10/12/2023 15:57 GMT+7

Nền giáo dục đang tạo ra những người chưa trưởng thành

Việc học sinh một trường THCS ở Tuyên Quang nhốt cô giáo vào lớp, chửi bới rồi ném đồ vào người cô quả là chuyện quá sức hình dung và là một tình huống nằm ngoài tưởng tượng về cách ứng xử của học sinh đối với các thầy cô.

Bệnh thành tích của nhà trường được xem là

Bệnh thành tích của nhà trường được xem là "vòng kim cô" trói buộc nhiều giáo viên với chuyện học của học sinh

Ta chỉ còn biết ngửa mặt than: Còn đâu đạo nghĩa thầy trò!

Nhưng giả sử nếu clip lộ ra trên mạng đầu tiên không phải là học sinh nhốt giáo viên, mà là giáo viên hai tay hai giày đuổi ném học sinh quanh lớp, có những lời lẽ không phù hợp với học sinh, thì dư luận chắc chắn sẽ lại sục sôi theo chiều ngược lại.

Lúc đó chúng lại có một câu chuyện khác, cũng quá sức hình dung và tưởng tượng của chúng ta. Khi đó ta cũng chỉ biết than trời: đâu rồi hình mẫu người thầy!

Chưa trưởng thành

Nhìn rộng ra những sự việc tương tự trong khoảng hai chục năm trở lại đây, khi Internet đã trở nên phổ biến và thông tin được cập nhật dễ dàng hơn, chúng ta sẽ thấy câu chuyện bi hài trên không là ngoại lệ.

Nói như thế để thấy những gì hiển lộ ra trong sự việc này và nhiều sự việc khác trong giáo dục chỉ là hiện tượng và có phần ngẫu nhiên khi xuất lộ. Còn những gì là nguyên nhân, là bản chất thì chìm sâu ở bên dưới, cần suy ngẫm và tìm giải pháp tháo gỡ.

Vậy những nguyên nhân sâu xa, những điều bản chất đang chìm sâu bên dưới là gì?

Bình tâm quan sát và suy ngẫm, ta sẽ thấy những câu chuyện đau lòng hoặc bi hài trong giáo dục là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục mà không chỉ học sinh, mà cả phụ huynh và giáo viên trong rất nhiều trường hợp cũng ứng xử như những người chưa trưởng thành.

Phụ huynh có thể xông thẳng vào trường để hành hung giáo viên. Giáo viên có thể đánh nhau với học sinh và với đồng nghiệp. Những người quản lý cũng có thể hành xử tương tự, nhưng ít lộ liễu hơn mà thôi.

Suy cho cùng một nền giáo dục như vậy sẽ tạo ra những người chưa trưởng thành, dù họ có học đến cấp bậc nào đi chăng nữa.

Nay là giáo viên đứng lớp, nhưng có thể chỉ mươi năm trước họ vẫn là học sinh, sinh viên trên ghế nhà trường. Được đứng lớp vì đó là công việc, vì đến ngày đến giờ tốt nghiệp ra trường và đi làm, chứ không phải là vì đã có được sự trưởng thành đúng nghĩa và tâm thế của một người thầy đích thực.

Điều này không chỉ đúng với giáo dục phổ thông, mà còn đúng cả với bậc đại học, thậm chí cả với trường sư phạm, vì giáo viên suy cho cùng cũng là sản phẩm giáo dục của những ngôi trường này.

Còn nhớ khoảng 100 năm về trước, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có than: "Dân hai nhăm triệu ai người lớn / Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con". Lời than đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nền giáo dục đang tạo ra những người chưa trưởng thành- Ảnh 2.

Tiến sĩ Giáp Văn Dương

Chỉ khi có khả năng tư duy độc lập, những câu chuyện bi hài trong giáo dục, và rộng hơn là trong xã hội, mới giảm bớt. Còn nếu không, các vấn nạn trong giáo dục và trong xã hội vẫn sẽ luôn ở đó, chỉ là có bị lộ hoặc có bưng bít được hay không mà thôi

Để không còn những vấn nạn

Vậy đâu là nguyên nhân cốt lõi tạo ra sự chưa trưởng thành này trong xã hội và trong toàn bộ hệ thống giáo dục?

Để trả lời hỏi này một cách dễ hiểu, ta phải tham chiếu đến những quy định về việc quản lý trẻ vị thành niên, chẳng hạn như khi cho con đi du học, hay việc pháp luật hạn chế một số quyền của trẻ so với người lớn.

Những ai đã từng cho con đi du học hẳn sẽ biết điều khoản về người giám hộ. Nhiều nước quy định nếu học sinh dưới 18 tuổi thì bắt buộc phải ở cùng với một người giám hộ mới được cấp visa để đi du học.

Vì sao lại có quy định như vậy? Vì trẻ dưới 18 tuổi, còn gọi là trẻ vị thành niên, được cho là chưa đủ trưởng thành về mặt trí tuệ để có thể tư duy độc lập. Vì thế, trẻ vị thành niên cần phải dựa vào người khác khi đưa ra quyết định quan trọng trong việc sống và tổ chức cuộc sống của mình.

Đó chính là lý do vì sao có quy định trẻ vị thành niên khi đi du học lại phải có người giám hộ. Trong trường hợp này, người giám hộ được coi là người trưởng thành nên có tư duy độc lập, vì thế có thể giúp trẻ đưa ra những quyết định quan trọng khi cần.

Trẻ sẽ không phải chịu một số trách nhiệm trước pháp luật kể cả khi phạm tội, vì những người làm luật cho rằng trẻ vị thành niên thì chưa trưởng thành về mặt trí tuệ, chưa nhận thức được thế nào là phải - trái, đúng - sai, tốt - xấu một cách rõ ràng, nên chưa có khả năng tư duy độc lập, vì thế không phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho những việc mình làm.

Đó cũng là lý do vì sao trẻ dưới 18 tuổi bị giới hạn một số quyền so với người lớn, như không được uống rượu, không được xem một số phim ảnh có nội dung không phù hợp…

Vì khi dưới 18 tuổi, trẻ được coi như chưa trưởng thành về mặt trí tuệ, chưa có tuy duy độc lập, nên chưa thể tự quyết định có nên tham dự các hoạt động này hay không.

Trong trường hợp này, những người làm luật, được mặc định là những người trưởng thành, đã phải tư duy hộ và đưa ra quyết định giúp trẻ là không được tham gia bằng cách đưa thẳng các quyết định này vào các quy định của pháp luật.

Giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần tạo ra con người trưởng thành. Và giải pháp căn cơ, dài hơi và duy nhất là phát triển tư duy độc lập ở tất cả mọi người, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Việc này cần diễn ra không chỉ ở trường học, mà còn phải diễn ra ở gia đình, công sở, doanh nghiệp, hội đoàn, và trên báo chí, truyền thông mạng xã hội…

Chỉ có phát triển khả năng tư duy độc lập của mỗi người thì chúng ta mới có thể thoát khỏi tình trạng vị thành niên, tức chưa trưởng thành về mặt trí tuệ, để tạo ra một xã hội trưởng thành, và do đó có một nền giáo dục trưởng thành.

Diễn đàn Diễn đàn 'Bịt lỗ hổng tôn sư trọng đạo': Giáo dục chạy theo điểm số, phụ huynh nhiều 'quyền lực'

Diễn đàn "Bịt lỗ hổng tôn sư trọng đạo" tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc là giáo viên, cựu giáo chức, chuyên gia tâm lý, giáo dục...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên