23/02/2014 09:20 GMT+7

Đi tìm sao la - Kỳ 2: Vào "tọa độ mật"

ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ
ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ

TT - Khi Quỹ bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam phát đi thông cáo phát hiện loài sao la trên khu vực biên giới Việt - Lào, chúng tôi cứ thắc mắc mãi là tại sao không có một địa điểm cụ thể nào trong rừng rộng hơn 16.000ha này.

Kỳ 1: Phát hiện “kỳ lân châu Á”

ARZy2M0N.jpgPhóng to
Cán bộ khu bảo tồn phải chẻ củi đốt để chống lại cái lạnh giữa rừng sâu - Ảnh: Đoàn Cường

Và câu trả lời là: “Tọa độ mật”.

Nhịn rau rừng cho sao la

"Ở đây rau rừng mọc đầy, nhưng anh em tôi không ăn mà để dành thức ăn đó cho sao la"

Kiểm lâm viênLÊ KA THẮNG

Ngày chúng tôi đến Khu bảo tồn sao la Quảng Nam (đóng tại xã Bhalee, Tây Giang, Quảng Nam), các cán bộ tại đây liệt kê sẵn một danh mục với đầy đủ thiết bị bảo hộ phải có để vào rừng già. Túi ngủ, võng, vớ dày, thuốc Dep và phải gùi thêm gạo, thịt heo, nhất là rau sống. “Trong rừng thiếu gì rau mà phải gùi từ ngoài vào cho cực?”. Chúng tôi băn khoăn hỏi một cán bộ khu bảo tồn thì anh cười đầy vẻ bí hiểm: “Cứ đi rồi sẽ hiểu”. Dẫn đường cho chuyến thâm nhập vào tiểu khu “mật” là Bhling Sáu - người Cơ Tu bản địa.

Suối Brùha mùa này nước trong vắt chảy len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp. Điều đó không có nghĩa hiểm nguy từ dòng suối này đã hết. Bhling Sáu tay cầm rựa vừa phạt ngang những cành cây chắn lối vừa nói: “Tôi bước chân chỗ nào, các anh đặt chân vào dấu đó. Không là rớt đập đầu vào thành đá chết tươi”. Rừng âm u, ẩm ướt cùng tiếng thú kêu hoang dại đã thấy lạnh sống lưng. Khi lội qua ngã ba con suối Brùha giao với Bríh, Sáu đi chậm lại, mắt đảo liên tục. “Đoạn ni nhiều rắn lục đuôi đỏ lắm. Nó vắt vẻo trên cành không để ý là chết liền” - Sáu nói dè chừng. Một tay cầm rựa phát cây, tay kia Sáu cầm đoạn gỗ dài đâm mạnh xuống vũng nước suối ken đặc lá cây rụng che phủ để đuổi lũ rắn nước. Đánh hơi thấy mùi người, lũ vắt rừng bắn lên bu đầy chân, cổ Sáu. Lạ lùng là Sáu không giết những con vật háu ăn này, anh phập mạnh cây rựa vào vạt đất rồi lấy tay bắt con vắt thả nó đi.

Sáu giải thích: “Trước kia chỉ cần lũ vắt này bám vào người là mình đã bóp chết rồi, chặt thành năm bảy khúc. Nhưng từ khi đi rừng với cán bộ khu bảo tồn, mình không giết nó nữa, cán bộ nói vắt dùng để nghiên cứu tìm loài sao la”. Sáu chia sẻ đi rừng ớn nhất là gặp lũ vắt xanh hoặc vắt có chửa. Nó độc vô cùng, chỉ cần chích vào da một mũi thì máu cứ vậy nhỏ ra phải đến nửa ngày hoặc một ngày mới cầm.

Nửa ngày bì bõm dưới suối lạnh ngắt và mệt đứt hơi cắt rừng leo qua những con dốc thẳng đứng, lán trại của đoàn cán bộ khu bảo tồn sao la đã hiện ra bên bãi đất bằng phẳng nơi thượng nguồn con suối Brùha. Đã đầu giờ chiều nhưng những cán bộ ở đây vẫn đang “tăm” tại những “tọa độ mật” trên dãy Trường Sơn. Lán trại kêu cho sang, kỳ thực đó chỉ là túp lều tạm bợ được lợp bằng cây đùng đình, lá chuối, trụ là mấy cây rừng, san sát đó là năm chiếc võng của đoàn cán bộ dùng để ngủ.

Gần 2 giờ chiều, đoàn công tác mới về đến lán trại. Thấy có khách, anh Lê Ka Thắng - kiểm lâm viên khu bảo tồn sao la - cầm hoa chuối rừng lên khoe: “Có thịt gà rừng xé đãi khách quý đây!”. Năm cán bộ trong đoàn ai cũng vui ra mặt vì lâu lắm rồi mới có một bữa tươi như vậy. Anh Thắng quay sang hỏi chúng tôi: “Có phải khi vào rừng các anh được dặn là phải mang theo rau tươi không? Ở đây rau rừng mọc đầy, nhưng anh em tôi không ăn mà để dành thức ăn đó cho sao la”. Đang rửa tay dưới suối, Trương Minh Đến (cán bộ WWF) cũng nói vọng lên: “Chúng tôi chỉ ăn những loại rau ít ảnh hưởng nhất đến môi trường, động vật”. Chỉ tay ra vạt môn thục cạnh bờ suối, chàng trai gốc Khánh Hòa chia sẻ: “Món ăn ưa thích của sao la đó. Anh em tụi tôi cắm chốt ở rừng có khi nửa tháng, hai mươi ngày không đủ rau ăn nên bị táo bón. Vậy chứ môn thục ngay trước mặt thèm lắm nhưng chẳng ai ăn”.

JJDXyJV0.jpgPhóng to
Lán trại đơn sơ của đoàn cán bộ khu bảo tồn và WWF được lợp bằng cây rừng bên bờ suối - Ảnh: Đoàn Cường

Bẫy ảnh

Bữa cơm vừa xong, cơn mưa rừng ập tới vội vã. Chúng tôi ngồi co ro bên bếp lửa, trong khi Đến lụi cụi lắp đặt pin mới cho những chiếc máy ảnh. Máy định vị vệ tinh GPS cũng được “xuất trận”. Đến thổ lộ: “Các anh là khách đặc biệt nên mới được đi theo đặt bẫy ảnh. Bình thường những tổ công tác của chúng tôi cũng giữ bí mật với nhau huống hồ là người ngoài”. Cũng theo Đến, người lạ muốn đặt một chân vào đây phải qua “ba tầng” bảo vệ là kiểm lâm, an ninh và lực lượng biên phòng. Đến lưu lại các thông số máy xong rồi trao máy lại cho anh Lê Ka Thắng và anh Đặng Thi để đi vào tọa độ đã đánh dấu sẵn trên bản đồ.

Rừng sâu, trời càng về chiều gió lạnh nghiến vào thịt buốt giá. Anh Thắng và Thi vẫn bước đi đều đều trong dòng nước suối tê tái. Thắng bất ngờ khựng lại bên vạt dương xỉ với dấu móng chân thú còn mới: “Chắc tụi sơn dương mới đi ăn đây”. Hai anh liền ngược mạn lên trên một khe suối nhỏ, dốc dựng “bờm ngựa”, đầu gối chạm tới mặt. Một vạt môn thục đã bị ăn sát xuống đất. Sau một hồi quan sát, hai anh chọn một thân cây vừa phải, thuần thục lắp máy ảnh và buộc vào cây. Mưa rừng xối xả, anh Thi gạt nước mưa nói: “Loại máy ảnh này đã tinh gọn hơn rất nhiều. Trước kia mỗi chiếc máy ảnh nặng 3kg, cộng thêm dây xích để bảo vệ máy nữa cũng 4-5kg. Mỗi chuyến băng rừng già mà gùi chừng nớ là mệt đứt hơi”.

Chiếc máy ảnh được cố định, Thắng và Thi bật nguồn chế độ chụp tự động, máy định vị GPS cũng được cài thông số. Anh Thi tiết lộ: “Máy ảnh do nước ngoài sản xuất, pin máy dùng được hai tháng. Cơ chế hoạt động của máy cũng rất đặc biệt, chỉ cần loài động vật có máu đi qua (kể cả người) thì máy sẽ tự chụp ảnh lại với tốc độ 10 giây một lần”. Với chiếc máy ảnh chỉ to bằng bàn tay này, thông thường hai tháng mới thay pin một lần. Đồng thời thẻ nhớ của máy cũng sẽ được thu về. Một quy trình rất chặt chẽ, thẻ nhớ được niêm phong và sẽ được các chuyên gia WWF “giải mã” sau. Theo lý thì hai tháng mới thay pin cho máy ảnh, nhưng nhiều bận khi mở máy ảnh ra thay vì thu được hình thú thì đó lại là hình người đang... phá máy. “Đồng bào đi rừng vô tình thấy máy ảnh, nghĩ máy chụp lại mình không tốt nên phá đi” - anh Thi chia sẻ. Vì thế, các anh phải thường xuyên thăm nom “đứa con” của mình.

Bóng đêm sầm sập xuống, lạnh cứa da. Hai cán bộ kiểm lâm vẫn cố nán lại, lân la quanh “tọa độ” vạt môn thục bị ăn. Những con vắt háu ăn búng lên bần bật bám đầy cánh tay. Hai anh khéo léo túm lấy rồi bỏ chúng vào một cái hộp nhựa có chứa dung dịch. Anh Thi giải thích: “Vắt hút máu động vật, trong đó có sao la. Bắt vắt khi chúng mới bám lên người chưa kịp hút máu mình. Các mẫu vắt này được ngâm trong hóa chất và sẽ đưa sang Đức hoặc Trung Quốc để xét nghiệm. Nếu trong máu chúng có dấu vết sao la thì khu vực đó sẽ được đánh dấu đỏ”. Một loáng sau, hơn 60 con vắt đã được thu thập.

Về đến trại, ngay lập tức bên bếp lửa phập phù ánh sáng, Đến nhận toàn bộ số vắt, ghi số mẫu, ngày lấy, tọa độ... và niêm phong cẩn thận. Một cuốn sổ khác ken kín những con số của máy GPS, thời gian, “tọa độ” của máy ảnh cũng được mã hóa bằng ký hiệu. “Ở rừng có thể thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu ấm nhưng công việc phải luôn chính xác, đúng tiến độ” - chàng trai chuyên gia WWF ngoài đôi mươi tâm sự.

___________________

Nhiều năm sống và làm việc lặng lẽ giữa Trường Sơn, họ được gọi là “già làng”. Thi thoảng lại gặp những vạt môn bị ăn dấu vết còn mới, họ lại nhen nhóm tia hi vọng thấy được sao la hay bẫy được ảnh chúng.

Kỳ tới: Nếm mật nằm gai giữa Trường Sơn

ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên