19/11/2013 09:40 GMT+7

"Sự tích chú Cuội" giữa lòng Warsaw

(Theo phụ huynh Nguyễn Hải Lan, Warsaw, Ba Lan)
(Theo phụ huynh Nguyễn Hải Lan, Warsaw, Ba Lan)

TT - “Niên khóa 2013-2014 khai giảng từ tháng 9 vừa rồi, Trường tiếng Việt Lạc Long Quân đạt sĩ số học sinh rất cao: 180 em theo học 15 lớp” - ông Lê Xuân Lâm, hiệu trưởng và là đồng sáng lập Trường Lạc Long Quân ở thủ đô Warsaw (Ba Lan), vui mừng chia sẻ.

Kỳ 1: Tiếng nước tôi, xin giấu vào lòng Kỳ 2: Sao Mai ở Berlin Kỳ 3: Cho và nhận

L47fKNsG.jpgPhóng to
Cô giáo Ngọc Tâm dạy các học trò mang hai dòng máu Việt - Ba Lan tập đọc tiếng Việt tại Trường Lạc Long Quân - Ảnh: Trung nghĩa

Cho con học trường Việt trước trường “Tây”

“Hôm nay trời thế nào?”, cô giáo Ngọc Tâm dịu dàng hỏi. “Thưa cô trời đẹp”, học sinh bên dưới đáp đồng thanh. “Các con bắt đầu làm kiểm tra học kỳ nhé. Câu A: các con hãy đọc sự tích chú Cuội cung trăng cho cô nghe...”.

Vào mỗi 16g-19g thứ bảy hằng tuần, các lớp học Trường tiểu học 246 Gabrieli Mistral (số 17 đường Majewskiego, Warsaw - nơi Trường Lạc Long Quân thuê lại để giảng dạy) lại rộn rã tiếng cười, tiếng bi bô tập đọc, tập hát của các con em gia đình người gốc Việt.

Chị Nguyễn Hải Lan, phụ huynh bé Nguyễn Lan Vy, cho biết cách đây ba năm chị cho con theo học Trường Lạc Long Quân trước cả khi bé nhập học bậc tiểu học trường Ba Lan. “Tôi muốn con mình có vốn tiếng Việt đủ để hiểu được tâm tư tình cảm trong quan hệ gia đình, không ngần ngại dùng tiếng Việt để nói chuyện với ông bà cha mẹ và rộng hơn là những người thuộc cộng đồng Việt Nam ở Ba Lan. Phụ huynh gửi con đến trường còn nhận thấy con em mình có nhiều cơ hội tiếp xúc với bạn bè cùng nguồn cội để trẻ không thấy lẻ loi, quá thiểu số ở xứ người”, chị Lan nói.

Trường Lạc Long Quân chia độ tuổi học sinh (5-14 tuổi) vào các lớp A0 (tương đương mẫu giáo), A-B-C-D-E với giáo trình giảng dạy chủ yếu từ bộ sách giáo khoa “Tiếng Việt vui” cùng với nội dung tự biên soạn của hội đồng nhà trường. Ở lớp A (dành cho học sinh 5 tuổi), sau những giờ phút các em tập viết chữ nắn nót trên trang vở dòng kẻ là các màn tập văn nghệ, đàn hát vui vẻ - lúc cô và trò có thể cùng kết tóc cho nhau như mẹ và con trong một nhà.

“Không chỉ con em gia đình Việt Nam mà các trẻ mang hai dòng máu Việt - Ba Lan cũng theo học. Trường tập trung dạy nghe và hiểu cho học sinh để các em nói chuyện trôi chảy với bố mẹ trong gia đình” - cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm, người có thâm niên 20 năm theo nghề giảng dạy từ VN đến khi định cư tại Ba Lan, cho biết.

Còn cô giáo trẻ Lê Lan Anh mặc dù có nghề chính là làm ở công ty luật nhưng vẫn thích đi dạy cho các em nhỏ ở Trường Lạc Long Quân. Là giáo viên thuộc tốp trẻ tuổi nhất trong số 15 giáo viên của trường, Lan Anh cho biết các giáo viên ở đây đều thích sinh hoạt với trẻ em, “chăm sóc càng tận tình thì trẻ càng tiếp thu nhanh bài vở, càng mau nhớ chữ Việt, nói tiếng Việt. Phụ huynh đến đón muộn thì các cô giáo vẫn ở lại kiên nhẫn chờ đợi”, Lan Anh kể.

Và niềm tin của các phụ huynh đối với trường dạy tiếng Việt còn là không gian cân bằng giữa học và vui chơi, các sinh hoạt ngoại khóa “rất giúp ích cho các cháu” theo nhận xét của chị Hải Lan: “Cháu nhà tôi thấy rất vui, theo được bài vở trong trường, không hề tỏ ý chán hoặc muốn nghỉ học trong suốt hai năm từ 5-7 tuổi”.

Thậm chí có phụ huynh người Ba Lan như bà Kasia, mẹ cháu Phillip Trung 7 tuổi, sau một thời gian đưa cậu con trai mang hai dòng máu Việt - Ba Lan đến Trường Lạc Long Quân học thì chính bà cũng dành thời gian học tiếng Việt: “Để tôi có thể nói tiếng Việt với con và gia đình bên chồng”.

llStYlS7.jpgPhóng to
Cô Nguyễn Thị Anh Vân, phó hiệu trưởng Trường Lạc Long Quân, dạy hát cho học sinh 10-12 tuổi - Ảnh: TR.N.

15 năm dạy & học tiếng Việt

Ra đời ngày 2-9-2007 với tên gọi ban đầu Văn Lang thuộc Trung tâm văn hóa Văn Lang, Trường tiếng Việt Lạc Long Quân ngày nay có sự sáp nhập giữa Trường Văn Lang ban đầu với một trường tiếng Việt đầu tiên ở Ba Lan từng hoạt động 10 năm (1999-2009).

“Năm 2013 Trường Lạc Long Quân có bước tiến mới là mở thêm một cơ sở mới ở Raszyn (ngoại ô Warsaw) dạy cho 10 trẻ gốc Việt, đồng thời mở thêm chi nhánh ở thành phố Wrocław và chuẩn bị thêm chi nhánh Krakow. Sang năm 2014 chúng tôi sẽ tổ chức kỷ niệm 15 năm giảng dạy tiếng Việt ở xứ sở “mùa tuyết tan, đường bạch dương sương trắng nắng tràn” này”, hiệu trưởng Lê Xuân Lâm cho biết.

Để Trường Lạc Long Quân trở thành một trong số những mô hình thành công nhất của việc dạy và học tiếng Việt cho con em kiều bào Việt Nam ở châu Âu, nguyên do quan trọng nhất chính là ý thức cộng đồng Việt kiều ở Ba Lan.

“Bản thân tôi sang Ba Lan đã hơn 20 năm rồi và cũng có hai đứa con sinh ra và lớn lên tại xứ người. Sẽ buồn lắm nếu con mình không nói được tiếng Việt, hoặc phải dạy bảo con bằng tiếng Ba Lan. Càng buồn hơn nếu cho các con về thăm quê hương Việt Nam mà không hiểu ông bà nội nói lời yêu thương gì” - hiệu trưởng Lê Xuân Lâm lấy chính chuyện nếp nhà ông để nói lên một nguyện vọng chung cho những người Việt xa quê ở Ba Lan: muốn các thế hệ sau của họ không quên ngôn ngữ quê hương.

Ông Lâm thừa nhận có những lúc khá khó khăn vì “Lạc Long Quân chỉ thu học phí ở mức tạm đủ để trang trải chi phí hoạt động cho trường (thuê cơ sở và giáo viên giảng dạy)”, nhưng những người “đứng mũi chịu sào” cho trường vẫn cố gắng duy trì với sự ủng hộ hết lòng của đông đảo phụ huynh người Việt, các hội đoàn Việt kiều Ba Lan và Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan.

“Trăn trở của chúng tôi hiện còn là việc nâng cao số lượng giáo viên lẫn chất lượng nghiệp vụ. Song song đó là việc soạn thêm những giáo trình dạy tiếng Việt cập nhật mới thật hiệu quả, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh học hành của học sinh ở đây” - tiến sĩ Đặng Ngọc Hân, hiệu phó Trường Lạc Long Quân, chia sẻ.

Một hoạt động rất mạnh và rất được phụ huynh lẫn học sinh trường yêu thích là việc tổ chức các sinh hoạt văn nghệ trong các ngày Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, tổ chức trại hè thiếu nhi “Vui cùng tiếng Việt” kéo dài hai tuần. Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh (chủ nhiệm CLB “Đọc sách cùng con” ở Hà Nội), người được mời soạn nội dung cho trại hè thiếu nhi của Trường Lạc Long Quân, đã tạo ra phương pháp dạy tiếng Việt trực quan sinh động qua những chủ đề hấp dẫn giúp học sinh sử dụng linh hoạt từ vựng tiếng Việt để bày tỏ cảm xúc, hiểu biết các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, đóng hoạt cảnh, tập làm món ăn từ nem kiểu Việt đến bánh mì sandwich...

“Muốn trẻ thích tiếng Việt và nhớ lâu thì phải dùng những khái niệm, hình ảnh dễ hiểu, thực tế và cách chuyển tải hấp dẫn, có sức cuốn hút cao. Thông qua trại hè “Vui cùng tiếng Việt” (mỗi kỳ có 70-80 em tham gia), các em có một sân chơi vui nhộn, gắn kết với bạn bè, chia sẻ cảm xúc và nhớ đến những nét văn hóa Việt. Đặc biệt là sau trại hè, các em dạn dĩ nói tiếng Việt hơn hẳn”, hiệu trưởng Lê Xuân Lâm tâm đắc nói về một cách làm hữu hiệu trong nỗ lực gìn giữ ngôn ngữ bản sắc dân tộc Việt trên xứ người.

Kinh nghiệm dạy tiếng Việt

- Bố mẹ trao đổi với con tất cả các đề tài phù hợp bằng tiếng Việt: nhận xét, hỏi thăm, khuyến khích con kể chuyện học ở trường, bài học tiếng Việt ra sao, chủ động kể về công việc của mình cho con nghe...

- Thường xuyên cầm sách tiếng Việt trên tay để con nhìn thấy và đồng thời gợi ý cho con chọn một cuốn sách yêu thích để cùng ngồi đọc bên nhau ít nhất một lần/tuần. Nghe con đọc truyện tiếng Việt trong 10-15 phút mỗi lần.

- Đọc lại đoạn văn trong sách để con tự chép vào một quyển vở. Sau đó để con tự đọc lại đoạn văn mình vừa chép và giúp con kiểm tra, sửa lỗi chính tả. Không quên những lời khen ngợi nếu con tiến bộ.

_______________

Kỳ tới: Nối lại nhịp cầu

(Theo phụ huynh Nguyễn Hải Lan, Warsaw, Ba Lan)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên