30/09/2021 17:04 GMT+7

Đề xuất tạm thời ‘bỏ trần’ giờ làm thêm tháng, tăng giờ làm thêm năm

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất không áp dụng giới hạn giờ làm thêm mỗi tháng (40 giờ) và tăng tối đa thời gian làm thêm lên 300 giờ/năm là cần thiết nhưng chỉ nên áp dụng trong ngắn hạn.

Đề xuất tạm thời ‘bỏ trần’ giờ làm thêm tháng, tăng giờ làm thêm năm - Ảnh 1.

Nhiều công ty sản xuất cầm chừng do thiếu hụt nhân lực và vật lực - Ảnh: HÀ QUÂN

"Bỏ trần" giờ làm thêm một số ngành nghề

Hiện Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đang tiến hành tổng hợp ý kiến của nhiều bên liên quan, nhất là các hiệp hội, doanh nghiệp với đề xuất cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng. Trên cơ sở thu thập ý kiến, Bộ sẽ nghiên cứu, báo cáo, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo hướng xử lý cá biệt, áp dụng một số lĩnh vực, ngành nghề thực sự cần thiết trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. 

Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là không áp dụng trên phạm vi tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và phạm vi cả nước.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2021 sáng 26-9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ mỗi tháng, không vượt quá 300 giờ/năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), suốt 2 tháng qua, có đến 70% nhà máy chế biến thủy sản phải ngừng sản xuất và khoảng 30% nhà máy sản xuất cầm chừng theo phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" do nhiều tỉnh thành thực hiện chỉ thị 16. 

Từ đó, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bị mất khách hàng do không cung cấp đủ đơn đặt hàng cho khách hàng. Do vậy, VASEP đề nghị sớm bỏ quy định trần số giờ làm thêm trong 1 tháng, tăng khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm từ 300 giờ lên 400 giờ không phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất để đảm bảo bù đắp thiếu hụt lao động trầm trọng vì dịch COVID-19 gây ra. 

Tăng năng suất thay vì tăng giờ làm

Đề xuất tạm thời ‘bỏ trần’ giờ làm thêm tháng, tăng giờ làm thêm năm - Ảnh 2.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc cho phép điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng không vượt quá 300 giờ/năm rất cần thiết với mục tiêu khôi phục sản xuất kinh doanh - Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho rằng do đại dịch COVID-19, người lao động rất khó khăn nên đã phải nhận hỗ trợ từ Nhà nước hay mới đây là gói 30.000 tỉ trích từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

"Chủ sử dụng lao động phải áp dụng các biện pháp, giảm lợi nhuận để tăng tiền lương, phụ cấp làm thêm giờ cho người lao động để họ có điều kiện bồi bổ sức khỏe, tạo cơ hội làm việc, thúc đẩy năng suất lao động. Người lao động cũng cần chia sẻ với người sử dụng lao động", ông Lợi nhấn mạnh.

Ông Lợi cho biết thêm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến khích kéo dài thời gian làm thêm nhưng phải đảm bảo phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vì nếu người lao động tăng thu nhập mà ảnh hưởng sức khỏe thì không có ý nghĩa.

"Việt Nam tham gia ký kết các công ước quốc tế thì phải tuân thủ tiêu chuẩn lao động quốc tế nhưng có thể xem xét trong hoàn cảnh nhất định. Tuy vậy, tiền lương làm thêm của người lao động phải cao hơn, cao hơn rất nhiều so với mức lương tiêu chuẩn. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần chú trọng biện pháp tăng năng suất lao động hơn là tăng thời gian lao động", ông Lợi nói.

Chỉ là giải pháp tạm thời 

Trong khi đó, ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - nhận định việc mở rộng giới hạn giờ làm thêm trong tháng, trong năm là một giải pháp tạm thời, trong thời gian ngắn. Do đó, Công đoàn Việt Nam đề nghị chỉ nên quy định thời gian thực hiện trong 2 năm từ ngày 1-1-2022 đến hết ngày 31-12-2023. 

Theo tính toán của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tổng số giờ làm thêm của người lao động mỗi tháng có thể lên tới 104 giờ, gấp 2,5 lần so với hiện hành nếu đề xuất "bỏ trần" 40 giờ làm thêm mỗi tháng được áp dụng. 

Bộ luật lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động được sử dụng lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như có sự đồng ý của người lao động, bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong ngày. 

Số giờ làm thêm không quá 40 giờ/tháng, tổng số giờ làm thêm không quá 200 giờ/năm. Một số ngành nghề sản xuất hàng hóa được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm như sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản...

Lao động 15-18 tuổi được làm thêm giờ: Làm sao đảm bảo quyền lợi? Lao động 15-18 tuổi được làm thêm giờ: Làm sao đảm bảo quyền lợi?

TTO - Lao động 15-18 tuổi được làm ban đêm, thêm giờ ở nhiều ngành nghề. Danh mục nghề này đang được đề xuất thêm, lực lượng trẻ này sẽ bù vào thiếu hụt nhân công địa phương. Làm thế nào để đảm bảo quyền lợi cho nguồn nhân lực này?

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên