Nay nhà đồng sáng lập Microsoft sở hữu nhiều đất nông nghiệp nhất nước Mỹ với 270.000 mẫu Anh (109.265ha) tại 19 bang.
Không chỉ ông Gates, nhiều tỉ phú Mỹ khác cũng đang rót tiền vào đất nông nghiệp. Tháng 5 năm nay, Đài CNN đưa tin tỉ phú Jeff Bezos, Ted Turner, Thomas Peterffy và mới nhất là ông chủ Meta/Facebook Mark Zuckerberg cũng tham gia vào thị trường này.
Ông Bruce Sherrick, giáo sư kinh tế nông nghiệp tại Đại học Illinois Urbana-Champaign (Mỹ), nhận định đất nông nghiệp mang lại sự ổn định tài chính cho chủ sở hữu trong những thời điểm kinh tế không chắc chắn. Đầu tư vào đất nông nghiệp ở Mỹ vào giai đoạn bất ổn hiện nay sinh lời nhiều hơn đầu tư vào vàng và chứng khoán. Theo nền tảng đầu tư FarmTogether, tỉ suất lợi nhuận của đất nông nghiệp trong 47 năm qua ở Mỹ là 10,27%, cao hơn tỉ suất lợi nhuận trung bình của bất động sản và chứng khoán.
Dù chưa lên tiếng về vụ thu mua đất ở North Dakota, nhưng ông Bill Gates từng trả lời chất vấn trên mạng xã hội Reddit năm ngoái về tầm quan trọng của công nghệ nông nghiệp (agri tech): "Lĩnh vực nông nghiệp rất quan trọng. Với hạt giống cho năng suất cao hơn, chúng ta có thể tránh nạn phá rừng và giúp châu Phi giải quyết các khó khăn từ biến đổi khí hậu. Hiện chưa rõ xăng sinh học có thể rẻ như thế nào, nhưng nếu rẻ, chúng có thể giải quyết phát thải từ máy bay và xe tải".
Đó là chuyện bên Mỹ, chuyện của những người đã từng nhìn xa, nắm bắt cơ hội để trở thành tỉ phú. Còn ở Việt Nam thì sao?
Chúng ta đang bị cuốn vào cơn lốc phân lô, bán nền, chẻ nhỏ đất nông nghiệp rồi bỏ hoang. Đất rừng cũng bị xà xẻo, gặm nhấm từ từ để làm khu du lịch, biệt thự... Nhiều người nói rằng làm nông biết bao giờ mới khá. Có thực tế đó. Nhưng cũng có một thực tế khác đã cho thấy nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế mỗi khi khó khăn. Thế giới bao phen chứng kiến những cuộc khủng hoảng kinh tế, đại dịch. Lúc đó, con người chỉ cần thực phẩm, thức uống. Những quốc gia đã từng làm ra những sản phẩm hiện đại, thời thượng giàu có nhưng khi có biến, vẫn lao đao chỉ vì không có đủ lương thực cho dân ăn.
Việt Nam đã cam kết là một trong những nước "lo cái ăn cho thế giới". Nhờ kiên trì với an ninh lương thực, quyết liệt giữ đất để làm nông mà lúc này người dân mới không bị bóng ma lạm phát uy hiếp. Cả thế giới đang vật vã với lạm phát khi giá lương thực, thực phẩm tăng phi mã. Ấy vậy mà, như tờ Economist mới đây nhận xét tỉ lệ lạm phát thấp của Việt Nam xuất phát từ thực tế Việt Nam sản xuất quá đủ lương thực để nuôi sống người dân. Còn ông Andrew Jeffries, giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, đánh giá nước ta sẽ đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4% nhờ "nguồn cung lương thực rất dồi dào và là nước chuyên xuất khẩu mặt hàng này ra thế giới".
Chương trình lương thực thế giới dự báo 2022 sẽ là năm của nạn đói "chưa từng có tiền lệ", khi 828 triệu người có nguy cơ bị đói do xung đột, dịch COVID-19, khủng hoảng khí hậu và giá cả gia tăng. Và trong tương lai, biến đổi khí hậu càng khiến an ninh lương thực quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, đừng quay lưng với nông nghiệp. Cần kiểm soát tình trạng phân lô, chẻ nhỏ ruộng đất. Hãy khuyến khích những điền chủ thay vì những chủ dự án bất động sản thâu tóm đất nông nghiệp. Có thế mới đưa khoa học kỹ thuật vào để nông dân sống được nhờ nông nghiệp. Chia nhỏ, manh mún, bán đất về lâu dài là tự cắt đường sống của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận