22/11/2013 09:07 GMT+7

Để "tiếng nước tôi" vang mãi nơi xa...

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TT - Là người hoạt động tư vấn giáo dục và có quá trình gắn bó với việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài, tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm “Câu lạc bộ đọc sách cùng con”, chia sẻ với Tuổi Trẻ một số vấn đề xung quanh việc gìn giữ tiếng Việt nơi xứ người.

2HRiHc2O.jpgPhóng to
Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh (hàng đứng, thứ hai từ trái) sinh hoạt với trẻ học tiếng Việt tại trại hè “Vui cùng tiếng Việt” ở Ba Lan - Ảnh: Tư liệu

* Thưa tiến sĩ (TS), là người từng sống lâu năm ở nước ngoài, TS cảm nhận nhu cầu cần có những trường lớp dạy tiếng Việt ra sao? Nó quan trọng và mang ý nghĩa như thế nào đối với kiều bào VN và các thế hệ con em gốc Việt sinh ra và lớn lên tại xứ người?

- Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh: Tôi nghĩ ở đây không phải chỉ là câu chuyện ngôn ngữ mà là vấn đề văn hóa và tâm lý cộng đồng. Những trường lớp tiếng Việt ở nước ngoài có nhiệm vụ cho thế hệ trẻ Việt Nam ở đó những cảm nhận tinh tế về nguồn cội, nhận thức về những giá trị lớn lao mà con người có thể nhận được từ gia đình, quê hương mà ngôn ngữ chỉ là một khía cạnh. Đây cũng là một kênh giao tiếp kéo gần những cá nhân trong cộng đồng, giúp bố mẹ duy trì được mối liên hệ tinh thần với con cái, những bạn trẻ tiếp nhận văn hóa bản xứ từ nhỏ.

Cho dù thế giới có “phẳng” và chúng ta tích cực xây dựng khái niệm “công dân thế giới” thế nào đi chăng nữa thì một con người vẫn sẽ sống vững vàng và hạnh phúc hơn khi hiểu biết về nguồn gốc, quê hương mình.

* Là người từng sống lâu năm ở Nga và gắn bó một số hoạt động của các trường dạy tiếng Việt ở châu Âu, TS nhận định gì về quá trình hình thành và phát triển của các trường dạy tiếng Việt này?

- Để duy trì được hoạt động dạy và học tiếng Việt trong môi trường các nước bản xứ là một việc không đơn giản. Các thầy cô giáo đều phải đối mặt với chuyện mưu sinh hằng ngày nhưng vẫn đều đặn đến trường giảng dạy cho các em.

Tôi thấy vui vì họ là những người lãng mạn, tâm huyết, yêu trẻ và yêu tiếng nước mình. Giữa bao điều khó như chuyện sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy... còn có cái khó của việc tạo động lực học cho những đứa trẻ sinh ra ở xứ người bởi “tiếng mẹ đẻ” của trẻ là tiếng bản xứ nên trẻ không thật sự có nhu cầu tự thân trong việc sử dụng tiếng Việt.

Bên cạnh đó cũng còn không ít ý kiến ngược chiều, không ủng hộ. Cái khó ở lòng người là cái khó lớn hơn cả. Vì vậy, những người gìn giữ tiếng Việt nơi xứ người nếu không tâm huyết và không say mê và không có chút lãng mạn thì không kiên trì được như vậy.

vQZaqU3n.jpgPhóng to
Cô giáo Lan Anh và các học trò 5 tuổi Trường tiếng Việt Lạc Long Quân (Warsaw) kết tóc cho nhau sau giờ học tiếng Việt - Ảnh: Tr.N.

* Có những trường tiếng Việt ở xứ người đã tồn tại và phát triển thời gian dài (10-15 năm...) dù rất khó khăn, liệu chỉ nhờ vào sự say mê và lãng mạn của những thầy cô ở đó?

- Tôi lấy ví dụ về Trường tiếng Việt Lạc Long Quân ở Ba Lan (Tuổi Trẻ ngày 19-11) - chẳng những tồn tại một cơ sở mà nay còn mở rộng được thêm chi nhánh - thật sự rất đáng khâm phục. Tôi nghĩ đó là nhờ sự kiên trì và vững tin của những người đứng đầu.

Bên cạnh điều đó còn cần một cách nghĩ luôn đổi mới, đi từ sự nhiệt tình đến sự chuyên nghiệp, sao cho các hoạt động ngày càng có chất lượng hơn. Như tôi đã nói, để trẻ sinh ra ở nước ngoài thích học tiếng Việt là một việc không dễ chút nào. Trẻ phải thấy hay, thấy vui, thấy muốn học chứ không phải học vì người lớn muốn.

Thêm vào đó, kể cả những bạn nhỏ chưa bao giờ từng học tiếng Việt, chưa biết tiếng Việt thì cũng nên được lôi cuốn vào các hoạt động của trường bằng một hình thức nào đó. Trường không nên chỉ chăm chăm dạy tiếng mà còn nên là địa chỉ văn hóa của trẻ em cộng đồng.

Việc tổ chức trại hè tiếng Việt chính là một hình thức tạo động lực học tiếng Việt rất tốt dành cho thế hệ trẻ VN sinh ra ở nước ngoài mà tôi được may mắn tham gia. Chúng tôi cố gắng đưa vào các hoạt động của trại phương pháp tiếp cận hiện đại, nội dung phong phú, lôi cuốn không chỉ trẻ gốc Việt mà còn cả trẻ em bản xứ.

Nếu ai đó từng đến trại hè đều sẽ cảm nhận được sự cố gắng này. Và hẳn các bạn nhỏ của chúng ta là người rõ nhất vì các em đã lưu giữ được những niềm vui. Niềm vui có được từ ngôn ngữ tiếng Việt vốn không dễ học nhưng thú vị và thân thương.

Tôi nhớ ở trại hè “Vui cùng tiếng Việt” năm 2013 tại Warsaw (Ba Lan), các bạn nhỏ say sưa hát bài hát về tiếng Việt vui mà tôi “đặt hàng” riêng nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm viết cho trại hè: “Dấu sắc mà trèo lên cao... Dấu hỏi cong như tai mình... Ồ tiếng Việt vui vui!”.

Trại hè còn được nhiều nhân vật hoạt động xã hội trong cộng đồng đóng góp tâm sức. Tôi nghĩ đây là một hoạt động đáng tham khảo và nên được tổ chức ở các nước khác. Trên thực tế, sau hai mùa trại tổ chức ở Ba Lan, tôi nhận được rất nhiều thư hỏi kinh nghiệm và đề nghị chia sẻ phương pháp từ các kiều bào ở Đức, Nhật, Pháp, Romania...

Tôi cho rằng nếu kết nối được các nguồn lực từ thầy cô giáo, các phụ huynh nhiệt tình, những nhà hoạt động xã hội, các bạn sinh viên năng nổ, các doanh nghiệp... thì câu chuyện giữ gìn tiếng Việt ở xứ người sẽ là một câu chuyện thú vị dài lâu.

* Theo TS, để các thế hệ trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên tại xứ người luôn nghĩ về ngôn ngữ cội nguồn thân thương, việc gìn giữ tiếng Việt nơi xứ người hôm nay cần mô hình như thế nào?

- Tôi nghĩ mỗi mô hình trường học phải phù hợp với đặc điểm dân cư và nhu cầu của cộng đồng tại xứ người. Mô hình trại hè cũng vậy - cần được tổ chức có tính chuyên môn cao, chuyên nghiệp và chu đáo, nếu không sẽ cho kết quả ngược lại. Tôi mong các thầy cô có đủ sức lực, tâm huyết để không ngừng nghỉ về việc dạy tiếng Việt ở nước ngoài.

Thêm nữa, tôi nghĩ đến việc đề xuất với các cơ quan chức năng hoặc những doanh nghiệp quan tâm đến việc này cùng chung tay hỗ trợ những ngôi trường ở nước ngoài. Khi trực tiếp tham gia cùng các thầy cô giáo ở xứ người, tôi mới thấy câu chuyện làm sao có kinh phí hoạt động vẫn là một câu chuyện dài.

Càng biết, càng nghĩ, càng phục các anh chị ấy nhiều hơn. Tôi thấy nhiều nhà hảo tâm ở nước ngoài sẵn sàng ủng hộ đồng bào trong nước thật đáng quý, nhưng ủng hộ những hoạt động của cộng đồng ngay tại nước bạn có lẽ cũng là một việc không kém quan trọng. Những đứa trẻ của chúng ta lớn lên ở nước người mà có cảm nhận tích cực về quê nhà là cơ sở để có một sức mạnh Việt Nam bền vững.

Bộ giáo trình Tiếng Việt vui từ đề án Hỗ trợ dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài (Tuổi Trẻ 21-11) theo tôi được biết, đang được các thầy cô sử dụng một cách có chọn lọc để phù hợp với đối tượng học sinh của mình.

Tôi nghĩ đây cũng là bộ sách được soạn tương đối công phu và nếu có thể đầu tư bổ sung hơn nữa các phần bài tập tương tác nhỏ sẽ là một bộ giáo trình hỗ trợ được thầy cô nhiều trong việc giảng dạy.

Tuy vậy vẫn cần có nhiều bộ sách mang nhiều mục đích khác nhau ở nhiều trình độ khác nhau dựa trên việc phát triển, rèn luyện bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức về văn hóa, đất nước học... Về mặt phương pháp, đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở môi trường ngôn ngữ khác cần được hướng dẫn học tiếng Việt như một ngoại ngữ chứ không phải như tiếng mẹ đẻ dù tiếng Việt là tiếng nói thân thương của nước nhà.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1:Tiếng nước tôi, xin giấu vào lòng Kỳ 2:Sao Mai ở Berlin Kỳ 3: Cho và nhận Kỳ 4:“Sự tích chú Cuội” giữa lòng Warsaw Kỳ 5: Nối lại nhịp cầu Kỳ 6: Một đề án dở dang

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên