07/05/2020 06:41 GMT+7

Dịch COVID-19 sáng 7-5: WHO nói tái dương tính không phải là tái nhiễm, Việt Nam 0 ca mới

TRẦN PHƯƠNG - LAN ANH - MINH KHÔI
TRẦN PHƯƠNG - LAN ANH - MINH KHÔI

TTO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói việc các bệnh nhân tái dương tính với COVID-19 sau khi khỏi bệnh chỉ là một phần của quá trình hồi phục. Việt Nam đã 21 ngày không có ca lây trong cộng đồng.

Dịch COVID-19 sáng 7-5: WHO nói tái dương tính không phải là tái nhiễm, Việt Nam 0 ca mới - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Việt Nam 0 ca mới, 21 ngày không có ca lây trong cộng đồng

6h sáng 7-5, thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết trong 12 giờ qua Việt Nam không có ca nhiễm mới, và 21 ngày qua không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tổng số ca nhiễm đến nay vẫn là 271, trong đó 131 ca từ nước ngoài đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Số trường hợp đã khỏi và ra viện là 232, hiện chỉ còn 39 trường hợp đang điều trị.

Căn cứ tình hình dịch COVID-19 hiện cơ bản được kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng đã giảm (21 ngày Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cộng đồng), Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản dỡ bỏ quy định giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải hành khách (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy...) từ 0h hôm nay 7-5.

Tuy nhiên Bộ yêu cầu phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo phòng chống COVID-19 như: đeo khẩu trang tại các khu vực công cộng (nhà ga, bến tàu, bến xe...) và trên phương tiện vận tải hành khách trong suốt hành trình; thực hiện khai báo y tế; hạn chế giao tiếp, ăn uống trên phương tiện vận tải hành khách...

Trong khi đó Công ty TNHH MTV Vắcxin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH - Bộ Y tế) - đơn vị đang phát triển vắcxin ngừa COVID-19, cho biết tính tới 6-5 đã tròn 10 ngày tiêm vắcxin thử nghiệm trên chuột. Hiện chuột thí nghiệm khỏe mạnh và tiếp tục được theo dõi đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Dịch COVID-19 sáng 7-5: WHO nói tái dương tính không phải là tái nhiễm, Việt Nam 0 ca mới - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tây Ban Nha kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 2 tuần

Đề xuất của Thủ tướng Pedro Sanchez đã được Quốc hội Tây Ban Nha thông qua, kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia cho tới ngày 23-5.

Đây là lần thứ 4 Tây Ban Nha gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia vì dịch COVID-19.

Ấn Độ tăng hơn 3.500 ca nhiễm

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 7-5 cho biết số ca nhiễm virus corona ở nước này tăng thêm 3.561 ca, lên tổng số 52.952 ca. Số ca tử vong cũng tăng 89 ca, lên 1.793.

Tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ không có dấu hiệu suy giảm dù đã áp dụng lệnh phong tỏa nhiều tuần nay.

Bộ Y tế Mexico cho biết nước này có thêm 1.609 ca nhiễm mới và 197 ca tử vong, nâng tổng số toàn quốc lên 27.634 ca bệnh và 2.704 ca tử vong. Chính quyền Mexico trước đó đã cho biết số người nhiễm bệnh thực tế sẽ cao hơn rất nhiều so với số được chẩn đoán.

Cũng tại châu Mỹ, Panama đã có 7.731 ca nhiễm, tăng 208 ca trong 24 giờ qua, trong khi số ca tử vong tăng thêm 8 lên 218 ca.

Dịch COVID-19 sáng 7-5: WHO nói tái dương tính không phải là tái nhiễm, Việt Nam 0 ca mới - Ảnh 3.

Nhân viên y tế trong phòng hồi sức của một bệnh viện ở Bỉ ngày 6-5 - Ảnh: REUTERS

Dân Anh sắp không còn phải ở nhà

Chính phủ Anh sẽ bỏ lời khuyên công dân ở nhà khi chuẩn bị nới lỏng các biện pháp chống dịch. Thủ tướng Boris Johnson cho biết ông sẽ công bố chiến lược "giai đoạn 2" của cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 tại Anh với những biện pháp nới lỏng từ ngày 11-5.

Theo đó, chính phủ có thể sẽ cho phép nối lại các hoạt động thể dục ngoài trời, tắm nắng trong công viên, khuyến khích người dân quay trở lại làm việc với điều kiện vẫn phải giữ quy định về giãn cách xã hội. Chẳng hạn, thay vì chỉ được ra khỏi nhà tập thể dục một lần mỗi ngày, người dân có thể tập thể dục "không giới hạn" một mình hoặc cùng người thân.

Các học sinh có thể đến trường trở lại vào đầu tháng sau. Tuy nhiên chưa rõ thời gian cho phép các nhà hàng, quán rượu, cà phê được phép hoạt động lại.

Ngoài ra, chính phủ Anh cũng sẽ bổ sung quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, tiến hành kiểm tra chặt chẽ hơn tại cửa khẩu, biên giới. Chính phủ cũng sẽ xem xét áp dụng cách ly tập trung 14 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh, kể cả công dân Anh từ nước ngoài trở về.

Đến cuối tháng, Chính phủ Anh sẽ xem xét đưa ra thêm các nới lỏng khác dựa trên kết quả đánh giá về thay đổi tỷ lệ mắc bệnh, cơ chế xét nghiệm cho các bệnh nhân, và việc theo dõi, truy vết hành trình của những người nghi lây nhiễm.

New Zealand nới lỏng hạn chế

Chính phủ New Zealand tuyên bố nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch xuống "Cảnh báo mức 2", theo đó cho phép người dân đi làm trở lại, nối lại hoạt động kinh tế một cách an toàn.

Doanh nghiệp, trường học, du lịch trong nước sẽ được hoạt động lại. Các nơi công cộng được phép mở cửa, việc tụ tập ngoài trời sẽ giới hạn ở mức tối đa 100 người, tụ tập ở gia đình diễn ra ở quy mô nhỏ…

"Mọi mức cảnh báo chống COVID-19 đều là cuộc chiến của chính chúng ta. Chiến thắng một mức cảnh báo không có nghĩa là cuộc chiến đã kết thúc" - thủ tướng Jacinda Ardern nói, kêu gọi giữ vững các biện pháp y tế cộng đồng như giữ khoảng cách, vệ sinh và truy dấu tiếp xúc.

WHO: tái dương tính không phải là tái nhiễm

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định các bệnh nhân đã khỏi bệnh COVID-19 nhưng xét nghiệm dương tính với virus corona là do phổi đang đào thải các tế bào chết chứ không phải là tái nhiễm.

Tuyên bố đưa ra sau khi Hàn Quốc gần đây thông báo có 300 trường hợp dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2, làm tăng lo ngại những bệnh nhân đã hồi phục có thể tái nhiễm.

"Hiện tại, dựa trên các dữ liệu gần nhất, chúng ta biết rằng những bệnh nhân này dường như đang thải những gì còn lại trong phổi, như một phần của giai đoạn hồi phục", Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn của WHO cho biết.

Theo WHO, cần nghiên cứu thêm về các ca tái dương tính với COVID-19 để xác định liệu họ có thể lây nhiễm virus corona chủng mới cho người khác hay không.

Brazil tăng kỷ lục số ca bệnh trong 1 ngày: hơn 10.500 ca

Bộ Y tế Brazil sáng 7-5 (giờ Việt Nam) xác nhận nước này có thêm 10.503 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua và hơn 615 ca tử vong. Quốc gia Nam Mỹ này hiện có tổng cộng 125.218 ca bệnh và 8.356 ca tử vong.

Các quan chức y tế Brazil cho biết số ca bệnh có thể sẽ còn cao hơn do nhiều kết quả xét nghiệm vẫn chưa được nhập vào cơ sở dữ liệu. Họ cũng cảnh báo có thể siết chặt thêm phong tỏa.

Đức tiếp tục nới lỏng giãn cách

Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá nước này đã đạt được các mục tiêu làm chậm sự lây lan của virus corona chủng mới và không làm quá tải hệ thống y tế. Chính phủ và các bang của Đức đã quyết định cho phép nhiều hoạt động được nối lại nhưng có kiểm soát.

Tất cả các cửa hàng được phép mở cửa trở lại nhưng phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu vệ sinh, kiểm soát lưu lượng khách. Các bang sẽ quyết định cho phép mở dần với các cửa hàng ăn uống trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến 22-5. Các trường học từng bước đưa học sinh trở lại song song với việc đảm bảo tuân thủ các biện pháp vệ sinh cũng như duy trì quy tắc giãn cách xã hội...

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý ngày 6-5 cho biết nước này ghi nhận thêm 1.444 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 214.457 trường hợp. Số ca tử vong tăng lên 29.684 trường hợp, tăng 369 ca, và số ca hồi phục là 93.245 ca, tăng 8.014 ca.

Trong khi đó, Pháp đã có tới 25.809 người tử vong do COVID-19, tăng 278 ca trong 24 giờ. Số ca bệnh mới cũng tăng mạnh thêm 4.183 người, cao nhất kể từ giữa 4-2020. Pháp đang chuẩn bị gỡ bỏ phong tỏa vào 11-5 nhưng cho biết kế hoạch sẽ phụ thuộc vào việc số ca nhiễm mới có giảm xuống dưới 3.000 ca/ngày hay không.

Dịch COVID-19 sáng 7-5: WHO nói tái dương tính không phải là tái nhiễm, Việt Nam 0 ca mới - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Mỹ tăng hỗ trợ các nước chống dịch

Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định Washington sẽ hỗ trợ thêm cho nhân đạo và y tế toàn cầu trị giá 128 triệu USD để đối phó đại dịch COVID-19. Cụ thể, số tiền sẽ hỗ trợ cho việc phòng ngừa, phát hiện và kiểm soát virus corona chủng mới và giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong những người tị nạn và người di cư dễ bị tổn thương thông qua khoản hỗ trợ nhân đạo.

Với số tiền hỗ trợ mới trên, tính tới nay tổng số tiền cam kết của Mỹ nhằm hỗ trợ sức khỏe, nhân đạo và hỗ trợ kinh tế toàn cầu cho hơn 120 quốc gia đã lên tới 900 triệu USD.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày Lầu Năm Góc thông báo đã ký một hợp đồng trị giá 126 triệu USD với nhà sản xuất 3M nhằm thúc đẩy việc sản xuất 26 triệu khẩu trang N95/mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 10 tới.

Dịch lây nhanh ở châu Phi

Ngoại trừ Ai Cập và Nam Phi là hai nước có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất châu Phi, nhiều quốc gia khác trong khu vực như Morocco, Algeria, Nigeria, Ghana, Cameroon, Senegal... cũng đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đáng kể trong trong nhiều ngày qua.

Algeria ghi nhận thêm 159 ca mắc mới và 6 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 4.997 người và 476 người tử vong. Trong khi đó tại Morocco, Bộ Y tế nước này cho biết đã có tổng cộng 5.408 ca mắc COVID-19 khiến 183 người tử vong, tăng thêm 189 ca bệnh và 2 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Theo số liệu thống kê cập nhật, các quốc gia châu Phi có tổng số ca cao nhất khu vực gồm có Nam Phi, Ai Cập, Morocco, Algeria, Nigeria, Ghana, Cameroon, Guinea.…

Dịch COVID-19 sáng 7-5: WHO nói tái dương tính không phải là tái nhiễm, Việt Nam 0 ca mới - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Dịch COVID-19 chiều 6-5: WHO cảnh báo phong tỏa trở lại nếu dỡ bỏ hạn chế không tốt Dịch COVID-19 chiều 6-5: WHO cảnh báo phong tỏa trở lại nếu dỡ bỏ hạn chế không tốt

TTO - Đến 18h ngày 6-5, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Trong khi đó, bộ trưởng Văn hóa Nga, bà Olga Lyubimova, được xác định dương tính với virus corona chủng mới.

TRẦN PHƯƠNG - LAN ANH - MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên