanh nghiệp taxi, hiện có cả doanh nghiệp vận tải container đang muốn chuyển đổi sang xe điện.

Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xe điện, sử dụng nhiên liệu sạch, ngoài chính sách hỗ trợ chung, cần quy định tất cả doanh nghiệp vận tải ô tô đều có hạn ngạch phát thải khí carbon. Doanh nghiệp dùng xe điện dư hạn ngạch thì bán tín chỉ carbon cho doanh nghiệp quá hạn ngạch để cụ thể hóa lợi ích bằng tiền thu về.

Ông Uy đề nghị chính sách này cần thực hiện sớm và ổn định, thủ tục đơn giá để doanh nghiệp yên tâm đầu tư xe điện.

Taxi điện đầy đường, Vinasun rẽ hướng rót tiền mua 550 ô tô dòng hybridTaxi điện đầy đường, Vinasun rẽ hướng rót tiền mua 550 ô tô dòng hybrid

Thay vì dùng ô tô điện, Vinasun chọn đầu tư mới 550 xe hybrid có động cơ lai điện và xăng. Xu hướng đầu tư xe hybrid trong dịch vụ taxi là chiến lược dài hạn của hãng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên