Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp - nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute), Singapore - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online góc nhìn cá nhân về những chuyển biến tích cực trong nước gần đây đang được dư luận đặc biệt quan tâm - nhất là sau Hội nghị Trung ương 8.
Theo TS Lê Hồng Hiệp, việc Trung ương Đảng giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, như Tổng Bí thư chia sẻ với cử tri gần đây, dường như là một lựa chọn tình huống trong bối cảnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời đột ngột.
Tuy nhiên, nhiều tiếng nói, gồm nhiều cán bộ cấp cao trong Đảng, cho rằng hiện đã là thời điểm chín muồi để Tổng Bí thư đồng thời đảm nhiệm vị trí Chủ tịch nước, giúp kiện toàn bộ máy chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với tiền lệ trong lịch sử cũng như thông lệ quốc tế.
Chọn đúng người để giao trọng trách
* Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, đây có phải là tiền lệ tốt?
- Theo tôi, việc một người đảm nhiệm hai chức vụ quan trọng nhất của Đảng và Nhà nước có thực sự phát huy tác dụng hay không phụ thuộc vào hai yếu tố.
Thứ nhất, việc này dẫn tới sự tập trung quyền lực rất lớn, để tránh lạm quyền cần có các thiết chế giúp kiểm soát và cân bằng quyền lực. Các thiết kế này cần được quy định rõ trong các văn bản pháp luật nhà nước cũng như quy định, điều lệ của Đảng. Đến nay chưa thấy có những điều chỉnh về pháp luật cũng như quy chế nội bộ của Đảng như vậy.
Thứ hai, nếu tiền lệ này được tiếp tục thì việc lựa chọn đúng người để giao trọng trách trong các nhiệm kỳ sau càng có tầm quan trọng lớn hơn. Thực tế lịch sử thế giới cho thấy, việc tập trung quyền lực cao độ cộng với việc trao quyền lực ấy cho người không phù hợp có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng tới sinh mạng của cả hệ thống chính trị.
Do đó, tôi nghĩ Đảng cũng như bản thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lý do để thận trọng với quyết định này.
Có lẽ từ giờ tới Đại hội Đảng lần thứ 13, vấn đề này sẽ tiếp tục được thảo luận. Hiệu quả cũng như tác động của việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ được đánh giá qua thực tiễn trước khi Đảng đi đến quyết định chính thức về vấn đề này.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhà nước pháp quyền vẫn cần "đức trị"
* Hội nghị Trung ương 8 nhấn mạnh đến yếu tố nêu gương của cán bộ, đảng viên - nhất là cán bộ chủ chốt. Có ý kiến cho rằng xã hội hiện đại cần được kiểm soát bằng pháp luật, sai thì xử. Bản thân Việt Nam cũng đang xây dựng nhà nước pháp quyền, lấy "pháp trị" là trọng. Như vậy, theo ông, nêu gương - hay "đức trị" - có ý nghĩa thế nào trong nhà nước pháp quyền?
- Dù đề cao nhà nước pháp quyền, tôi vẫn cho rằng "đức trị" luôn quan trọng. Đạo đức của mỗi cán bộ, công dân sẽ giúp pháp luật được tuân thủ nghiêm minh, hiệu quả hơn.
Pháp luật nhiều khi không thể bao trùm được hết mọi khía cạnh của cuộc sống, vẫn cần tới "thẩm quyền đạo đức" để định hướng hành vi của mỗi cá nhân, đặc biệt là các cán bộ, công chức, trong phạm vi công việc cũng như gia đình - xã hội. Việc Hội nghị Trung ương 8 nhấn mạnh đến yếu tố nêu gương của các cán bộ, đảng viên là hoàn toàn đúng đắn.
Mặt khác, dù đề cao "đức trị" thì rốt cuộc "pháp trị" vẫn là nguyên tắc quan trọng nhất đối với một nhà nước pháp quyền bởi tính chất khách quan, rõ ràng, nghiêm minh, đặc biệt là khả năng chế tài. Kết hợp đức trị và pháp trị là cần thiết.
Tôi rất tâm đắc với quan điểm mà nhà báo Nhị Lê đưa ra gần đây, rằng: "Dùng đức trị quản sẽ chỉ được 10 dặm, dùng pháp trị thì có thể quản được 100 dặm, mà dùng cả đức trị và pháp trị thì mới dẫn dắt và quản trị được muôn dặm sơn hà xã tắc".
Hiệu quả cũng như tác động của việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ được đánh giá qua thực tiễn trước khi Đảng đi đến quyết định chính thức về vấn đề này.
* Dự thảo Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đưa ra yêu cầu từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và ủy viên trung ương phải nghiêm khắc với bản thân, chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín để thực hiện nhiệm vụ hoặc bị xử lý kỷ luật ... Ông bình luận gì về quy định này? Ý nghĩa và tính khả thi của nó?
- Mặc dù ủng hộ Quy định này, tôi vẫn cho rằng quan trọng là có cơ chế thực thi, giám sát hiệu quả để tất cả không chỉ là khẩu hiệu suông.
Quy định mới dừng lại ở việc khuyến khích cán bộ, đảng viên tuân thủ, thể hiện ở những câu chữ như "phải nghiêm khắc với bản thân", hay "chủ động từ chức"… Nhưng thế nào là "nghiêm khắc với bản thân", hay người không còn đủ uy tín nhưng không "chủ động từ chức" thì có chế tài hay biện pháp gì để buộc người đó từ chức không.
Thực tế, nhận thức rằng không còn đủ uy tín, năng lực để đảm nhiệm chức vụ thì nên từ chức không phải mới, nhưng đến nay số người chủ động từ chức là rất ít. Vì vậy, để khả thi, quy định này cần được cụ thể hóa thành quy phạm pháp luật hoặc nội quy của Đảng, cơ quan nhà nước.
Trước mắt, cần thường xuyên lấy phiếu tín nhiệm, định kỳ hoặc đột xuất khi có sự vụ cụ thể, dựa vào đó để xác định cán bộ nào nên từ chức hoặc bị cách chức nếu không chủ động từ chức.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đặt câu hỏi tại một cuộc hội thảo tại Singapore - Ảnh do nhân vật cung cấp
Cuộc chiến chống tham nhũng mang đậm dấu ấn của Tổng Bí thư
* Không phải đến Hội nghị trung ương 8, trách nhiệm nêu gương của cán bộ mới được quan tâm sâu sắc, mà đã được đề cập trong Quy định 47 về những điều đảng viên không được làm, Quy định 101 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên... Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn hạn chế. Hơn nửa nhiệm kỳ qua, số lượng cán bộ - nhất là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý - bị kỷ luật nhiều hơn các nhiệm kỳ trước. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính?
- Việc thực thi các quy định về tinh thần nêu gương cũng như việc chống tham nhũng chưa hiệu quả, nhất là giai đoạn trước 2016, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu quyết liệt, nghiêm minh trong việc thực hiện các quy định, có tình trạng lợi ích nhóm, bao che lẫn nhau...
Sau Đại hội Đảng lần thứ 12, tình hình có sự cải thiện do có chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh hơn từ lãnh đạo Đảng, đồng thời cơ cấu quyền lực của bộ máy có sự tập trung hơn, tình trạng lợi ích nhóm, bao che giảm phần nào.
Đặc biệt, cuộc chiến chống tham nhũng từ năm 2016 tới nay mang đậm dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Không chỉ cần răn đe, kiểm soát những người có thể tham nhũng mà còn phải giáo dục, tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp để họ tuân thủ pháp luật, cương quyết nói "không" với tham nhũng.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
* Nhân dân rất kỳ vọng vào công cuộc phòng chống tham nhũng - nói nôm na là "đốt lò" - đang được Đảng và Nhà nước đẩy mạnh. Theo ông, để chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa, cần điều chỉnh, cải tiến gì về mặt thể chế?
- Để có hiệu quả và tác động lâu dài không chỉ trong vài nhiệm kỳ, quyết tâm chính trị hay vai trò của một vài cá nhân lãnh đạo là chưa đủ, cần phải thể chế hóa, pháp điển hóa các quy định, cơ chế, công cụ chống tham nhũng.
Từ việc tạo dựng môi trường thể chế và chính sách để cán bộ, công chức không dám tham nhũng; tới việc làm trong sạch bộ máy chống tham nhũng, thực thi pháp luật; hay tạo điều kiện cho báo chí, đảng viên, người dân… mạnh dạn tố cáo, phanh phui tiêu cực, tất cả đều quan trọng.
Ngoài ra, theo tôi, tham nhũng không chỉ bắt nguồn từ những cán bộ, công chức suy thoái mà còn từ chính người dân, doanh nghiệp, những người bình thường vẫn lên án tham nhũng nhưng khi có vấn đề lại sẵn sàng thỏa hiệp với tham nhũng, đưa phong bì, hối lộ… để công việc được giải quyết nhanh chóng, tiện lợi, bất chấp pháp luật.
Tất cả những điều này vô hình trung tạo nên một "văn hóa tham nhũng" phổ biến và cắm rễ sâu rộng. Vì vậy, không chỉ cần răn đe, kiểm soát những người có thể tham nhũng mà còn phải giáo dục, tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp để họ tuân thủ pháp luật, cương quyết nói "không" với tham nhũng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận