Tiếp tục cải thiện năng suất lao động từ phía doanh nghiệp, người lao động là một trong những trụ cột không thể thiếu của Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến 2030.
Năng suất lao động cả nước tăng 6,71%, TP.HCM tăng 4,23%
Theo đó, TP.HCM được đặc biệt ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số và trở thành trung tâm dịch vụ hàng đầu trong khu vực.
Đồng thời hình thành các khu công nghiệp thông tin tập trung, đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như sản xuất robot, công nghiệp sinh học và dịch vụ y tế chuyên sâu. Bên cạnh đó là phát triển đô thị thông minh và xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên thách thức lớn hiện nay là năng suất lao động xã hội của TP.HCM trong những năm qua đang tăng trưởng chậm hơn so với cả nước.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, năng suất lao động TP.HCM tăng 4,42%/năm. Giai đoạn 2016 - 2020 chỉ còn tăng 4,31%/năm, thấp hơn 0,11% so với giai đoạn trước. Tính cả giai đoạn 2016 - 2022 chỉ tăng 4,23%/năm.
Trong khi đó, năng suất lao động bình quân chung cả nước trong giai đoạn 2011 - 2015 tăng 4,53%. Đến giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,05%, cao hơn 1,52% so với giai đoạn trước. Tính cả giai đoạn 2016 - 2022 tăng 6,71%.
Do đó, Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến 2030 đề ra mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội hằng năm đạt 7%/năm, chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu.
Đầu tư cho đào tạo nghề, năng cao kỹ năng nghề nghiệp được xem là trọng tâm của chiến lược lao động - việc làm, với mục tiêu đặt ra gồm: bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM.
Chất lượng đào tạo nghề của các trường đạt tiêu chuẩn trình độ quốc gia, tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, các nước phát triển trong khu vực và quốc tế. Đến năm 2025 góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 87% và đạt 89% vào năm 2030.
8 lĩnh vực ngành nghề trọng tâm
Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến 2030 xác định 8 lĩnh vực trọng tâm phát triển nguồn nhân lực gồm:
Lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông
Lĩnh vực cơ khí - ô tô
Lĩnh vực cơ điện tử - tự động hóa (gồm kỹ thuật tay máy - người máy; công nghệ robot, robot di động, công nghệ kỹ thuật điều khiển tự động, tự động hóa công nghiệp; kỹ thuật điện tử, kỹ thuật cơ điện tử, điện tử công nghiệp, kỹ thuật điện công nghiệp - dân dụng, kỹ thuật lắp đặt điện, điều khiển công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí).
Lĩnh vực kế toán - tài chính - ngân hàng - quản trị doanh nghiệp
Lĩnh vực logistics
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Lĩnh vực du lịch
Lĩnh vực xây dựng - môi trường - đô thị.
4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - nhựa cao su, chế biến lương thực thực phẩm.
Chuyển đổi việc làm trong tương lai cũng được đề cập đến. Trong đó 9 nhóm công nghệ chính sẽ phát triển và tác động đến sự hình thành 16 mô hình kinh doanh, ngành nghề mới, từ đó ảnh hưởng đến chuyển dịch lao động và việc làm tại TP.HCM gồm:
Internet di động (Mobile internet)
Điện toán đám mây (Cloud computing)
Dữ liệu lớn (Big data)
Trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence)
Công nghệ tài chính (Fintech)
Internet kết nối vạn vật (IoT)
Người máy tiên tiến (Advanced robotics)
Sản xuất bồi đắp (Additive manufacturing)
Công nghệ bán dẫn.
Chiến lược lao động - việc làm cũng đưa ra những yêu cầu cấp bách về kỹ năng xanh gắn với việc làm xanh khi TP.HCM cũng như Việt Nam nói chung đã có những cam kết chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0 và các doanh nghiệp chịu áp lực buộc phải chuyển đổi xanh.
Theo đó, việc làm xanh có xu hướng đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn và đòi hỏi trình độ về khoa học công nghệ tương đối cao hơn so việc làm truyền thống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận