06/10/2021 19:16 GMT+7

Đi lại giữa TP.HCM và 4 tỉnh: Đồng Nai chưa cho người lao động đi làm bằng xe cá nhân

SƠN ĐỊNH - ĐỨC PHÚ
SƠN ĐỊNH - ĐỨC PHÚ

TTO - Ngày 6-10, góp ý về phương án tổ chức cho người lao động đi lại giữa TP.HCM và 4 tỉnh lân cận, UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất sử dụng ôtô để vận chuyển, còn phương án cho người lao động đi lại bằng xe cá nhân thì chưa thực hiện.

Đi lại giữa TP.HCM và 4 tỉnh: Đồng Nai chưa cho người lao động đi làm bằng xe cá nhân - Ảnh 1.

Kiểm tra người dân qua lại tại chốt cầu Vĩnh Bình giáp ranh TP.HCM - Bình Dương sáng 5-10 - Ảnh: LÊ PHAN

Theo văn bản góp ý về phương án đi lại gửi TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết hiện tỉnh đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 và tiếp tục thực hiện các biện pháp để từng bước phục hồi hoạt động kinh tế, đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.

UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất phương án tổ chức cho người lao động đi lại giữa TP.HCM và tỉnh này bằng xe ôtô (xe đưa đón), đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với phương án sử dụng xe cá nhân (ôtô, môtô, xe gắn máy), đề nghị UBND TP thống nhất thực hiện khi Đồng Nai trở lại trạng thái bình thường mới. Tỉnh Đồng Nai sẽ có văn bản thông báo đến TP.HCM khi chuyển sang tình trạng bình thường mới.

Theo phương án mà TP gửi lấy ý kiến 4 tỉnh, đối tượng vận chuyển là công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn TP và ngược lại.

Hai phương thức đi lại được đưa ra để lấy ý kiến là sử dụng xe ôtô và cho người lao động chạy xe cá nhân (ôtô, môtô, xe máy) đi làm khi đáp ứng các điều kiện. Cụ thể, các điều kiện gồm: là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vắc xin COVID-19 ít nhất 1 mũi sau 14 ngày, có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính, định kỳ 7 ngày/lần.

Trước đó, UBND tỉnh Long An cũng đã có văn bản thống nhất với phương án dự thảo nêu và đề nghị bỏ giấy nhận diện theo mẫu, chỉ cần nhận diện bằng văn bản để bớt thủ tục doanh nghiệp.

UBND tỉnh Bình Dương cũng đồng ý với dự thảo về việc cho phép đưa đón chuyên gia, người lao động đi lại làm việc liên tỉnh. Với phương án đưa đón chuyên gia, người lao động liên tỉnh bằng ôtô, tỉnh Bình Dương thống nhất điều kiện của người ngồi trên xe đưa đón là người đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và có giấy xét nghiệm âm tính 7 ngày/1 lần như phương án UBND TP.HCM đưa ra. Với người mới tiêm 1 mũi vắc xin sau 14 ngày thì phải có giấy xét nghiệm âm tính 7 ngày/2 lần (tăng 1 lần xét nghiệm so với phương án đề xuất của TP.HCM).

Đối với người lao động đi lại liên tỉnh giữa TP.HCM - Bình Dương bằng xe cá nhân, UBND tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị chỉ cho phép người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin và có giấy xét nghiệm âm tính định kỳ 7 ngày/2 lần lưu thông (thay vì phương án TP.HCM đưa ra là bao gồm cả người đã tiêm 1 mũi sau 14 ngày và xét nghiệm 7 ngày/1 lần).

Còn sáng 6-10, giám đốc Sở Giao thông vận tải Tây Ninh Nguyễn Tấn Tài cho biết đã có văn bản phản hồi cơ quan chức năng TP.HCM về dự thảo phương án tổ chức giao thông giữa TP.HCM và 4 tỉnh.

Ông Tài cho hay Tây Ninh cơ bản thống nhất với dự thảo về phương án đi lại liên tỉnh, chỉ góp ý đề nghị thời hiệu tiêm mũi 1 vắc xin dài 21 ngày (thay vì 14 ngày) và giấy xét nghiệm có hiệu lực 72 giờ thay vì 7 ngày như phương án mà dự thảo đặt ra.

NÓNG: TP.HCM gửi phương án đi lại tới 4 tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh NÓNG: TP.HCM gửi phương án đi lại tới 4 tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh

TTO - Sau khi Sở Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp với các sở giao thông vận tải 4 tỉnh lân cận hoàn chỉnh phương án tạo điều kiện cho người lao động đi lại, UBND TP.HCM đã gửi phương án này đến UBND 4 tỉnh để xem xét thống nhất.

SƠN ĐỊNH - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên