16/05/2013 13:21 GMT+7

Làng cổ Đường Lâm: Nhận danh hiệu rồi chỉ khổ cái thân!

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) chiều 15-5 đã “nóng” hơn khi những người dân ký đơn xin trả Nhà nước di tích quốc gia mang theo bao điều bức xúc tới buổi đối thoại với lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội, UBND thị xã Sơn Tây.

RBj3ZMqc.jpgPhóng to
Kết thúc cuộc gặp gỡ trực tiếp, có rất đông người dân bức xúc mếu máo chạy theo lãnh đạo cơ quan chức năng để bày tỏ nỗi niềm - Ảnh: Quang Thế

Câu hỏi vì sao người dân xin trả di tích một lần nữa được chính người dân làng cổ Đường Lâm khẳng định: “Khổ quá không chịu nổi nữa!”.

Chịu sao nổi khi nhà vệ sinh cũng cấm xây?

Hôm qua nắng nóng tới 40OC, nhưng từ đầu giờ chiều hội trường Nhà văn hóa xã Đường Lâm đã chật kín người dân về ngóng đợi được đối thoại với lãnh đạo, dù giấy mời chỉ có 23 hộ dân ở làng cổ. Hành trang nhiều người mang theo có cả mớ giấy tờ về chủ quyền đất ở, giấy xin phép xây nhà và đủ loại thông báo cưỡng chế về xây dựng không phép.

Ông Hà Kế Toán (thôn Mông Phụ) nói: “Cha ông tôi sống hàng trăm năm nay ở thôn Mông Phụ. Ngày thôn được công nhận là di tích làng cổ tôi vui bao nhiêu thì khi đọc tin cả trăm người dân ký đơn xin trả Nhà nước di tích quốc gia tôi buồn bấy nhiêu. Cái gì dẫn đến cảnh người dân bức xúc như vậy? Nhà tôi là nhà cổ trong làng, nhưng tôi xin nói nguyên nhân người dân bức xúc là từ khi được công nhận làng cổ, gần như người dân trong xã chỉ được cái danh hiệu, đổi lại khổ trăm bề”.

Ông Toán dẫn chứng từ khi thành lập Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, thành lập ba chốt bán vé du lịch thu rất nhiều tiền. “Năm 2012 thấy nói có 12 vạn khách, mỗi khách phải mua vé 20.000 đồng, số tiền thu được 2,4 tỉ đồng không ai biết chi cho những vấn đề gì. Ngay xã Đường Lâm cũng chỉ được hưởng mức tối thiểu, năm đầu để lại cho xã 10 triệu đồng, năm sau để lại 20 triệu đồng, năm thứ ba để lại cho xã 30 triệu đồng, chỉ có vậy. Đổi lại thì người dân bị cấm xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Đất không “đẻ” rộng thêm, gia đình nào cũng có con cái lập gia đình nhưng nhu cầu sống tối thiểu trên mảnh đất cha ông để lại không được đáp ứng. Nhà diện tích nhỏ hẹp, chỉ có một tầng mà ba cặp vợ chồng chen chúc nhau ở. Nóng bức thế này có chịu được không, chúng tôi muốn xây cái nhà vệ sinh cũng bị cấm đoán. Muốn xây dựng phải làm đơn qua xã, qua ban quản lý di tích, qua UBND thị xã và lên tới tận Bộ VH-TT&DL, nhưng làm đơn chưa chắc đã được xây. Bức thiết quá xây thì bị phá dỡ, cưỡng chế... Đã chín năm nay rồi người dân khổ lắm nhưng vẫn chịu đựng, quyền sống tối thiểu cũng không được đảm bảo” - ông Toán phân trần.

Trong số các hộ dân làng cổ Đường Lâm tới đối thoại, chị Giang Tú Oanh mang theo nỗi bức xúc. Chị phân trần: “Nhà tôi chỉ có một tầng xây từ năm 2000 có mái chống nóng. Đến nay nhà tôi sáu người, hai thế hệ vẫn chỉ ở trong ngôi nhà một tầng. Đầu năm 2013 tấm chống nóng vỡ nên mới thay bằng tấm tôn. Vậy là các bên nay dọa cưỡng chế, mai dọa cưỡng chế. Hai tháng rưỡi nay thì cắt hết cả điện, nước sinh hoạt. Bây giờ cháu nội tôi mới 10 tháng tuổi, nắng nóng thế này có quạt còn không chịu nổi, vậy mà vẫn cứ cắt điện”.

Bà Hà Thị Khanh nói trong nghẹn ngào: “Cháu tôi đang sốt ở nhà nhưng tôi cũng phải đến nói cho ra nhẽ. Con tôi lập gia đình, ở nhà cấp 4 không đủ chỗ, tôi muốn xin xây thêm một tầng nhưng phải làm đơn qua đủ các cấp. Xin xây nhưng phải làm theo nhà truyền thống, tôi lấy đâu ra tiền mua gỗ, mua ngói. Xây thêm một tầng là bị phá dỡ. Thật sự chúng tôi rất đau khổ, hãy cho chúng tôi chỗ ở. Nếu không cho xây thì cấp đất giãn dân cho chúng tôi, bằng không chúng tôi đành trả lại di tích để có cuộc sống bình yên” - bà Khanh kiến nghị.

Tại buổi đối thoại, nhiều hộ dân cũng “tố” cách ứng xử cưỡng chế đối với các gia đình thực hiện không công bằng. “Nhà tôi không phải nhà cổ. Trong làng có 21 nhà xây hai tầng nhưng chỉ có nhà tôi không xin nên nhà tôi bị cưỡng chế, còn các nhà khác thì vẫn nguyên” - bà Phan Thị Xuân bức xúc.

YZNTGFPg.jpgPhóng to
Ông Hà Kế Toán - người dân làng cổ Đường Lâm - bức xúc phản ảnh tại buổi đối thoại - Ảnh: Quang Thế

Giải quyết phải có quy trình

Phúc đáp bức xúc của người dân làng cổ Đường Lâm, ông Trương Minh Tiến - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội - nói: “Tôi nhận thấy những bức xúc của bà con là xuất phát từ bức xúc thực tiễn của các gia đình. Đó là những ý kiến rất chính đáng”.

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng khi đã được công nhận là di tích quốc gia, làng cổ Đường Lâm phải bị điều chỉnh bởi Luật di sản văn hóa, trong đó việc thực hiện luật không chỉ cơ quan chức năng mà cả người dân cùng phải thực hiện.

Ông Tiến cũng thừa nhận trong trong quá trình thực hiện Luật di sản văn hóa, bảo tồn làng cổ Đường Lâm gắn với cuộc sống của người dân còn nhiều bất cập. “Trong thực hiện luật thì chủ thể phải là nhân dân, nhân dân cũng phải có trách nhiệm bảo vệ di sản. Nhà nước chỉ là dựa trên luật pháp để đưa nhân dân vào quá trình thực hiện. Hôm nay, do điều kiện có nhiều cái chưa thể trả lời ngay được, chúng tôi xin được tiếp thu những nguyện vọng chính đáng của bà con. Tôi xin bà con cứ bình tĩnh, chúng ta chịu được 10 năm rồi, chẳng nhẽ... Mà việc này không phải trong tuần này, tuần sau, tháng sau có thể giải quyết được ngay việc bức xúc đâu, mà phải có quy trình. Chúng tôi mong các cụ, các ông, các bà, chúng ta lại vì tương lai của chính con em chúng ta ở tại Đường Lâm. Nếu chúng ta giữ được thì con cháu chúng ta sẽ được hưởng. Tất nhiên, những cái gì thuộc về nguyện vọng, nhu cầu chính đáng thì các cơ quan chức năng sẽ phải tập trung giải quyết, xử lý” - ông Tiến nói.

Ông Nguyễn Lam Điền, phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, cũng hứa tiếp thu toàn bộ ý kiến của người dân, ghi nhận bức xúc và xin chia sẻ bức xúc với người dân làng cổ. “Chúng tôi cũng đã nhìn thấy những vấn đề bất cập giữa bảo tồn và phát triển, những bất cập khi chưa thực hiện được việc cấp đất giãn dân. Hiện nay TP đã giao các sở xây dựng quy hoạch bảo tồn làng cổ và lập dự án cấp đất giãn dân 10ha ở thôn Phụ Khang. Chúng tôi cũng đã đề xuất cơ chế đặc biệt để giúp đỡ người dân được cấp đất. Chúng tôi hứa sẽ tham mưu, giải quyết nguyện vọng của người dân” - ông Điền hứa.

Sau ý kiến của lãnh đạo Sở VH-TT&DL, UBND thị xã Sơn Tây, nhiều hộ dân đề nghị nêu rõ hướng giải quyết, thời gian tháo gỡ khó khăn cho người dân. Tuy nhiên, những đề nghị này được lãnh đạo các bên xin khất. Theo các hộ dân làng cổ Đường Lâm, cả buổi đối thoại, việc lãnh đạo vận động người dân tiếp tục thực hiện theo Luật di sản văn hóa khiến người dân thất vọng. “Chỉ có một việc được chúng tôi ghi nhận là giải quyết ngay, đó là lời hứa cấp lại điện, nước cho nhà chị Oanh sau khi cắt điện, nước gần hai tháng rưỡi nay” - một hộ dân làng cổ Đường Lâm nói.

Đề nghị thay lãnh đạo Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm

Tại buổi đối thoại, người dân làng cổ Đường Lâm đã chính thức đề nghị thay vị trí trưởng và phó Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm. “Tôi đề nghị thay trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm vì cứ bán vé thu tiền mà không làm gì có lợi cho người dân (người dân đồng loạt vỗ tay)” - ông Hà Kế Toán đề nghị.

Theo ông Toán, người dân rất bức xúc trước việc Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm chỉ chú ý đến bán vé, còn khách tìm hiểu di tích ra sao thì chẳng quan tâm. “Như vậy có xứng đáng làm di tích không?” - ông Toán hỏi.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên