26/05/2024 09:19 GMT+7

Đi trễ về sớm, đến cơ quan điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc

Có người đi trễ, về sớm, nghỉ giải lao không đúng thời gian quy định, có mặt ở cơ quan đúng giờ để điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ ngành, đại biểu lắng nghe các tham luận tại diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024 - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ ngành, đại biểu lắng nghe các tham luận tại diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024 - Ảnh: TTXVN

Đó là chia sẻ của anh Mai Thiên Ân - trưởng phòng sản xuất Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, TP.HCM - về rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động trong diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024, ngày 26-5.

Có người tư lợi, tuồn sản phẩm công ty ra ngoài

Anh Mai Thiên Ân - trưởng phòng sản xuất Công ty TNHH Intel Products Việt Nam - Ảnh: HẢI NGUYỄN

Anh Mai Thiên Ân - trưởng phòng sản xuất Công ty TNHH Intel Products Việt Nam - Ảnh: HẢI NGUYỄN

Theo anh Ân, doanh nghiệp muốn nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu đòi hỏi người lao động phải có trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng mềm và ý thức lao động tốt.

Người lao động muốn nâng cao thu nhập phải có kỹ năng nghề nghiệp, thái độ, ý thức và tác phong tốt.

"Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người lao động, đặc biệt là anh chị em công nhân, chưa thực sự quan tâm và đặt việc rèn luyện, nâng cao ý thức, tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp lên hàng đầu”, anh Ân nói.

Anh chỉ rõ một số vấn đề của người lao động như không tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động gây ra các chấn thương.

Ví dụ, có người không tuân thủ nội quy, giờ giấc, tác phong làm việc như đi trễ, về sớm, nghỉ giải lao không đúng thời gian quy định, có mặt ở cơ quan đúng giờ để điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc.

Trường hợp khác lại xin nghỉ phép không có lý do chính đáng, phối hợp trong công việc kém, làm việc nhóm không hiệu quả, ảnh hưởng đến đơn vị.

Thậm chí, theo anh Ân, có người không tuân thủ quy định, lấy sản phẩm công ty để bán ra ngoài thị trường như trường hợp một doanh nghiệp, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, ảnh hưởng uy tín công ty. 

Việc này còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đến văn hóa và con người Việt Nam.

Ngoài ra, có công nhân không tuân thủ quy trình sản xuất dẫn đến sản phẩm lỗi, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu doanh nghiệp và lòng tin của đối tác.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ ngành, đại biểu lắng nghe các tham luận tại diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024 - Ảnh: DANH KHANG

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ ngành, đại biểu lắng nghe các tham luận tại diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024 - Ảnh: DANH KHANG

Là công ty đa quốc gia, có nhiều nhân sự Việt, công ty này đưa ra nhiều giải pháp. Chẳng hạn, người quản lý chia sẻ, nhắc nhở nhân viên các tình huống thực tế, giải thích để họ hiểu, áp dụng vào công việc, định kỳ hằng tuần, hằng ngày.

Công ty cũng tăng cường các buổi tuyên truyền với chơi trò chơi, trao phần thưởng, tuyên dương công khai hoặc xây dựng quy trình, công cụ phản hồi ẩn danh... 

Qua đó, doanh nghiệp giảm tới 80% sự cố chất lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng mức độ hài lòng của nhân viên.

Gửi kiến nghị tới diễn đàn, anh cho rằng cần có thêm các hình thức giảng dạy, trang bị tác phong công nghiệp cho người lao động từ sớm, hình thành “thói quen, nếp nghĩ, nếp làm” khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Xem xét định hướng ở các cấp bậc phù hợp, ví dụ như học cơ bản từ cấp THPT cho lao động phổ thông, học nâng cao cho các bậc trung cấp, cao đẳng, đại học và xem xét nội dung học phù hợp với ngành nghề họ đang theo học. "Mỗi nghề nghiệp khác nhau cũng cần có tác phong công nghiệp khác nhau", anh nói. 

Chị Phùng Thị Hạnh - công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội - Tổng công ty May 10 - Ảnh: DANH KHANG

Chị Phùng Thị Hạnh - công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội - Tổng công ty May 10 - Ảnh: DANH KHANG

Học kiểm soát thời gian, đạt 150% năng suất so với đồng nghiệp

Chị Phùng Thị Hạnh - công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội - Tổng công ty May 10 - bày tỏ từ khi mới đi làm (năm 18 tuổi), chị chưa từng học qua trường lớp song tự nhủ phải làm được hơn những gì anh chị đi trước đã đạt được.

“Tôi ý thức mình cần phải quan sát và học hỏi mỗi ngày, lúc nào cũng đau đáu suy nghĩ: Làm thế nào để tăng năng suất, làm thế nào để tay nghề ngày càng nhanh hơn?

Bước đầu, tôi học hỏi từ đồng nghiệp. Tranh thủ giờ nghỉ ca, tôi học từ các cô chú có thâm niên, chuyền nào có người giỏi, công đoạn nào có người làm tốt hơn là tôi học.

Tôi học anh chị quản lý chuyền cách bố trí hàng, cách sắp xếp hàng hóa sao cho hợp lý và thuận tiện nhất, đúc rút ra kinh nghiệm cho mình và loại bỏ những thao tác thừa, giúp tăng năng suất.

Từ những ngày đầu được 200-300 sản phẩm, sau 5 tháng tôi đã may được 700-800 sản phẩm/ngày. Nhưng với tôi, như vậy vẫn chưa đủ, chưa hài lòng. Tôi luôn cảm thấy mình có thể làm được nhiều hơn thế.

Vậy nên, tôi đã học cách kiểm soát thời gian với mục tiêu năng suất giờ sau phải tăng hơn giờ trước ít nhất 5%. Hơn một năm sau, tôi đã là người dẫn đầu về năng suất tại đơn vị với 1.400 sản phẩm/ngày, đạt 150% so với đồng nghiệp cùng công đoạn”, chị Hạnh hồ hởi kể.

Chị tự hào nói nhờ cố gắng không ngừng nghỉ, chị đạt thu nhập tới 15 triệu đồng/tháng, nhiều năm liền là lao động giỏi, chiến sĩ thi đua… 

Song không vì thế chị giữ cho mình bí quyết, nữ công nhân này còn chia sẻ, hướng dẫn, lan tỏa cách làm hay cho đồng nghiệp để cải thiện năng suất làm việc.

Năng suất lao động của TP.HCM tăng chậm hơn so với cả nướcNăng suất lao động của TP.HCM tăng chậm hơn so với cả nước

UBND TP.HCM vừa thông qua Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến 2030, với những mục tiêu dài hơi về tỉ lệ lao động qua đào tạo, tăng năng suất lao động xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên