Tổng thống Donald Trump và ông Jeff Sessions thuở ban đầu khi ông Sessions mới nhậm chức đầu năm 2017 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Trump nhanh chóng sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions chỉ 12 tiếng sau khi có kết quả bầu cử, đồng thời dọa sẽ phản ứng kịch liệt nếu Hạ viện, nay đã về tay Đảng Dân chủ, điều tra chính quyền và vấn đề tài chính của ông.
Dân chủ chắc chắn ủng hộ ông Trump trong vấn đề Trung Quốc còn hơn cả Cộng hòa. Cuối cùng, ông Trump sẽ thắng Bắc Kinh.
Tờ Politico dẫn lời cựu thành viên Ủy ban tài chính Thượng viện Mỹ Greg Mastel
Gây chiến nếu bị điều tra
Reuters ngày 8-11 đưa tin ông Sessions đã gửi lá thư từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Trump. Sự ra đi của ông Sessions được dự đoán chỉ mới là khởi đầu cho hàng loạt nhân vật cấp cao sẽ mất chức khi ông Trump cải tổ đội ngũ chuẩn bị tái tranh cử 2020.
Tạm thay thế ông Sessions là Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Matthew Whitaker, một nhân vật từng phản đối cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ.
Sự ra đi của ông Sessions gây nhiều lo ngại về tương lai cuộc điều tra của công tố viên Robert Mueller. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi chỉ trích việc sa thải ông Sessions là "âm mưu" nhằm cản trở việc điều tra nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, đồng thời kêu gọi ông Whitaker không nhúng tay vào cuộc điều tra.
Với thế đa số ở Hạ viện, Dân chủ chắc chắn sẽ đẩy nhanh tiến trình điều tra các vấn đề bao gồm tài chính cá nhân, các cáo buộc tham nhũng và cả nghi vấn cấu kết với Nga trong cuộc bầu cử 2016 của ông Trump.
Một số tài liệu cho thấy Dân chủ đã sẵn sàng mở đến 20 cuộc điều tra lớn nhỏ. Tuy nhiên tổng thống Mỹ đã lập tức cảnh báo sẽ "chiến" đến cùng: "Nếu Dân chủ muốn lãng phí tiền thuế để điều tra chúng tôi ở quy mô Hạ viện, thì chúng tôi ngược lại sẽ phải cân nhắc điều tra họ rò rỉ thông tin mật và các vấn đề khác ở Thượng viện".
Dù là một trong những người đầu tiên ủng hộ tổng thống đương nhiệm, mối quan hệ giữa ông Sessions và ông Trump trở nên lạnh nhạt từ đầu năm 2017 khi ông trao quyền giám sát cuộc điều tra cho Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein, người sau đó chỉ định ông Mueller làm công tố viên độc lập phụ trách.
"Đây là cú tấn công trực diện vào cuộc điều tra của ông Mueller. Ông Trump nhìn thấy cơ hội và đã chớp lấy" - biên tập Susan Hennessey của trang Lawfare nhận định.
Người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết ông Whitaker sẽ thay ông Rosenstein và trực tiếp giám sát cuộc điều tra. Dù sẽ khó sa thải được ông Mueller, ông Whitaker hoàn toàn có khả năng làm chậm việc điều tra.
Theo giới phân tích, không còn sự bảo vệ của ông Rosenstein, cuộc điều tra có thể bị yêu cầu giải trình và nộp các tài liệu nhạy cảm.
"Một điều chắc chắn là cuộc điều tra của ông Mueller về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử phải tiếp tục đến cùng, phải như vậy" - Guardian dẫn lời thượng nghị sĩ Lamar Alexander, một trong những thành viên Cộng hòa kêu gọi bảo vệ cuộc điều tra của ông Mueller.
Nhưng liệu ông Mueller đã chuẩn bị "kế hoạch B"? "Từ ngày đầu tiên ông Mueller đã biết mình có thể bị chặn. Họ đã phân việc đến các văn phòng tư pháp, bộ phận kiện tụng và sẵn sàng cho các tình huống bất ngờ. Họ sẽ tiếp tục công việc và buổi trình diễn sẽ tiếp tục" - cựu nhân viên tư pháp Julie Zebrak nhận định.
Giải tỏa hay leo thang căng thẳng thương mại?
Không chỉ có khả năng ngăn chặn các chính sách gây tranh cãi của ông Trump như xây tường dọc biên giới Mexico, xoay chuyển chính sách đối ngoại với Nga, Saudi Arabia, Triều Tiên, phe Dân chủ chắc chắn sẽ chống gói cắt giảm thuế lớn lần hai và các chính sách kinh tế khác.
Giới phân tích đến nay vẫn tin rằng sự chia rẽ trong Quốc hội Mỹ là một thông điệp tích cực giúp giải tỏa căng thẳng toàn cầu trong cuối năm nay.
"Khi tổng thống không thể dựa vào Quốc hội hay Cục Dự trữ liên bang được nữa, ông ấy sẽ cần hành động để giữ vững kinh tế, loại bỏ cuộc chiến thương mại đau đớn và biến nó thành một thỏa thuận thắng lợi" - chiến lược gia Marko Kolanovic của Tập đoàn JPMorgan Chase dự đoán.
Giới kinh doanh kỳ vọng tình hình sẽ xoay chuyển tại cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 tại Argentina cuối tháng này.
Nhưng kịch bản ngược lại hoàn toàn có thể xảy ra. "Bất đồng giữa hai đảng chủ yếu về chính trị trong nước, không có sự khác biệt nào về quan điểm với Trung Quốc" - nhà kinh tế Ren Zeping của Công ty địa ốc Evergrande cùng quan điểm.
Nhiều nước cũng lo ngại tổng thống Mỹ không chỉ giữ nguyên các đòn thuế quan mà thậm chí sẽ đẩy mạnh chính sách "Nước Mỹ trên hết" để duy trì sự ủng hộ của tầng lớp lao động.
Để chuẩn bị việc tái bầu cử 2020, "ông Trump sẽ bắt đầu nghĩ tới việc làm gì với quan hệ thương mại với Nhật Bản để thỏa mãn những người ủng hộ" - Japan Times dẫn lời chuyên gia Tsuneo Watanabe của Tổ chức Sasakawa Peace Foundation.
Ông Trump nổi giận với báo chí
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7-11 (giờ Mỹ) đã có cuộc họp báo nảy lửa khi ông công kích hàng loạt phóng viên của CNN, PBS... trong đó ông lăng mạ phóng viên Jim Acosta của "hãng tin giả" CNN là "một người thô lỗ và tồi tệ" khi cố gặng hỏi tổng thống.
Nhà Trắng sau đó cấm cửa Acosta, và người phát ngôn Sarah Sanders chỉ trích phóng viên này "đụng chạm" nữ thực tập sinh đang cố giành lại micro. Sự việc tiếp tục đẩy lên cao trào với tuyên bố của CNN khẳng định bà Sander "dối trá" và sẽ ủng hộ phóng viên của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận