Ngày 4-6, UBND tỉnh Quảng Nam cho hay vừa có công văn gửi UBND tỉnh Kon Tum về việc phối hợp, tạo điều kiện xây dựng các công trình dân sinh trên địa bàn thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam.
Theo tỉnh này, trong những năm qua, vướng mắc về địa giới hành chính giữa xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My và xã Đăk Nên, huyện Kon Plong (Kon Tum) đã được cấp ủy, chính quyền các cấp của hai tỉnh tích cực phối hợp giải quyết.
Chính quyền hai tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ Nội vụ chủ trì giải quyết dứt điểm vướng mắc về địa giới hành chính, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Tuy nhiên chính quyền, nhân dân khu vực giáp ranh vẫn giữ mối quan hệ đoàn kết, không xảy ra điểm nóng.
Do vướng mắc về địa giới hành chính giữa hai địa phương, chính quyền hai tỉnh không thể đầu tư ngân sách xây dựng các công trình hạ tầng dân sinh phục vụ các hộ dân thôn 3, xã Trà Vinh đang sinh sống tại khu vực thuộc địa giới hành chính theo hồ sơ 364 của xã Đăk Nên.
Theo báo cáo huyện Nam Trà My, hiện nay nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác giáo dục, xây dựng kết cấu hạ tầng dân sinh, xã Trà Vinh tổ chức kêu gọi các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm ủng hộ người dân xóa điểm trường tạm, làm cầu treo qua suối nhỏ phục vụ đi lại, học tập.
Xã này đã huy động được trên 700 triệu đồng, vận động ngày công của người dân để làm cầu treo khu vực Nước Tối và điểm trường tiểu học thôn 3, dự kiến hoàn thành trước mùa mưa để đảm bảo an toàn đi lại, học hành của con em người đồng bào thiểu số.
Nhưng ngày 16-5 vừa qua, UBND xã Đắk Nên đã lập biên bản, có công văn đề nghị phối hợp dừng thi công các công trình trên.
Các công trình trên phục vụ các nhu cầu thiết yếu của đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn 3, đặc biệt là nhu cầu học hành của trẻ em, không thuộc vốn đầu tư của chính quyền Quảng Nam, không làm mở rộng địa bàn sinh sống của bà con người dân thôn 3, không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết các vướng mắc về địa giới hành chính.
Trong thời gian chờ Bộ Nội vụ chủ trì giải quyết vướng mắc về địa giới hành chính giữa hai tỉnh, tỉnh Quảng Nam kính đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cơ quan, UBND huyện Kon Plong và xã Đăk Nên tạo điều kiện để các nhà hảo tâm, bà con nhân dân thôn 3 được tiếp tục xây dựng cầu treo và các điểm xóa trường tạm để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của dân.
Theo huyện Nam Trà My, trong những năm qua, sự chồng lấn địa giới hành chính giữa xã Trà Vinh và xã Đắk Nên chưa có được tiếng nói chung.
Việc này khiến việc xây dựng kết cấu hạ tầng cơ bản phục vụ dân sinh như đường giao thông, điện thắp sáng, trường học... tại khu vực thôn 3 không thể triển khai đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Hiện toàn bộ thôn 3 có 238 hộ, 1.034 khẩu (hộ khẩu thường trú Quảng Nam) đang sinh sống, canh tác trên địa phận của xã Đắk Nên theo bản đồ địa giới hành chính 364.
Mới đây tỉnh Quảng Nam đã gửi báo cáo đến Bộ Nội vụ về việc kiến nghị quan tâm chủ trì giải quyết dứt điểm vướng mắc về địa giới hành chính giữa 2 tỉnh.
Về tuyến địa giới hành chính với Kon Tum, Quảng Nam đề nghị điều chỉnh phần diện tích thực tế khu vực có dân cư xã Trà Vinh sinh sống (hơn 3.000ha) thuộc địa phận của xã Đắk Nên về xã Trà Vinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận