Tổng thống Donald Trump vận động cử tri ở bang 'dao động' Florida ngày 3-11-2018 - Ảnh: REUTERS
Tôi viết bài này từ Washington DC, một tuần trước khi cử tri toàn nước Mỹ đi bầu cử giữa kỳ. Do mải mê theo đuổi quyền lực, các đảng phái chính trị và truyền thông dòng chính đã đánh mất "trí tuệ tập thể" vốn có. Vận may của mỗi bên thay đổi nhanh chóng theo từng sự kiện và nhấn chìm tiền đồ của bên kia.
Phe Dân chủ - vẫn còn chưa hết bàng hoàng trước việc Donald Trump đánh bại Hillary Clinton và Ðảng Cộng hòa chiếm Quốc hội, các vị trí thống đốc bang, văn phòng bầu cử địa phương năm 2016 - tiếp tục nỗ lực và dùng tất cả biện pháp có thể để giành lại quyền lực.
"Hội chứng loạn trí vì Trump"
Những người ủng hộ Barack Obama và Hillary Clinton trong chính phủ - đặc biệt là Cục Ðiều tra liên bang (FBI), Bộ Tư pháp và các cơ quan tình báo - âm thầm chống tổng thống Trump bằng mọi hướng như tung thông tin rò rỉ, cấu kết với nhau và gây ra các hoạt động cản trở.
Mục đích của họ là luận tội ông Trump và/hoặc buộc ông ta các tội hình sự hòng hất ông ta ra khỏi Nhà Trắng. Họ coi việc ông làm tổng thống là không chính đáng.
Ðảng Cộng hòa - dù chia rẽ sâu sắc về vấn đề chăm sóc sức khỏe, nhập cư, chi tiêu liên bang và đặc biệt là liệu có nên ủng hộ ông Trump cùng các chính sách của ông ta - đang điên cuồng cố gắng phá bỏ di sản của ông Obama về thương mại, nhập cư, biến đổi khí hậu, quan hệ quốc tế và năng lượng.
Thay vào đó, phe Cộng hòa theo đuổi các chính sách bảo thủ: chính phủ nhỏ gọn hơn, trách nhiệm tài chính, quyền sở hữu súng và tự do ngôn luận vì lo sợ sẽ thất bại trước phe Dân chủ.
Mặc dù ông Trump chỉ mới xong một nửa nhiệm kỳ, các thành viên Dân chủ đã bắt đầu chạy đua giành nhiệm kỳ tổng thống với ông ta vào năm 2020.
Lần cuối cùng, tôi đếm được 20 ứng viên tiềm năng. Họ đang cạnh tranh lẫn nhau để xem ai có thể "hạ bệ" được ông Trump và chính quyền của ông ta. Giới phê bình gọi đây là "hội chứng loạn trí vì Trump".
Đảng Dân chủ muốn ném các chính sách của ông Trump và phục hồi các phiên bản chính sách thậm chí còn cực đoan hơn của Obama. Đảng Dân chủ đã tiến xa về cánh tả nhờ thượng nghị sĩ Bernie Sanders, người tán thành các chính sách giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí, mở cửa biên giới và thu nhập hằng năm được đảm bảo dù có làm việc hay không.
Phe Dân chủ đã đẩy "nền chính trị bản sắc" lên. Ðây là nền chính trị sẵn sàng trao cơ hội cho phụ nữ, người thuộc các nhóm thiểu số, người nước ngoài bất hợp pháp, cộng đồng LGBT và những nhóm người khác, trao cho họ các lợi ích và quyền lợi để đổi lấy sự ủng hộ của họ. Dân chủ, nếu thắng, sẽ thay đổi nước Mỹ triệt để hoặc thúc đẩy xung đột xã hội nhiều hơn.
Ðối với các thành viên Cộng hòa, bên cạnh việc cản trở chương trình xã hội chủ nghĩa của Dân chủ và theo đuổi sự đúng đắn về đường lối chính trị, họ đang cố giành kiểm soát Tòa án tối cao và Tòa án liên bang nhằm ngăn Dân chủ sử dụng tòa án để đẩy mạnh chương trình của mình.
Ông Trump đã thành công trong việc tạo ra một Tòa án tối cao thiên bảo thủ với hai vị trí bổ nhiệm mới. Những người ủng hộ Trump coi những chiến thắng ở tòa án là thắng lợi lớn nhất của ông Trump trước cánh tả.
TS Terry F. Buss - Ảnh: Q.T.
Và sự hỗn loạn của truyền thông
Truyền thông dòng chính đã công khai tuyên chiến với ông Trump và chính sách của ông ta. Ðạo đức báo chí bị bỏ mặc, nhấn chìm hệ thống chính trị trong tin giả, tin thành kiến và bình luận cực đoan.
Truyền thông xã hội - được hỗ trợ đã tích cực ủng hộ chủ nghĩa cực đoan, thông tin sai, sự kiểm duyệt và thành kiến đến mức chẳng còn thấy đâu là sự thật.
Facebook đã lập một ban hạn chế nội dung cực đoan nhưng áp dụng chủ yếu với những người bảo thủ, không phải với quốc gia Hồi giáo cực đoan. Cánh tả và cánh hữu đang công kích nhà sáng lập/CEO của những công ty này, gọi họ là những kẻ bị hất ra khỏi cuộc chơi.
Một điểm đặc trưng tiêu biểu của các cuộc vận động trong chiến dịch bầu cử giữa kỳ thời Trump là "la ó" bằng truyền thông dòng chính, với những cáo buộc tin giả và tin thành kiến. Các sự kiện và những trò chơi khăm suốt cuộc bầu cử ảnh hưởng đến khả năng chiến thắng của các đảng.
Ðầu năm 2018, Cộng hòa muốn giữ quyền kiểm soát Quốc hội và các văn phòng khác, trong khi Dân chủ đang xáo trộn. Dần dần, Dân chủ và truyền thông dòng chính đã có thể hạ triển vọng của Cộng hòa cho đến cách đây một tháng, khi Trump phê chuẩn thẩm phán thứ hai của Tòa án tối cao. Sau đó, ông ta bắt đầu chiến dịch trên toàn quốc để đưa cuộc bầu cử về phía mình.
Trong ba tuần qua, một đoàn khổng lồ người nhập cư bất hợp pháp từ 7.000 đến 14.000 người tiến xuống biên giới phía nam nước Mỹ, để làm bẽ mặt ông Trump về việc bắt giữ phụ nữ và trẻ em, lại khiến vận may của Trump một lần nữa xoay chuyển.
Không ai, bao gồm "binh đoàn" các nhà thăm dò chuyên nghiệp, biết ai sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ 6-11. Nhiều người nhớ lại mình đã sai lầm ra sao khi dự đoán Hillary sẽ đánh bại Trump.
Rất nhiều người Mỹ tiếp xúc với cơn lụt thông tin sai, thù hằn và chủ nghĩa cực đoan trên truyền thông và từ các đảng chính trị, nhưng điều đó không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ. Hầu hết họ dường như lo ngại và bối rối trước các vấn đề chính trị và cho rằng đó không phải là tất cả về nước Mỹ.
Không có chỉ dấu nào cho thấy Dân chủ lẫn Cộng hòa sẽ trở nên lễ độ hơn, hay Trump sẽ đột nhiên ra dáng tổng thống hơn. Nếu Dân chủ giành được Hạ viện và Cộng hòa giữ được quyền kiểm soát Thượng viện, chính phủ nhiều khả năng vẫn sẽ rơi vào bế tắc như dưới thời Obama.
Nhưng ông Trump sẽ nắm quyền cao nhất trong một hệ thống bế tắc, mà ở đó ông ta có thể trở nên cực đoan hơn để đạt được lộ trình chính trị của mình. Nền dân chủ Mỹ đang gặp rắc rối thực sự.
Tiền đổ vào tranh cử chưa từng có
Tiền đang chảy vào các chiến dịch tranh cử của đảng phái chính trị ở mức độ chưa từng thấy trong nỗ lực "mua cuộc bầu cử". 33 trên 100 thượng nghị sĩ đang chạy đua cho cuộc bầu cử. Khoảng 1 tỉ USD đã được đóng góp để gây ảnh hưởng lên các chiến dịch của họ. Phần nhiều số tiền đến từ các tỉ phú tài chính hoặc công nghệ cao, những người có các chương trình chính trị - thường là cực đoan - mà họ muốn thúc đẩy.
Một số ứng viên chính trị nhận hầu hết nguồn quỹ từ những người thậm chí không sống cùng bang với ứng viên đó: các tài tử và nhà sản xuất Hollywood đặc biệt tích cực trong việc cố gây ảnh hưởng lên bầu cử địa phương ở mức độ toàn quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận