10/08/2017 11:59 GMT+7

Để tài xế nổi giận, trả phí bằng tiền lẻ, lỗi ở đâu?

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - XUÂN MAI
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - XUÂN MAI

TTO - Tài xế dùng tiền mệnh giá nhỏ để giao dịch tại các trạm thu phí gây ùn ứ giao thông có phải vì họ không muốn đóng phí hay do đâu?

Trạm thu phí BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy - Ảnh: Mậu Trường
Trạm thu phí BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Nhiều trường hợp tài xế “gom” tiền lẻ để trả tại trạm thu phí diễn ra liên tục trong thời gian gần đây. Mới nhất là chuyện xảy ra tại trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang).

Các tài xế đã hẹn trước trên trang facabook “Bạn hữu đường xa”, thống nhất dùng tiền lẻ bỏ trong chai nhựa để đưa cho nhân viên trạm thu phí.

Trước đó, trường hợp dùng tiền lẻ để “qua trạm” cũng diễn ra tại trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 ở tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An. Nhiều người dân cũng từng bức xúc với trường hợp trạm thu Tam Nông ở tỉnh Phú Thọ, trạm thu phí Thanh Nê ở tỉnh Thái Bình...

Người dân có quyền khiếu nại

Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hiện nay trong ngành ngân hàng, các khoản thanh toán trong các giao dịch thông thường (ngoài trừ các giao dịch có quy định riêng biệt) thì việc sử dụng tiền lẻ trong giao dịch là hợp pháp và không vi phạm pháp luật.

Khi phát hiện ra trạm thu phí có nhiều điểm không đúng quy định pháp luật hoặc bất hợp lý, bất lợi đối với người tham gia giao thông thì họ có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật để cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Về thời hạn giải quyết khiếu nại, theo luật sư Lễ, Luật khiếu nại năm 2011 có qui định tại Điều 28 là thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Trong quá trình giải quyết thì người giải quyết khiếu nại có thể tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ như Điều 30 qui định.

Cần minh bạch mức thu chi

Các phương tiện bị ùn ứ không thể qua cầu Bến Thủy 1 do bị người dân chặn cầu - Ảnh: Doãn Hòa
Xe cộ bị ùn ứ không thể qua cầu Bến Thủy 1 do bị người dân chặn cầu - Ảnh: DOÃN HÒA

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết với những dự án lớn về cầu đường việc thu phí là điều hiển nhiên để hoàn trả cho các nhà đầu tư. Người dân chắc chắn sẽ không ý kiến gì về chuyện này vì việc đó đang góp phần cho kinh tế, xã hội của đất nước phát triển.

“Tuy nhiên, người dân phản ứng là vì những thắc mắc của họ không được giải đáp thỏa đáng nên họ nghĩ những chi phí như thế không liên quan đến họ, người ta làm vậy để thu thêm tiền của người dân. Khoan tính đến chuyện việc thu phí này là hợp lý hay chưa thì bản thân cơ quan chức năng cần phải rất quan tâm đến phản ứng của người dân cũng như tổ chức kinh tế xã hội để tìm hiểu lý do và có sự giải đáp kịp thời”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cơ quan chức năng nên thông tin minh bạch đến người dân về mức chi phí, ai là người tài trợ, việc thu phí trong bao lâu để có nguồn hoàn trả cho nhà tài trợ….

Cơ quan chức năng phải “năng động” hơn

Luật sư Lễ cho rằng đối với các vấn đề khiếu nại mà có tính “nóng”, ảnh hưởng đến nhiều người, đến xã hội thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết nên năng động, ưu tiên giải quyết sớm chứ không nên phụ thuộc vào thời hạn quy định của pháp luật.

“Theo nguyên tắc 'Nhà nước của dân, do dân và vì dân' thì cơ quan chức năng phải đảm bảo lợi ích cho dân, cần tổ chức đối thoại các bên giải quyết ngay để phù hợp với lợi ích của người dân”, ông Lễ khẳng định.

Thạc sĩ xã hội học Lê Minh Tiến chia sẻ: “Để tránh tình trạng người dân phản đối, về lâu dài, chính quyền địa phương cần có cuộc đối thoại với người dân trước khi thực hiện một công trình nào đó”.

Ông Tiến cho hay vẫn còn rất nhiều cơ quan không có “thói quen” giải quyết kịp thời - xin được nhấn mạnh là kịp thời - những bức xúc của người dân, điều này dễ khiến họ có những hành vi cực đoan.

Trong xã hội ngày nay, với trình độ dân trí của người dân ngày càng được nâng cao thì các cơ quan chức năng cần phải trình bày vấn đề và thuyết phục người dân một cách hợp lý. Tuyệt đối không được tự cho là đúng, là hợp lý rồi bắt người dân phải nghe, chấp hành theo - cách làm này có thế dẫn đến những hệ lụy không thể lường trước được.

 Mức phí quá cao

Anh Hoàng Minh (tài xế, ngụ Vĩnh Long) cho biết: “Mức phí tại trạm Cai Lậy cao quá khiến chúng tôi không thể chấp nhận. Cao hơn cả đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương”.

Một tài xế ngụ Cần Thơ cho rằng việc đặt trạm thu phí trên tuyến chính quốc lộ 1 là bất hợp lý vì lẽ ra trạm chỉ nên thu phí những xe đi trên tuyến tránh. “Chúng tôi đóng phí bảo trì đường bộ hằng năm rồi thì tại sao giờ lại phải đóng thêm phí nếu không đi vào đường tránh? Chẳng lẽ cứ sửa đường đoạn nào, nâng cấp đoạn nào là tài xế đều phải đóng phí hết hay sao?”, tài xế này đặt vấn đề.

Bạn đọc Đức Nguyễn nhận xét: “Hàng năm các cơ quan chức năng không công bố số liệu, kinh phí thực duy tu đường bộ nên bây giờ khi “phí chồng phí”, người dân khó có thể chấp nhận được”.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

>> ThS xã hội học Lê Minh Tiến

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên