Sáng 17-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 với 2 dự án Luật căn cước công dân (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Đề xuất tích hợp nhiều thông tin vào căn cước công dân
Theo tờ trình của Chính phủ, việc đề nghị sửa Luật căn cước công dân bao gồm 4 chính sách, trong đó quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào căn cước công dân.
Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước công dân.
Bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước...
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay với quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào căn cước công dân, thường trực ủy ban và các cơ quan tán thành với chính sách này.
Tuy nhiên, theo báo cáo, việc đưa nhiều thông tin cá nhân vào thẻ căn cước công dân dẫn đến tăng nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân.
Đề nghị cần giải pháp chỉ cấp quyền đọc thông tin tích hợp trong căn cước công dân phù hợp với yêu cầu quản lý, giao dịch của công dân trong từng trường hợp cụ thể.
Các thông tin được đề xuất tích hợp bổ sung vào thẻ căn cước công dân đều là thông tin cá nhân, bí mật đời tư như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tài khoản ngân hàng, lý lịch tư pháp… gắn với quyền con người.
Vì vậy đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, thống nhất với các bộ, cơ quan quản lý để đưa ra giải pháp phù hợp, có tính khả thi. Cạnh đó đề nghị bổ sung đánh giá về chi phí xã hội và ngân sách nhà nước dành cho việc này.
Theo ông Tùng, một số ý kiến cho rằng theo quy định hiện hành thì “căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân”.
Nên việc tích hợp các thông tin không phải về lai lịch, nhân dạng theo báo cáo như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, khai sinh, chứng nhận kết hôn... vào căn cước công dân là không phù hợp với nội hàm “căn cước công dân”.
Cân nhắc cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi
Về bổ sung quy định cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi, theo ông Tùng, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định này.
Bởi độ tuổi dưới 14, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên thông tin nhân dạng khó chính xác. Phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự.
Thêm vào đó, hồ sơ đề nghị chưa làm rõ, đánh giá đầy đủ về nhu cầu cấp thẻ của lứa tuổi này, trong khi việc cấp thẻ dù không bắt buộc vẫn phát sinh chi phí.
Mặt khác, khi xem xét, thông qua Luật căn cước công dân năm 2014, vấn đề này đã được thảo luận nhưng Quốc hội quyết định chỉ cấp căn cước công dân cho người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Một số ý kiến cho rằng việc cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi như đề xuất là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về đặc điểm nhân dạng của trẻ em để ghi nhận, xác định cụ thể lộ trình thực hiện theo từng lứa tuổi nhất định để bảo đảm tính khả thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận