30/05/2024 16:59 GMT+7

Vì sao cầu treo, trường học xã hội hóa bị đình chỉ xây dựng?

Trường học và cầu treo dân sinh được xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vận động xây dựng giúp dân bị chính quyền tỉnh Kon Tum yêu cầu tạm dừng.

Công trình cầu treo qua suối Nước Tối đang xây dựng từ nguồn vận động xã hội hóa - Ảnh: N.L.

Công trình cầu treo qua suối Nước Tối đang xây dựng từ nguồn vận động xã hội hóa - Ảnh: N.L.

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao liên quan thông tin công trình trường học và cầu treo dân sinh tại xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đang xây dựng phải tạm dừng.

Xã ở Quảng Nam xây công trình trên đất Kon Tum?

Theo tìm hiểu của phóng viên, hai công trình dân sinh được chính quyền xã Trà Vinh kêu gọi tài trợ giúp người dân thôn 3 của xã, gồm trường học trị giá 700 triệu đồng và cầu treo qua suối Nước Tối 60 triệu đồng.

Đáng chú ý, khi các công trình này đang tổ chức xây dựng thì UBND xã Đắk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đã lập biên bản buộc tạm dừng thi công; đồng thời yêu cầu phối hợp dừng thi công các công trình trên địa bàn xã Đắk Nên quản lý.

Trường học trị giá 700 triệu đồng xây dựng từ nguồn vận động xã hội hóa của chính quyền xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) - Ảnh: N.L.

Trường học trị giá 700 triệu đồng xây dựng từ nguồn vận động xã hội hóa của chính quyền xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) - Ảnh: N.L.

Theo UBND huyện Kon Plông, việc xây dựng trường học, cầu treo tại khu vực này thực chất thuộc địa giới hành chính thôn Tu Thôn, xã Đắk Nên, huyện Kon Plông. Trên thực tế, những người dân sinh sống tại đây là người dân thôn 3, xã Trà Vinh đang xâm canh, xâm cư trên địa bàn xã Đắk Nên.

Do đó, việc tổ chức xây dựng công trình trên địa giới hành chính xã Đắk Nên cần phải được bàn bạc, thống nhất giữa hai tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và cấp có thẩm quyền trước khi triển khai thực hiện.

Sau khi xảy ra vụ việc, UBND huyện Kon Plông đã nhận được công văn của UBND huyện Nam Trà My đề nghị tạo điều kiện triển khai các công trình dân sinh từ nguồn huy động xã hội hóa tại khu vực này. Hiện huyện Kon Plông đã báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh Kon Tum về hướng xử lý.

Ủng hộ xây dựng công trình dân sinh, nhưng phải đúng quy định

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 30-5, ông Lê Ngọc Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - xác nhận khu vực xây dựng công trình thuộc địa giới hành chính của xã Đắk Nên, huyện Kon Plông. Tại đây, người dân của xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, đã đến sinh sống và canh tác trong thời gian dài.

Để giải quyết vấn đề địa giới hành chính, vừa qua hai ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Kon Tum đã làm việc và tổ chức khảo sát độc lập để lấy ý kiến nhân dân.

Sau khảo sát, người dân gốc xã Trà Vinh muốn tiếp tục giữ hộ khẩu ở Trà Vinh và chuyển phần đất này về huyện Nam Trà My, Quảng Nam. 

Trong khi đó, người dân xã Đắk Nên yêu cầu người dân gốc xã Trà Vinh phải nhập khẩu về xã Đắk Nên nếu muốn ở lại.

Do ý kiến người dân trái ngược nhau, hai tỉnh không xử lý được nên đã đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, đề xuất Chính phủ xem xét hướng giải quyết. Hiện nay, các tỉnh đang chờ giải pháp từ Chính phủ cho vấn đề này.

Đối với việc xây dựng các công trình dân sinh, ông Lê Ngọc Tuấn nói rất ủng hộ việc vận động xã hội hóa xây dựng trường học, cầu dân sinh cho dân, bởi người dân tỉnh nào cũng là dân Việt Nam.

Dù vậy, lãnh đạo tỉnh Kon Tum cho rằng việc tổ chức xây dựng phải đúng quy định. Lẽ ra trước khi xây dựng, phía huyện Nam Trà My phải làm việc, thống nhất với huyện Kon Plông và xã Đắk Nên về vị trí xây dựng cầu treo, trường học. Việc xây dựng đúng quy hoạch và phải được cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn cấp phép.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nói đã chỉ đạo UBND huyện Kon Plông mời huyện Nam Trà My và xã Trà Vinh qua bàn để thống nhất, tạo điều kiện triển khai xây dựng công trình đúng với quy hoạch, giấy phép.

Kon Tum và Quảng Nam tiếp tục xử lý việc chồng lấn địa giới hành chínhKon Tum và Quảng Nam tiếp tục xử lý việc chồng lấn địa giới hành chính

TTO - Chiều 18-8, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Nam về việc chồng lấn địa giới hành chính giữa hai tỉnh. Việc này khiến hơn 1.000 nhân khẩu sinh sống ở khu vực chồng lấn chịu nhiều thiệt thòi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên