23/05/2013 09:19 GMT+7

Để lời xin lỗi không "gió bay"

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - “Việc gì bức xúc của dân đều quan trọng với lãnh đạo”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị từng phát biểu như vậy. Lần này công luận chứng kiến ông trực tiếp xin lỗi người dân xã Đường Lâm vì bức xúc của họ chậm được các cơ quan chức năng giải quyết. Và đây không phải là lần đầu tiên.

Người đứng đầu Hà Nội xin lỗi dân Đường LâmLàng cổ Đường Lâm: Nhận danh hiệu rồi chỉ khổ cái thânXin trả Nhà nước di tích quốc gia

Lần thứ nhất trên nghị trường, khi đó ông Phạm Quang Nghị đang là bộ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin đã dùng hình ảnh “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa” để nói về tình trạng mất mát cổ vật di sản, sau đó ông đã xin lỗi và rút lại lời nói của mình trước Quốc hội.

Lần thứ hai, trong trận lụt kỷ lục ở miền Bắc năm 2008, khi trả lời phỏng vấn qua điện thoại của phóng viên một tờ báo về tình hình chống lũ, ông có lỡ lời về sự ỷ lại của người dân. Ba ngày sau, ông đưa ra lời xin lỗi: “Tôi thật sự lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người”.

Và lần này, ông thay mặt cơ quan quản lý các cấp xin lỗi khi chậm giải quyết bức xúc của người dân Đường Lâm liên quan đến vụ việc “xin trả lại Nhà nước di tích quốc gia”.

Chắc rằng việc một chính khách chịu xin lỗi dân là điều đáng hoan nghênh. Đất nước còn bộn bề, không hiếm những chuyện gây bức xúc cho người dân, nhưng lời xin lỗi của người có trách nhiệm thường hiếm thấy.

Chẳng thế mà vừa qua khi tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch xin lỗi một du khách nước ngoài vì du khách này bị xích lô “chặt chém”, lập tức việc làm đó trở thành sự kiện được quan tâm trên truyền thông cũng như bàn tán xôn xao trong nhiều diễn đàn mạng.

Ngay với vụ việc “xin trả Nhà nước di tích quốc gia” ở xã Đường Lâm, theo lời kể của các phóng viên có mặt tại cuộc làm việc ngày 21-5, nhiều cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã nhận khuyết điểm vì không làm tròn trách nhiệm, nhưng không hề có vị lãnh đạo nào đứng ra xin lỗi dân mà chỉ có người đứng đầu thành phố.

Giữa cái nóng gay gắt mùa hè ở thủ đô, lời xin lỗi của bí thư Thành ủy với người dân Đường Lâm là cần thiết và có người còn ví đó như “làn gió mát”, nhưng điều quan trọng hơn với người dân nơi đây không dừng lại ở lời xin lỗi.

Họ chờ đợi những bức xúc của mình khẩn trương được giải quyết trên cơ sở quy định pháp luật, sao cho sớm đến ngày họ vui mừng nói lời cảm ơn người đứng đầu Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng vì đã thật sự vào cuộc tháo gỡ những khó khăn mà họ đang chịu đựng từng ngày.

Tương tự, điều các du khách nước ngoài đến VN chờ đợi chắc không phải là lời xin lỗi, mà được nói lời cảm ơn cho một môi trường du lịch văn minh.

Có những đổi mới trong đời sống chính trị đất nước sẽ đến từ quy định của cơ quan có thẩm quyền, ví dụ như việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội, ví dụ như văn hóa từ chức mà Bộ Nội vụ đang nghiên cứu xây dựng..., nhưng văn hóa xin lỗi thì chắc là không cần văn bản nào quy định, chỉ cần một thái độ trách nhiệm với những bức xúc của dân.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên