Em Long (15 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM) bên quầy nước trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM để phụ giúp ba mẹ - Ảnh: HOÀNG AN
Tuổi Trẻ giới thiệu 3 ý kiến bạn đọc về vấn đề này.
* Ông Bùi Đức Nhưỡng (phó cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - thương binh và xã hội):
Làm thêm giúp đỡ gia đình là chính đáng
Ngoài 6 nhóm ngành nghề, công việc được Bộ Lao động - thương binh và xã hội dự kiến đưa vào danh mục công việc lao động từ 15-18 tuổi được làm thêm giờ, được làm ban đêm, nhiều địa phương, bộ ngành tiếp tục đề nghị bổ sung thêm. Đây hầu hết là những công việc nhẹ nhàng, không ảnh hưởng tới sự phát triển thể lực, trí lực của người chưa thành niên.
Thanh niên trưởng thành sẽ đến các đô thị lớn, các khu công nghiệp để làm việc. Ở nhà, những người 15-18 tuổi vừa học vừa làm giúp gia đình. Thực tế cuộc sống vậy, việc ban hành thêm quy định để quản lý cho chặt chẽ, tránh tình trạng lạm dụng lao động chưa thành niên.
Danh mục này do các địa phương đề xuất theo tình hình thực tế. Chẳng hạn tỉnh Tây Ninh đề xuất cho lao động chưa thành niên làm thêm ngành may mặc, da giày. TP Đà Nẵng xuất phát từ thực tế làng chiếu Cẩm Nê đã đề xuất cho làm thêm trong nghề đan lát, đan chiếu, làm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói; làng nghề làm bánh tráng Túy Loan, làm nước mắm Nam Ô. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất cho làm thêm ở các môi trường công việc bán tự động, mức tổn hao năng lượng thấp...
Nhiều địa phương muốn kéo dài thời gian làm việc với lao động từ 15-18 tuổi (vượt quá 8 giờ/ngày hoặc 40 giờ/tuần). Không ít lao động từ 15-18 tuổi đã nghỉ học có nhu cầu vừa làm, vừa học nghề. Sắp tới, bộ sẽ ban hành thêm nghị định hướng dẫn Bộ luật lao động liên quan tới thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của lao động, trong đó có quy định cụ thể đối với lao động từ 15-18 tuổi. Lao động 15-18 tuổi có thể làm thêm, nhưng không thể làm thêm nhiều giờ như lao động đã trưởng thành, có thể chỉ từ 100-200 giờ/năm.
Danh mục công việc lao động 15-18 tuổi được làm thêm chỉ thuần túy quy định nghề nào, việc nào được làm thêm. Cụ thể hơn sẽ có quy định khác. Điều kiện thuê lao động dưới 15 tuổi, từ 15-18 tuổi đang được Cục Trẻ em xây dựng.
* Bạn đọc CẨM PHÔ (Quảng Nam):
Tay nghề quan trọng hơn thu nhập
Có không ít người đến 23-24 tuổi, tốt nghiệp đại học, chưa từng phải đi làm để kiếm tiền, vẫn đang lúng túng không thể tìm được một việc làm đủ sống. Trong khi đó, không ít người đã phải bắt đầu đi làm kiếm tiền giúp gia đình từ khi 15-16 tuổi.
Sự đối nghịch này là những mảng màu trong bức tranh nhân lực xã hội. Hoàn cảnh và sự lựa chọn của họ khác nhau nhưng điểm chung là hầu hết họ chưa có nghề nào thành thạo. Việt Nam là một trong số các quốc gia có nguồn lao động phổ thông rẻ nhưng tay nghề yếu, thiếu sức cạnh tranh.
Những người đi làm kiếm tiền khi chưa 18 tuổi, họ là ai, họ cần gì? Đó là những người trẻ phải kiếm tiền góp phần nuôi sống gia đình, đó là những học sinh học hành dang dở do hoàn cảnh hoặc do không muốn hoặc không thể học chữ nữa. Họ đi làm thuê. Tiền thu nhập quan trọng trước mắt với gia đình họ nhưng về lâu dài họ cần điều khác hơn. Đó là một nghề, một hướng đi cho cuộc đời.
Trẻ đi làm sớm cũng là cơ hội tiếp cận nghề nghiệp sớm. Đó có thể là một nghề có thể phát triển ở địa phương hoặc có thể phát triển trong tương lai, trẻ có thể vừa làm vừa học, vừa có tiền vừa có nghề. Đi làm sớm để có thể lựa chọn một công việc phù hợp với khả năng của họ thay vì chỉ đơn giản là làm thuê, ăn lương theo sản phẩm hoặc công nhật.
Cùng với những quy định mới lần này, tôi nghĩ cần có những chính sách quy định rõ hơn, ràng buộc trách nhiệm người sử dụng lao động vị thành niên (thông qua việc phải ký hợp đồng thỏa thuận với người thân, người giám hộ) kèm những quyền lợi cho trẻ (như bảo hiểm y tế chẳng hạn). Chính quyền địa phương có thể quản lý tốt việc thuê mướn nhân công 15-18 tuổi, giám sát việc sử dụng nguồn nhân lực dễ thiệt thòi này.
* Bạn đọc THU GIANG (Đồng Tháp):
Đừng quên quyền học hành của trẻ
Ở nông thôn, không ít trẻ em tầm 12-16 tuổi còn tham gia cùng với cha mẹ đan lục bình, đan thảm, may bóng... để kiếm thêm thu nhập. Cũng không hiếm trường hợp các em nhỏ đi phụ việc, làm thuê. Cứ có ai chấp nhận thuê thì làm.
Một khi quy định này đi vào thực hiện, không thể không đặt ra vấn đề: làm thế nào để không biến việc khuyến khích trẻ em tham gia lao động thành chuyện trẻ phải làm việc quá sức, quá giờ? Một khi pháp luật đã công nhận việc này thì khả năng có xung đột giữa quyền lao động với quyền được học hành của trẻ em.
Nhiều trẻ đi làm nhiều rồi bỏ học. Đặc biệt là ở các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nguy cơ trẻ em bị động viên nghỉ học để trở thành lao động chính phụ giúp cha mẹ là chuyện có thể xảy ra nhiều hơn. Trẻ có thể buộc phải từ bỏ học hành để kiếm tiền nuôi người lớn, thậm chí bị "chăn dắt" đi kiếm tiền.
Công nhận quyền được lao động của trẻ em là đúng. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ quyền được học hành của trẻ em vẫn là tối thượng vì tuổi này là tuổi học hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận