Tuổi Trẻ Online đã thông tin về trường hợp ông H.N. nhiều năm bị quận 12 từ chối hồ sơ giải quyết tách thửa có hình thành đường giao thông theo quyết định 60 của UBND TP, phải "cầu cứu" lãnh đạo TP.HCM mới được giải quyết tách thửa chia cho con.
Nhiều trường hợp tương tự cũng không được các địa phương tiếp nhận hồ sơ giải quyết tách thửa dù quyết định 60 vẫn còn hiệu lực thi hành.
Nhiều hồ sơ tách thửa "đứng hình"
Tháng 12-2017, quyết định 60 của UBND TP.HCM ban hành được người dân TP rất mong chờ, bởi lẽ quyết định này giải quyết được nhu cầu tách thửa đất để xây dựng nhà ở.
Quyết định này áp dụng từ đầu năm 2018, đến tháng 4-2021 (chỉ hơn 3 năm) thì bị tạm ngưng đến nay đã 2 năm rưỡi theo đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Thực trạng này đã khiến "đứng hình" toàn bộ hồ sơ cũng như nhu cầu tách thửa người dân áp dụng theo quyết định 60 trên toàn TP.
Đơn cử như bà L.T.T. (ngụ phường Thới An) nộp hồ sơ xin tách thửa theo quyết định 60 vào tháng 4-2021 nhưng bị UBND quận 12 từ chối tiếp nhận.
Hay ông Đ.M.T. (ngụ ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) có thửa đất hơn 4.000m2 ở mặt tiền quốc lộ 50, thuộc đất ở nông thôn hiện hữu. Nhà ông có hơn 10 anh em, và cha mẹ ông rất muốn tách thửa để chia cho các con.
Tuy nhiên do công văn tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ tách thửa nên gia đình ông vẫn chưa thể thực hiện.
Hoặc trường hợp ông T.V.H. (ngụ quận Bình Tân) cũng thực hiện thủ tục tách thửa theo quyết định 60 nhưng đến nay vẫn chưa được.
Chỉ riêng quận 12 đã có hàng chục hồ sơ người dân nộp vào quận này vào đầu năm 2021 bị quận từ chối tiếp nhận.
"Nhu cầu tách thửa đất để xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống là nhu cầu chính đáng của người dân. Tôi không biết khi nào TP sẽ có quy định cho phép người dân được thực hiện quyền của mình…", ông Đ.M.T. nêu bức xúc.
Tạm ngưng nhận hồ sơ không có cơ sở pháp lý
Liên quan việc tách thửa, trong khi TP đang thực hiện theo quyết định 60 thì đầu năm 2021, nghị định 148 hướng dẫn Luật Đất đai có hiệu lực quy định thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng quy định tách thửa đối với từng loại đất phù hợp điều kiện của địa phương.
Triển khai nghị định 148, UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND TP quy định cụ thể các nội dung tách thửa, có thể tích hợp vào nội dung sửa đổi quyết định 60.
Tuy vậy, ngày 16-4-2021 Sở Quy hoạch - Kiến trúc ra thông báo số 1427 về việc sở tạm ngưng tiếp nhận các hồ sơ liên quan đến tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật theo quyết định 60 kể từ ngày 17-4-2021.
Trong khi đó, cùng thời điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường có công văn số 9221 (ngày 23-4-2021) thì sở này không dừng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính liên quan đến nghị định 148 (nghĩa là bao gồm cả hồ sơ xin tách thửa) khi chưa có ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
Tiếp đến ngày 13-5-2021, Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục có thông báo số 1962 về việc sở tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ tách thửa kể từ khi nghị định 148 có hiệu lực cho đến khi TP có quy định mới.
Tháng 6-2021, Văn phòng UBND TP có thông báo truyền đạt ý kiến của lãnh đạo UBND TP về việc đồng thuận với thông báo này của sở.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay hiện nay sở này vẫn đang lấy ý kiến các đơn vị, sở ngành về dự thảo quy định tách thửa đất trên địa bàn TP thay thế quyết định 60.
Nhận định về giá trị của công văn thông báo về việc tạm ngừng nhận hồ sơ tách thửa, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hải Long (trưởng phòng tư vấn pháp lý Công ty TNHH Luật AGL) cho rằng đó chỉ là công văn trao đổi nội bộ giữa các sở ngành với TP và các quận huyện, không phải là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị bắt buộc áp dụng.
Bên cạnh đó, hiện TP cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định điều kiện tách thửa để thay thế quyết định 60 và hiện quyết định này vẫn có hiệu lực.
"Vì vậy việc tạm ngừng nhận hồ sơ tách thửa là không có cơ sở pháp luật", ông Long nhận định.
Đồng tình, tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung - phó trưởng ban phụ trách Ban thanh tra - pháp chế Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng việc cơ quan chức năng "tạm ngừng" nhận hồ sơ tách thửa mà không biết có thời gian kết thúc thì như là quy định cấm.
"Công văn tạm ngừng là hình thức mơ hồ về pháp lý nhưng lại ảnh hưởng quá lớn đến quyền lợi người dân. Việc này đã từng xảy ra tại một số tỉnh thành như Hà Nội, Lâm Đồng và cơ quan có thẩm quyền đã vào cuộc, xử lý…", tiến sĩ Tuyết Dung nhận xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận