10/12/2023 07:21 GMT+7

Diễn đàn 'Bịt lỗ hổng tôn sư trọng đạo': Giáo dục chạy theo điểm số, phụ huynh nhiều 'quyền lực'

Diễn đàn "Bịt lỗ hổng tôn sư trọng đạo" tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc là giáo viên, cựu giáo chức, chuyên gia tâm lý, giáo dục...

Diễn đàn 'Bịt lỗ hổng tôn sư trọng đạo': Giáo dục chạy theo điểm số, phụ huynh nhiều 'quyền lực'- Ảnh 1.

Xin được trích đăng:

Chạy theo thành tích, điểm số

Thực tế hiện nay chúng ta vẫn quan tâm nhiều đến thành tích, điểm số, tỉ lệ học sinh đạt học sinh giỏi, đậu tốt nghiệp và đại học... hơn là giáo dục lễ nghĩa, đạo đức, lối sống cho học sinh.

Dường như việc giáo dục nhân cách, lễ nghĩa và đạo đức, lối sống cho học sinh, tinh thần "tôn sư trọng đạo" đứng sau điểm số và thành tích.

Thiết nghĩ, để hạn chế những sự việc, hiện tượng đau lòng như "bạo lực học đường" cần chấn chỉnh và thay đổi quyết liệt trong giáo dục. Cần chú trọng và ưu tiên công tác đào tạo, giáo dục đạo đức, những bài học nhân cách làm người.

Bài học nhân cách phải xuất phát từ thực tiễn gia đình, mối quan hệ giữa thầy cô - học sinh, giữa học sinh với nhau và phải được đúc kết từ thực tiễn.

Bên cạnh đó, để giáo dục nhân cách, đạo đức và lối sống cho học sinh rất cần sự phối hợp, thấu hiểu giữa nhà trường và gia đình, giữa giáo viên chủ nhiệm với các bậc cha mẹ học sinh.

Ngoài ra, cũng cần thấy rằng đối với học sinh (nhất là những em có tính cách mạnh, ương bướng, cá biệt và bất cần) thì việc uốn nắn, giáo dục cũng như xử trí các tình huống phải hết sức cẩn trọng và tế nhị. Lúc này người thầy cần có bản lĩnh, sự quan tâm đặc biệt, tình yêu thương và cả nghệ thuật, kỹ năng để xử lý tình huống.

Nguyễn Đước (TP.HCM)

Mỗi học sinh là một thế giới riêng

Những vụ bạo lực học đường (nhất là giữa giáo viên và học sinh) thời gian qua mang đậm dấu ấn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa thầy - trò.

Hiện tượng giáo viên đối xử với học sinh bằng sự áp đặt, bảo thủ, xúc phạm nhân phẩm người học là những nguyên nhân dẫn đến quan hệ thầy - trò ngày càng xấu và có thể dẫn đến những hành vi chống đối của học trò.

Một thầy cô mẫu mực, khéo léo, tế nhị trong ứng xử sư phạm, luôn đồng cảm và thấu hiểu học trò, biết phát hiện và có kỹ năng xử lý các vấn đề xung đột rất hiếm khi xảy ra xung đột với các em. Ngược lại họ luôn được các em yêu quý và tôn trọng.

Thực tế hiện nay không ít giáo viên còn xem nhẹ việc dạy làm người cũng như xem nhẹ lối sống, kỹ năng ứng xử của người học.

Có giáo viên bộ môn còn cho rằng ở nhà trường dạy đạo đức, nhân cách là trách nhiệm chủ yếu thuộc về giáo viên môn giáo dục công dân và chủ nhiệm lớp. Còn giáo viên bộ môn chỉ có trách nhiệm truyền đạt kiến thức tốt cho trò.

Mỗi học sinh là một thế giới riêng với những đặc điểm tâm lý cá nhân như trình độ nhận thức, sở trường, đam mê, hoàn cảnh gia đình... Giáo viên phải thực sự hiểu học trò, khám phá đời sống học trò để biết được các em đang có những khó khăn, vấn đề bức xúc chưa được giải quyết... để sẵn sàng làm điểm tựa tinh thần cho các em.

Nếu mỗi giáo viên có sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên chia sẻ với học sinh dựa trên nguyên tắc "tôn trọng và yêu cầu cao", có kỹ năng xử lý linh hoạt các tình huống sư phạm thì chắc chắn những quy định, yêu cầu sẽ giúp người học chấp nhận và thực hiện một cách tự giác.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Văn Công (Đại học Nguyễn Huệ)

"Lên bờ xuống ruộng" vì bài viết trên mạng

Chúng ta nói ngoài miệng là tôn sư trọng đạo nhưng có nơi nhà giáo bị rẻ rúng. Việc dạy thêm học thêm làm hình ảnh người thầy giống "con buôn" trong mắt học sinh, phụ huynh.

Bây giờ quyền lực của phụ huynh rất lớn, chỉ vì nghe con đi học về báo rằng cô giáo thế này thế nọ là lập tức lao đến trường hành hung giáo viên. Có cô giáo "lên bờ xuống ruộng" vì một bài viết trên mạng của một phụ huynh tố cáo mình.

Hy sinh "cái tôi" vì học sinh

Tôi muốn nói đến một định hướng giáo dục có tính căn cơ và bền vững. Trong đó phải làm sao có tư tưởng, hành vi thống nhất giữa người lãnh đạo hay quản lý cơ quan nhà nước, phụ huynh, thầy cô giáo và học sinh.

Và cái cốt lõi và ưu tiên là nâng cao vị trí, vai trò chức năng người lãnh đạo ngành, người quản lý cơ quan và thầy cô giáo.

Tôi đồng ý kiến với tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng trên báo Tuổi Trẻ ngày 6-12, vấn nạn không còn là chuyện cá biệt và cần phải được giải quyết từ cả ba phía.

Trước hết, những người mang trọng trách trong ngành phải coi trọng ý thức trách nhiệm của mình. Họ phải có cách hành xử đúng chuẩn mực, có lòng tự trọng, lòng dũng cảm và danh dự đi cùng ý thức trách nhiệm để làm gương.

Song song đó là cách đào tạo và tuyển dụng giáo viên. Thầy cô giáo không thể chỉ được tuyển dụng qua kiến thức tổng quát và chuyên môn.

Trước khi vào ngành, họ phải được trắc nghiệm một số điều kiện kèm theo như lòng yêu nghề mến trẻ, sự quan tâm thấu hiểu, lòng khoan dung độ lượng và nếu cần họ phải không ngại hy sinh "cái tôi" vì học sinh.

Có như vậy họ sẽ dễ dàng vượt qua tất cả trở lực để hoàn thành một cách tốt nhất thiên chức của mình.

Nguyễn Minh Út (Hội Cựu giáo chức Long An)

Bảo vệ người thầy

Ai sẽ bảo vệ người thầy khi họ phải đối diện với những phụ huynh và học sinh cá biệt?

Sau mỗi vụ giáo viên bị xúc phạm và hành hung, làn sóng phẫn nộ của cộng đồng lại bùng lên mạnh mẽ. Nhưng sau đó vẫn là mấy lời xin lỗi, vài hình thức kỷ luật nhắc nhở, vài triệu đồng nộp phạt...

Giáo viên tiếp tục bị phụ huynh xông đến trường hành hung mỗi khi có nghi vấn con trẻ bị bạo hành. Giáo viên tiếp tục bị tước quyền giáo dục học sinh một cách trần trụi và khô cứng tình người!

Hộp thư

Diễn đàn "Bịt lỗ hổng tôn sư trọng đạo" đã nhận được bài tham gia của các tác giả Nguyễn Đước, Trần Văn Tám, Thái Hoàng (TP.HCM), Trang Nguyễn (Thừa Thiên Huế), Nguyễn Minh Út, Nguyễn Thanh Dũng (Long An), Xuân Quang (Tiền Giang), Đặng Văn Trung (Bến Tre), Nguyễn Văn Công (Đồng Nai), Lê Thị Minh Vân, Phan Trọng Lưu, Nguyễn Hữu Nhân, Nguyen Nguyen, Pham Khac Lap, Lý An Nhiên... Bài viết của bạn đọc tham gia diễn đàn vui lòng gửi về giaoduc@tuoitre.com.vn.

Học sinh ném dép cô giáo: Đâu rồi tôn sư trọng đạo?Học sinh ném dép cô giáo: Đâu rồi tôn sư trọng đạo?

Vụ học sinh dồn ép cô giáo vào góc lớp, ném dép vào cô giáo tại một trường THCS ở tỉnh Tuyên Quang lộ ra lỗ hổng nghiêm trọng về tinh thần tôn sư trọng đạo, "tiên học lễ, hậu học văn".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên