Giờ học quá sớm khiến học sinh đến trường vẫn ngái ngủ - Ảnh: TỰ TRUNG
Vừa đi học vừa ngủ gật
Bạn đọc Khôi Nguyên kể lại rằng, không ít lần trên đường đi làm, bắt gặp rất nhiều hình ảnh trẻ ngồi sau xe phụ huynh chở đi học mà ngủ gà ngủ gật. Nhìn cảnh đó rất tội các em và hết sức ái ngại. Có khả năng cao các em bị ngã xuống đường, tai nạn sẽ đến.
Sở dĩ có hình ảnh đáng thương như vậy, đa phần bạn đọc cho rằng, do hiện nay các em học sinh đang phải đi học quá sớm. "Con tôi bắt đầu học từ 6 giờ sáng, xong chương trình ở trường là 5 giờ chiều. Về ăn cơm tắm rửa xong là bò ra học bài đến tận 11-12 giờ đêm. Học như vậy thì liệu có kết quả tốt không?", bạn đọc Van Dang kể và đặt vấn đề.
Hơn nữa, khi đến trường, đa phần các em học sinh, nhất là mẫu giáo, cấp 1 và cấp 2, khi bước vào tiết học đầu vẫn còn lờ đờ, ngái ngủ, thậm chí có những cháu ngủ gật, lăn cả xuống đất. Một giáo viên bậc tiểu học đã kể lại những tình huống trên và thừa nhận, đầu giờ học các cháu rất khó tiếp thu bài vở vì còn ngái ngủ.
Đồng quan điểm với đa số phụ huynh là hiện nay giờ nhập học của các con đang quá bất hợp lý, không có khoa học và phản giáo dục, bạn đọc NhungPhan bày tỏ: Mình cũng có con năm nay học lớp 9, giờ vào học cũng là 6h45.
Buổi chiều con còn phải học phụ đạo do cuối cấp. Chiều về ăn cơm, vệ sinh cá nhân xong rồi học bài cho ngày mai, đêm nào cháu cũng thức khuya đến 12h hoặc 1h đêm. Con ngủ ít quá mà đang tuổi dậy thì nên ảnh hưởng sức khỏe lắm luôn. Mụn không giảm nè, không tăng trưởng chiều cao nè…, thấp bé nhẹ cân mãi thôi!
"Hủy hoại sức khỏe con, hủy hoại tương lai. Rồi đến lớp học được gì? Hay ngồi cho hết giờ để đi học thêm. Cách giáo dục này không tốt cho thế hệ trẻ, không tốt cho tương lai đất nước. Ở các nước tiên tiến, trẻ nhỏ đến trường chơi vui là chính, rèn luyện kỹ năng, sức khỏe và rồi học nặng ở cuối cấp 3 và đại học", bạn đọc Tran Van Manh bức xúc, nêu.
Phải thay đổi giờ học
Hình ảnh các học sinh không kịp ăn sáng ở nhà, mà vội vã ngồi ăn ở gốc cây ngoài cổng trường - Ảnh: NHƯ HÙNG
Nhiều bậc phụ huynh cũng đã phản hồi trên báo Tuổi Trẻ Online rằng, chính việc bắt học sinh đi học quá sớm và tan trường quá muộn như hiện nay, dường như chúng ta đang "cướp đi" tuổi thơ của các cháu.
Như bạn đọc Giang nêu quan điểm: Bất cứ lý do gì cũng không thể chấp nhận việc rút kiệt sức học sinh. Đi học để có kiến thức, chứ không phải lao động khổ sai. Một ngày các con phải học hai buổi rồi học thêm rồi bài tập về nhà… Giáo dục gì mà điên rồ vậy?
Bạn đọc có nick name Người Lái Đò: Sai thì phải sửa lại cho khoa học
Thật nực cười cho những lý do điều chỉnh giờ học của học sinh mà hai hiệu trưởng đưa ra như trong bài báo nêu - chủ yếu do kẹt xe, tiện cho một số phụ huynh tới sở làm.
Một quyết định ảnh hưởng lớn (tất cả học sinh, phụ huynh, giáo viên, hậu cần), lâu dài (ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm này qua năm khác), trên diện rộng (từ mầm non lên THCS) mà chỉ dựa trên một vài lý do hết sức hời hợt như trên. Điều này đi trái lại với tự nhiên (chu kỳ sinh học của trẻ) và phương pháp giáo dục (lấy sinh viên làm trung tâm - Student Centered Approach).
Muốn đổi giờ sinh hoạt của học sinh thì trước tiên chúng ta cần dựa vào học sinh, ít nhất cũng có những căn cứ phù hợp, có thể là khoa học như chu kỳ sinh học của cơ thể như ý của BS Trương Hữu Khanh nêu trong bài và nhiều yếu tố khác một cách nghiêm túc.
Nếu sai thì cần sửa, đừng mang con em chúng ta ra hành hạ bằng những quyết định vô trách nhiệm, thiển cận (thiếu khoa học), thiếu giáo dục (phương pháp) ngay trong môi trường giáo dục từ những buổi ấu thơ.
"Mà nhìn xem kết quả học sinh, sinh viên giờ ra đời kiến thức rất hời hợt, thua xa những ông già như chúng tôi! Đó là sự thật, tôi không nói quá đâu! Vậy mục đích của chính sách đề ra cách giáo dục này là gì? Xã hội đã quá rõ. Hãy thẳng thắn nhìn nhận đi mọi người ơi và phải có thay đổi thôi, đừng hành hạ trẻ con nữa", bác Giang kêu gọi.
So sánh với các nước, rất nhiều bạn đọc có dịp đi công tác nước ngoài đều thấy việc học của học sinh tại đây như "chơi mà học, học mà chơi". Bạn đọc Đức Nguyên kể: Tôi có cơ hội đi đó đây, nói Việt Nam khác biệt thì đúng là có những điều thế giới không làm vậy nhưng Việt Nam lại làm.
"Cấp 1, 2, 3 tôi chưa thấy thế giới áp giờ học vào lúc 7h00 làm gì. Ở phương Tây, 8h30 hoặc 9h00 mới là giờ đi học của học sinh. Cái gì thu tiền thì chúng ta nói học phương Tây nhưng chẳng bao giờ cái lợi cho dân, cho học sinh thì học theo phương Tây cả", bạn đọc Đức Nguyên nêu.
Lấy ngay trường hợp của mình ra làm ví dụ, bạn đọc có nick name 2 Cens cho biết con bạn hồi học bên Brisbane, Úc, lịch học của các cháu là 9h00 sáng - 3h00 chiều. Còn ở TP.HCM cũng như hầu hết các nơi hiện nay, giờ đến trường là 6h45 sáng đến 5h00 chiều. Quá bất cập!
Và không cần nhìn đâu xa, bạn đọc Định Trúc nói: Ngay tại các thành phố lớn của nước ta, các trường tư thục, nước ngoài cho các cháu đến trường trễ hơn trường công, có trường còn cho đón sớm mà vẫn đảm bảo lịch học.
"Trường công nên học tập các trường quốc tế, tư thục khi họ đã quy định giờ học từ 8h00 đến 8h30. Hồi trước các bác cứ phải đi nước ngoài để học hỏi, giờ nước ngoài họ đem (mô hình giáo dục ở các nước - PV) về tới Việt Nam lại không chịu học hỏi. Thậm chí còn coi mình tiến bộ hơn!?", bạn đọc Quốc Kiệt, đồng quan điểm, bày tỏ.
Và bạn đọc Cao Đức Thiện mong mỏi: Các nhà giáo dục nên lắng nghe ý kiến thấu đáo này. Trẻ con cần ngủ đủ để phát triển toàn diện!
"Tha thiết đề nghị lãnh đạo TP.HCM và Sở Giáo dục và Đào tạo TP thay đổi giờ vào học như hiện nay - lúc 6h45. Bởi các cháu một đêm ngủ được 6 tiếng không đủ sức khỏe để học bài, không có thời gian vui chơi", bạn đọc Lê Hoài Nam mong mỏi.
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ điều đề gì thêm? Theo bạn, có nên điều chỉnh giờ vào học và tan trường hiện nay và cần điều chỉnh như thế nào cho khoa học và thích hợp?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận