06/04/2020 09:44 GMT+7

Dịch bệnh là biểu hiện trực tiếp của phát triển không bền vững

THIÊN ĐIỂU thực hiện
THIÊN ĐIỂU thực hiện

TTO - Dịch COVID-19 đang buộc chúng ta phải sống chậm hơn trong đời sống thực, nhưng liệu nhiều người trong chúng ta có thực sự sống chậm hơn khi không ra đường nhưng lại vùi mình vào điện thoại, Facebook, nhảy bổ vào các cuộc tranh luận hơn thua...

Dịch bệnh là biểu hiện trực tiếp của phát triển không bền vững - Ảnh 1.

TP.HCM những ngày vắng lặng - Ảnh: Q.ĐỊNH

Ngày nay, phát triển mà không tính đến bền vững, sự song hành giữa kinh tế - văn hóa - sinh thái, thì sự phát triển đó luôn có hậu quả, dịch bệnh chính là biểu hiện trực tiếp. Chúng ta đang nói về nạn dịch toàn cầu COVID-19, nhưng không mấy khi chú ý đến nạn dịch cục bộ - nạn phá rừng, săn bắt thú hoang, buôn ngà voi, sừng tê giác, ma túy, đổ chất thải xuống sông biển...

Trò chuyện với Tuổi Trẻ về "sống chậm", nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng từ những quan sát xã hội dài lâu của mình (và ông cũng là một người sống rất chậm, đã về sống ở nông thôn - PV) đưa ra những góc nhìn đa diện:

- Sống chậm chỉ là quan niệm, không phải là một chương trình xã hội, khi toàn cầu đang lao vào vòng quay kinh tế và công nghệ.

Có những nơi chậm phát triển, hoàn toàn nông nghiệp, đương nhiên vẫn sống chậm, hoặc bị sống chậm (hay nhanh) do cái mảnh đất nông nghiệp ấy có giữ được không. Có nơi là thành phố, hối hả từng ngày, ngưng tay ráo miệng, thì đương nhiên chóng mặt.

Việc sống chậm có lẽ xuất phát từ những người chịu áp lực của đời sống văn phòng và công nghiệp, muốn bỏ ra hai ngày nghỉ cuối tuần thư giãn, rồi nữa là những người trung lưu, sau khi (hoặc vẫn đang) làm bụi mù xã hội thì xây trang trại nông thôn, sống với thiên nhiên như hiền triết...

Tóm lại, chủ động sống chậm vẫn là việc của người có tiền, ít nhất trên trung bình. Nhiều chỗ có vẻ sống chậm như là mốt hơn là phương châm. Ví dụ đi dã ngoại, đi phượt, cắm trại... Rồi dần dần nó cũng trở thành một hoạt động mang tính kinh tế.

* Trên thế giới, người ta bắt đầu nói nhiều về sống chậm từ bao giờ, thưa ông?

- Nếu nói về sống chậm trên thế giới, có lẽ phải cụ thể. Ví dụ New York (Mỹ) và Yogyakarta (Indonesia), hai nơi tôi từng ở.

Ở New York, người ta rất vất vả, sống như sôi lên hằng ngày, đi lại rầm rầm, đôi khi không có đêm (sinh hoạt suốt đêm), nên mới gọi lóng là "Rat race" (Chuột chạy); nhưng vào thứ Bảy, Chủ nhật, hầu hết mọi người đi nhà thờ, ra công viên, đi bảo tàng, xem ca hát, phim, tránh xa điện thoại, vi tính.

Hai ngày cuối tuần là cố định cho lối sống khoan thai, nghỉ ngơi.

Ở Yogyakarta - thành phố cổ Hồi giáo, mỗi ngày người ta cầu kinh năm lần, lúc đó không ai làm gì, thành phố vắng lặng, chú tâm vào hành lễ; những lúc khác làm ăn vừa phải, 10h sáng mới mở cửa, 4h chiều đã đóng hết, tối thanh niên ra vườn hoa ca hát, vui chơi.

Kinh tế nơi này rất thấp, tiền tiêu ít nhưng có giá trị, ngược hoàn toàn với New York. Thành phố kiểu này hiện đang phổ biến, nhất là ở các quốc gia Đông Nam Á.

Tức là chủ động tiêu ít, làm ít, chơi nhiều, sống có thực hành tôn giáo, lối sống đang có tính chủ đạo của người Thái Lan, người Malaysia, người Indonesia, người Myanmar.

Tôi về sống ở nông thôn để đi nghiên cứu, không liên quan đến sống chậm hay nhanh, qua đó tôi hiểu được các di sản bị tàn phá thế nào trong quá trình công nghiệp hóa, và người nông dân muốn nhanh hay chậm không tùy thuộc vào họ.

Dịch bệnh là biểu hiện trực tiếp của phát triển không bền vững - Ảnh 3.

Khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN

"Thông tin đã bội thực, giờ lại phải lựa chọn"

* Dịch COVID-19 đang buộc chúng ta phải sống chậm hơn trong đời sống thực, nhưng liệu chúng ta có thực sự sống chậm hơn không khi lại vùi mình vào điện thoại, Facebook, nhảy vào các cuộc tranh luận hơn thua. Dường như Internet, mạng xã hội đã làm biến đổi rất lớn với xã hội Việt Nam, đến lối sống của chúng ta?

- Tác động của dịch COVID-19 rất rõ ràng lên loài người và địa cầu. Trái đất có vẻ được nghỉ ngơi, ít khí thải hơn, chim thú cũng nhởn nhơ hơn.

Nhưng vấn đề ở nhà thì làm gì, khi thu nhập giảm đi trông thấy. Rất nhiều người không trả được tiền thuê nhà, còn rất ít tiền mua thực phẩm, đời sống gia đình cũng căng thẳng hơn, khó tránh khỏi nhiều vụ ly hôn hơn, hoặc ngược lại...

Trước kia, khi xung quanh đang công nghiệp hóa, chúng ta đang trong thời chiến, kinh tế nông nghiệp rất nghèo nàn. Sau chiến tranh, xung quanh đang hiện đại hóa, rồi công nghệ hóa, ta vật lộn trong kinh tế bao cấp. Cái cảm giác thiếu thông tin, lạc hậu, khác xa với thế giới còn rõ ràng hơn cả cảm giác đói.

Khi Internet được thiết lập, cũng là thời của toàn cầu hóa, ít nhất cái khoảng cách nhân loại cũng được san đi ở mức độ thông tin, rồi đi lại tương đối tự do. Không ai đói về thông tin như trước, mà có thể nói thông tin đã bội thực, giờ lại phải lựa chọn.

Người nước ngoài điều cần thiết với họ là trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực và nâng cao văn hóa nói chung, nên rảnh sẽ đọc sách. Nhiều người lao động Việt Nam tự chọn con đường dễ, không muốn học nhiều, không cố gắng trở thành chuyên gia, mức độ tay nghề vừa phải, thông tin để giải trí tán gẫu.

Đi đâu cũng sôi lên hỏi mật mã Wifi, nhưng cũng chỉ để chat Facebook, rồi xem truyền hình giải trí phim ảnh, thể thao... Các chương trình khoa học kỹ thuật và giáo dục trên truyền thông rất nhiều, thế nhưng có mấy người tự học từ đó.

Nạn dịch toàn cầu và nạn dịch cục bộ

* Ông có nghĩ người Việt nên nhân lúc phải sống những ngày cách ly xã hội mà điều chỉnh lại lối sống, thậm chí cả đạo đức xã hội nữa?

- Bản thân tôi cũng trải qua nhiều nạn dịch: dịch cúm, dịch tả, dịch đau mắt đỏ, dịch sốt xuất huyết, dịch đậu mùa và nạn đói...

Mỗi lần qua nạn dịch, có thể nhìn thấy bản lĩnh và sự thử thách đối với con người. Tôi thấy người Việt rất phi thường mới có thể trải qua gần 100 năm chiến tranh trong thế kỷ 20, nhất là cái đói luôn có xu hướng làm mất nhân cách.

Nhưng ngày nay, phát triển mà không tính đến bền vững, sự song hành giữa kinh tế - văn hóa - sinh thái, thì sự phát triển đó luôn có hậu quả, dịch bệnh chính là biểu hiện trực tiếp.

Chúng ta đang nói về nạn dịch toàn cầu COVID-19, nhưng không mấy khi chú ý đến nạn dịch cục bộ - nạn phá rừng, săn bắt thú hoang, buôn ngà voi, sừng tê giác, ma túy, đổ chất thải xuống sông biển...

Từ những dịch bệnh thường xuyên, có vẻ như không chết ai và làm giàu cho số ít người, đương nhiên là đến một dịch lớn, như Mekong cạn nước, ngập mặn ở đồng bằng Nam Bộ, và virus corona.

Những đại dịch hạch thời Trung cổ, từng làm mất 3/4 dân số một thành phố. Rừng và chim thú, vốn bị quét sạch để xây pháo đài, có cơ hội phục hồi. Chính châu Âu đã nhiều lần suy tàn và phục hưng trở lại. Nhưng bài học xưa rất khác bài học nay, ở ta sự phát triển kinh tế quá mức còn tiếp tục phá hủy văn hóa và sinh thái, ngay sau dịch.

Cần phải nhìn dịch bệnh trong các nguyên nhân đa chiều và tương quan, chứ không chỉ tìm đến con tê tê hay con dơi, vốn được xem là tác nhân trung gian lây nhiễm virus corona chủng mới.

* Dịch bệnh đã giúp con người "tỉnh ngộ" về sức mạnh của mình để biết sống nhã nhặn, khiêm nhường hơn, biết hòa thuận với thiên nhiên, biết nhân ái với nhau hơn, biết xếp lại lối sống cho chậm hơn. Ông có nghĩ vậy không?

- Có lẽ vậy. Dịch bệnh đang giúp các nước nhìn nhận và hành động đúng hơn đối với vĩ mô, từng cá nhân đối với cuộc sống xung quanh.

Dịch bệnh cho thấy các doanh nghiệp hiện đại thực chất rất yếu, mới vài tháng ngừng hoạt động đã có thể phá sản, và nông nghiệp vẫn biểu hiện khả năng tạo ra sự ổn định trong cả chiến tranh lẫn dịch bệnh. Những ai muốn lấy ruộng làm sân gôn hay nhà xưởng thì nên nghiên cứu cái này.

Còn về sống chậm thì biết nói thế nào nhỉ? Ngày xưa đi bộ, từ Bắc vào Nam, mất sáu tháng mới có thể vào đến Sài Gòn, nay bay mất một giờ rưỡi. Nhưng đi bộ thì thấy đất nước bao la, kỳ thú, còn bay vèo một cái, được việc này kia nhưng chả thấy gì ngoài khẩu trang.

Xanh, sạch như Nhật, làm được mà!

Những ngày chống dịch COVID-19, chất lượng không khí của Hà Nội được cải thiện rất lớn và đường phố sạch sẽ đến bất ngờ. Chồng tôi - một người Nhật - nói anh từng nghe bạn bè Việt Nam cho rằng chuyện môi trường sạch sẽ ở Nhật Bản là đương nhiên nhưng ở Việt Nam rất khó.

Nay, nhìn những gì đang diễn ra, anh nói người Việt Nam hoàn toàn có thể giữ cho không khí sạch hơn bằng việc hạn chế phương tiện cá nhân, có thể giữ cho thành phố sạch sẽ bằng việc không xả rác bừa bãi. Mỗi người có ý thức một chút, tiếp tục giữ lối sống xanh, sạch này thì chuyện nước Việt sạch như nước Nhật bây giờ là hoàn toàn trong tầm tay của mỗi người.

Một điều nữa là sau dịch này, phụ nữ Việt Nam có lẽ nhiều người sẽ có thói quen dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Bạn bè, chị gái tôi mới đầu than thở một ngày phải nghĩ món gì món gì để nấu ăn sáng rất phiền nhưng giờ quen, họ lại khoe nấu được các món rất ngon như một niềm hạnh phúc.

Lê Cẩm Nhung (TS ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản)

100 năm trước đã khuyên rửa tay, đeo khẩu trang ngừa cúm, 100 năm sau chưa thuộc bài? 100 năm trước đã khuyên rửa tay, đeo khẩu trang ngừa cúm, 100 năm sau chưa thuộc bài?

TTO - Cách đây 100 năm con người đã biết cách phòng ngừa, ngăn chặn đại dịch bằng các biện pháp đơn giản, rẻ tiền và dễ thực hiện nhất. Và cho đến nay, kinh nghiệm này vẫn cho thấy hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh.

THIÊN ĐIỂU thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên