Đặt khu xử lý chất thải rắn quốc gia ở đâu cho hợp lý?
Ngày 11-10, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ lần thứ 2 tại Đà Nẵng, với chủ đề quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đáng chú ý trong dự thảo này có nội dung quy hoạch cần lấy ý kiến, đề xuất một khu xử lý chất thải rắn cấp quốc gia tại tỉnh Quảng Nam và 3 khu xử lý chất thải rắn cấp vùng đặt tại Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và một địa phương khác.
Tuy nhiên đề xuất vừa đưa ra lấy ý kiến đã vấp phải sự phản đối từ các tỉnh, thành. Không chỉ là của địa phương có quy hoạch bãi xử lý, mà còn các nơi khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết quan điểm của tỉnh là không thống nhất với đề xuất này.
Theo ông Thanh, tỉnh cũng hiểu là cần có những công trình mang tính liên kết vùng. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy các địa phương có thể xác định được mỗi tỉnh có một khu xử lý chất thải rắn phù hợp với nhu cầu phát triển hiện nay và quy hoạch phát triển các loại ngành của tỉnh mình.
Từ đó có sự lựa chọn phù hợp về công suất, công nghệ xử lý chất thải.
"Việc hình thành một điểm xử lý chất thải rắn quốc gia theo tôi chưa phù hợp. Vì đặt trường hợp khi xảy ra sự cố ở khu xử lý chất thải rắn quốc gia sẽ ảnh hưởng đến tất cả các địa phương khác. Cho nên việc này tôi cho rằng nên phân tán ra" - ông Thanh nói.
Tương tự, ông Đỗ Minh Tuấn, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cũng cho rằng cần xem xét lại đề xuất này.
Bởi có những điểm chưa hợp lý, đặc biệt là vấn đề phát sinh chi phí. "Tôi lấy ví dụ như đề xuất thì chúng tôi muốn xử lý chất thải thì xe phải chạy hơn 400 cây số đi vào bãi. Chi phí xử lý chất thải, chi phí xe cộ liệu có hợp lý không?" - ông Tuấn nêu băn khoăn.
Có cái tốt nhưng cũng nhiều hạn chế lớn
Nhiều đại biểu cho rằng mỗi địa phương cần có quy hoạch trong vấn đề quản lý chất thải. Đặc biệt là cần chủ động trong công suất, lựa chọn công nghệ phù hợp cho từng giai đoạn.
Trường hợp xảy ra sự cố như vừa qua tại các tỉnh thì vẫn khu trú xử lý từng địa phương, mà không ảnh hưởng đến nơi khác.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần phải nghiên cứu thêm trước khi hình thành các khu xử lý chất thải rắn.
Bởi khi bàn đến liên kết vùng thường gặp khó vì địa phương nào cũng muốn đưa bệnh viện, trường về tỉnh mình, nhưng khu xử lý chất thải thì không ai dám nhận cả.
"Chúng tôi đề nghị các đơn vị tư vấn nghiên cứu thêm. Có lẽ làm theo hướng cục bộ, chứ chưa chắc phải làm tập trung. Việc xử lý tập trung đương nhiên có những mặt hiệu quả, có cái tốt, nhưng cũng có những mặt hạn chế lớn" - ông Dũng nói.
Định hướng khu xử lý chất thải rắn cấp quốc gia hoạt động thế nào?
Về định hướng quy mô phục vụ thì khu xử lý chất thải cấp quốc gia có phạm vi thu gom, tiếp nhận, xử lý trên toàn quốc đối với chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường và xử lý luôn các loại chất thải rắn khác trong tỉnh.
Tương tự, khu xử lý chất thải cấp vùng thì xử lý trong vùng (gồm 14 tỉnh) đối với chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường và xử lý luôn các loại chất thải rắn khác trong tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận