16/11/2016 11:25 GMT+7

Để người dân an tâm đi xe buýt

MINH LUẬN
MINH LUẬN

TTO - Làm sao để người dân an tâm chọn đi xe buýt khi tình trạng móc túi, cướp giật, gí “kim tiêm dính máu” vào người để trấn lột tiền bạc, tài sản của hành khách cứ công khai, manh động?

Chánh “già” trong một lần leo lên xe buýt 604 để lừa đảo
Chánh “già” trong một lần leo lên xe buýt 604 để lừa đảo

Xe buýt được xem là phương tiện giao thông công cộng tiện lợi được người dân ở nhiều quốc gia phát triển chọn lựa. Nhưng làm sao người dân có thể an tâm chọn đi bằng phương tiện này khi mà tình trạng móc túi, cướp giật, gí “kim tiêm dính máu” vào người để trấn lột tiền bạc, tài sản của hành khách cứ công khai, manh động?

Có thể thấy thời gian qua các ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy việc phát triển giao thông công cộng. Các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội… đã không ngần ngại đầu tư hàng trăm tỉ đồng mua sắm xe mới, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Và cũng đã có nhiều đề án quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng hoặc xây dựng “xe buýt thông minh” tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, cho người dân đi lại, giúp giám sát và quản lý hiệu quả tiền trợ giá xe buýt…

Thế nhưng, chuyện an toàn của hành khách trên những chuyến xe lại ít được quan tâm đến. Hành khách phải tự chống chọi hoặc chịu trận chứ không dám phản kháng, không biết kêu ai khi bị các băng nhóm giang hồ tấn công.

Hầu như năm nào báo chí cũng có những loạt bài điều tra nạn trấn lột, xin đểu, cưỡng đoạt tài sản của hành khách đi xe buýt. Điển hình là vụ gí “kim tiêm dính máu” vào mặt hành khách để đòi tiền trên những chuyến xe buýt đông người ngay trong nội thành TP.HCM do báo Tuổi Trẻ điều tra đăng tải vào tháng 4-2013.

Và lần này cũng vậy, Tuổi Trẻ đã vạch trần các “chiêu thức” trấn lột hành khách của các băng nhóm giang hồ trên xe buýt.

Người ta không khỏi giật mình khi biết rằng chỉ trong phạm vi khoảng 30km từ Suối Tiên (TP.HCM) về ngã ba Trị An (Đồng Nai), đã có ít nhất 4 băng giang hồ “cắm chốt” hoạt động dưới vỏ bọc là những “thầy” bán “thần dược” để lừa đảo, cướp tài sản.

Xót xa thay, nạn nhân của các băng giang hồ này hầu hết là người dân nghèo, từ chàng thanh niên đi làm công nhân với lương chỉ 4 triệu đồng/tháng đến một cụ già bệnh tật được con cháu gom tiền từ ngoài quê cho vào TP.HCM chữa bệnh.

Làm sao người dân thấy an tâm chọn lựa xe buýt hoặc phương tiện giao thông công cộng khi ngay cả cán bộ của Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GTVT Đồng Nai) cũng thừa nhận từng bị bọn trấn lột, giật dọc “dằn mặt” mỗi khi đi kiểm tra?

Người dân an tâm sao được khi ngay cả ông phó chủ nhiệm HTX xe buýt và du lịch Quyết Tiến còn kêu: “Các cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý chứ lên xe buýt gì đâu mà toàn giật dọc, tài xế phản ứng thì bị đánh, ném đá vào xe”.

Phải chăng, mất an toàn trên các tuyến xe buýt cũng là nguyên nhân khiến hệ thống giao thông công cộng ở nước ta ì ạch, không phát triển, làm phát sinh nhiều phương tiện giao thông cá nhân, gây kẹt xe ngày càng trầm trọng?

Nhà nước cũng đầu tư rất nhiều tiền của cho xe buýt, thậm chí tốn ngân sách “khủng” để trợ giá nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.

Thiết nghĩ, trước mắt trên các tuyến xe nên dán các thông tin cảnh báo hoặc phát loa nhắc nhở người dân đề phòng.

Về lâu dài, lực lượng thực thi pháp luật cần có cơ chế theo dõi, giám sát thường xuyên các tuyến xe buýt, đồng thời quyết liệt triệt phá các đường dây trấn lột để đem lại sự an toàn cho hành khách.

Đừng để cứ mỗi khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng lại vào cuộc, lại truy quét xong thì đâu lại vào đó và hành khách lại tiếp tục bất an.

MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên