Toàn ảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 sáng 22-10 - Ảnh: QUANG PHÚC
Đọc báo cáo thẩm tra, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định: "Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, thể hiện những nỗ lực và quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra".
"Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh", ông Vũ Hồng Thanh nói tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 sáng nay 22-10.
Cần phân tích rõ động lực tăng trưởng
Theo báo cáo của Chính phủ, nền kinh tế thời gian qua có nhiều điểm nhấn quan trọng như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP ở mức cao hơn mức tăng GDP tiềm năng trung hạn, quy mô nền kinh tế khoảng 240,5 tỉ USD.
"Cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định. Diễn biến mức tăng trưởng GDP của 3 quý vừa qua có sự khác biệt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế đã dự báo đầu năm (GDP quý I đạt 7,45%; quý II giảm còn 6,73%, quý III ước tăng và đạt 6,88% trong khi dự báo đầu năm quý sau giảm so với quý trước), do đó cần đánh giá đầy đủ tác động đến tăng GDP để có thể tiếp tục duy trì cho tăng trưởng GDP năm 2019 và năm cuối kế hoạch 5 năm 2016-2020", báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc cải thiện chất lượng tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn tới đòi hỏi đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và cải cách thể chế mạnh mẽ hơn, cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất, nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo để tăng sức cạnh tranh, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế.
"Tăng trưởng kinh tế ổn định kết hợp với những chuyển biến tích cực về đời sống văn hóa, xã hội, nâng cao thu nhập của người dân chính là mục tiêu lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội bền vững", báo cáo nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) và các đại biểu Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 sáng 22-10 - Ảnh: LÊ KIÊN
Hình thành các tập đoàn tư nhân lớn
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đưa ra nhiều đề nghị, lưu ý đối với Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trong năm 2019 và các năm tới.
"Trong thiết kế chính sách, cần quan tâm đánh giá tác động, ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, bảo đảm cân đối nguồn lực thực hiện. Hoàn thiện thể chế và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực thi và khai thác những cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), triển khai thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO một cách có hiệu quả", báo cáo nêu.
Ủy ban Kinh tế bày tỏ mong muốn tăng cường hoàn thiện thể chế và thu hút đầu tư ngoài nhà nước vào phát triển kết cấu hạ tầng, có những giải pháp và hành động cụ thể tích cực hơn để thu hút mạnh mẽ nguồn nội lực trong nước, nâng cao năng suất lao động và phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, hỗ trợ về nguồn vốn, công nghệ và phát triển thị trường cho các doanh nghiệp, hình thành nên các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn là đầu tàu và động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.
"Tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt cần quyết liệt cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức để giảm thiểu chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp và của tổng thể nền kinh tế; đồng thời tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực thi công vụ, trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp", báo cáo nêu.
Đối với lĩnh vực quản lý đất đai, Ủy ban Kinh tế bày tỏ: "Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là ở các thành phố lớn. Rà soát lại toàn bộ hệ thống quy hoạch, triển khai xây dựng sớm hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm tính kết nối đồng bộ".
"Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng, tránh lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm", chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.
Chủ động trong công tác truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nắm bắt kịp thời dư luận xã hội, có phương án chủ động phòng ngừa những bất ổn về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình biến động của thế giới, đặc biệt là tình hình biển Đông.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận