22/05/2013 07:58 GMT+7

Người đứng đầu Hà Nội xin lỗi dân Đường Lâm

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Làm việc với người dân Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) ngày 21-5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã lên tiếng xin lỗi vì chậm giải quyết những bức xúc của người dân nơi đây, liên quan đến chuyện trả danh hiệu di tích quốc gia...

“Tôi xin được thay mặt cơ quan quản lý các cấp xin lỗi khi chậm giải quyết bức xúc của người dân” - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nói khi kết lại buổi làm việc kéo dài từ sáng sang đầu giờ chiều ngày 21-5 giữa lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ VH-TT&DL với UBND thị xã Sơn Tây, đại diện người dân làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây).

Di87C6Wf.jpgPhóng to
Sửa chữa ở một ngôi nhà cổ chật chội, bức bí ở làng Mông Phụ, xã Đường Lâm - Ảnh: Thanh Tâm

Nhiều cơ quan chức năng của TP Hà Nội cũng chủ động nhận lỗi vì không làm tròn trách nhiệm.

Bức xúc của dân là chính đáng

"Di sản phải sống với người dân, người dân phải là hơi thở của di sản. Giữ di sản chính là phải ưu tiên cho chính người dân sống ở trong đó"

GS Lưu Trần Tiêu

Buổi làm việc giữa các ngành xung quanh câu chuyện người dân làng cổ Đường Lâm (đến nay là 250 người) ký đơn xin trả Nhà nước di tích quốc gia được bắt đầu sau khi cả đoàn công tác của TP Hà Nội, Bộ VH-TT&DL kết thúc quá trình kiểm tra thực tiễn tại làng cổ.

Ông Đặng Vũ Nhật Thăng - chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây - thừa nhận sau tám năm được công nhận là di sản quốc gia, việc bảo tồn và phát triển làng cổ Đường Lâm đang phát sinh nhiều mâu thuẫn.

“Cả tám năm nay vẫn chưa thực hiện được chủ trương giãn dân. Số hộ dân cần di chuyển đến nay lên tới 620 hộ nhưng vẫn chưa thực hiện được hộ nào. Trong quản lý cũng có nhiều hạn chế, thiếu sót. Đó là lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ và quy hoạch xây dựng khu giãn dân làng cổ còn chậm. Đại đa số người dân vẫn chưa được hưởng quyền lợi tốt nhất từ việc phát huy giá trị di tích. Chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ trong việc tổ chức giãn dân, sửa chữa nhà ở, thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ” - ông Thăng cho biết.

Ông Thăng thừa nhận do tính đặc thù của làng cổ là “di tích sống” nên trong quá trình quản lý và thực hiện công tác bảo tồn đã phát sinh bất cập chưa được giải quyết kịp thời.

“Vấn đề cấp phép xây dựng, cơ chế cấp đất giãn dân, việc giải quyết những mâu thuẫn trong công tác bảo tồn và phát triển di tích chậm dẫn tới việc một số hộ dân bức xúc. Nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót trên là do công tác chỉ đạo của chính quyền thị xã Sơn Tây, xã Đường Lâm còn thiếu tập trung, chưa quyết liệt, kịp thời” - ông Thăng nhận lỗi.

Theo ông Phạm Quang Long - giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, qua công tác quản lý, theo dõi chuyên ngành, đặc biệt sau khi có thông tin người dân xin trả di tích (đăng tải trên báo Tuổi Trẻ - loạt bài “Xin trả Nhà nước di tích quốc gia” - PV), qua đối thoại với người dân, toàn bộ bức xúc người dân phản ảnh đều là những nguyện vọng chính đáng, phản ảnh những bất cập trong quản lý di sản mà cần phải có điều chỉnh phù hợp.

Xem tiếp

“Theo Luật di sản văn hóa, toàn bộ thôn Mông Phụ - khu vực I thuộc vùng phải bảo vệ nguyên trạng, trong khi đó ngoài các công trình, di tích lịch sử phải bảo vệ nguyên trạng vẫn còn 412 hộ với 1.659 nhân khẩu đang sinh sống trong các ngôi nhà truyền thống. Các hộ gia đình vẫn phải có nhu cầu bức thiết về việc sửa chữa, xây dựng thêm diện tích nhà ở. Mặc dù UBND thị xã Sơn Tây đã vận dụng có thỏa thuận xây dựng nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu dân sinh, vì vậy chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển làng cổ. Vấn đề là phần bảo tồn nguyên trạng và phần không cần phải bảo tồn nguyên trạng đan xen vào nhau ngay trong vùng khoanh vùng bảo vệ. Bây giờ xử lý mối quan hệ này như thế nào đòi hỏi phải có cách mà chúng tôi cũng chưa biết cách nào cả, rõ ràng ở đây có vấn đề vướng mắc cần giải quyết” - ông Long nêu.

Ông Long cũng nhận lỗi về khuyết điểm của sở trong vấn đề đào tạo nhân lực cho những người làm nghề du lịch ở làng cổ.

JKqPMT3X.jpgPhóng to
Bà Hà Thị Khanh - một hộ dân có nhà bị cưỡng chế - tiếp tục gửi đơn tới ông Phạm Quang Nghị (bìa phải) khi đoàn công tác của thành phố Hà Nội về kiểm tra tại làng cổ Đường Lâm ngày 21-5 - Ảnh: Xuân Long

Không thể nhân danh bảo tồn để người dân sống khổ

Phê duyệt quy hoạch tổng thể làng cổ Đường Lâm trước tháng 7-2013

Bà Đặng Thị Bích Liên, thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, đề nghị UBND TP Hà Nội khẩn trương phê duyệt quy hoạch tổng thể làng cổ Đường Lâm. Sau khi có quy hoạch tổng thể, theo bà Liên, cần khẩn trương phê duyệt các dự án thành phần như dự án về bảo tồn khẩn cấp có phân loại các ngôi nhà ở khu vực I, dự án về giãn dân, quy hoạch giãn dân. “Những việc này cần phải xong trước tháng 7-2013 để kịp thời ghi vốn thực hiện trong năm 2014” - bà Liên nhấn mạnh.

Đại diện cho các hộ dân ký đơn, chị Giang Tú Oanh (làng cổ Đường Lâm) nói người dân mong gặp bí thư Thành ủy lắm.

“Bức xúc đã lâu lắm rồi nhưng người dân nói không được. Năm 2005, khi được công nhận là làng cổ thì dân sướng, sau đó thì không ai sướng nổi. Muốn xây nhà phải xin phép nhiều nơi mà xin cũng không được. Không cơ quan chức năng nào đưa ra thiết kế, cứ xin lại kêu xây theo nhà truyền thống. Chúng tôi làm nông nghiệp, đâu có tiền đi mua ngói, mua gỗ để làm. Xây tường gạch, ximăng là vi phạm, vậy phải làm sao?” - chị Oanh nói.

Theo TS Đặng Văn Bài - phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, vấn đề cần phải xem xét là cái gì cần phải bảo tồn, cần phải giữ ở Đường Lâm?

“Hãy gần dân hơn nữa để cảm thông. Phải tháo gỡ bằng các mẫu nhà, cái đó đâu có khó nên cơ quan chức năng phải làm thiết kế. Tôi nghĩ cái cần giữ ở Đường Lâm là cảnh quan sinh thái, nhân văn của một làng cổ nông nghiệp. Lâu nay chúng ta mới chỉ chú trọng đến bảo tồn. Còn nguyên nhân bức xúc của bà con là nguyện vọng chính đáng không được giải quyết, không thể nhân danh bảo tồn mà để người dân sống khổ, vì vậy phải nhanh chóng phê duyệt quy hoạch tổng thể làng cổ. Phải nhanh chóng có khu giãn dân. Mình không thể yêu cầu dân phải thế này, thế kia mà phải hướng dẫn cho người dân cách làm, phải hỗ trợ để người dân tồn tại, sống được cùng di sản” - TS Bài phân tích.

Xem tiếp

GS Lưu Trần Tiêu - chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - khuyến nghị Hà Nội cần phải sớm thực hiện việc giãn dân. Theo GS Tiêu, ở làng cổ chỉ nên để mỗi hộ có bốn nhân khẩu. “Phần sinh sôi thì cho giãn dân ra chỗ khác nhưng vẫn phải có mối liên hệ với gốc tích của họ. Di sản phải sống với người dân, người dân phải là hơi thở của di sản. Giữ di sản chính là phải ưu tiên cho chính người dân sống ở trong đó” - GS Tiêu nói.

Giãn dân: mỗi hộ được cấp 180-240m2

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng sau tám năm được công nhận di tích quốc gia, việc quản lý làng cổ Đường Lâm có mặt được và nhiều mặt chưa được.

“Với Hà Nội, một TP có trên 5.000 di tích, trong đó 2.500 di tích đã xếp hạng từ thế giới, cấp quốc gia, TP. Chỉ cần một vài cái có bất cập, thiếu sót là có khuyết điểm rồi. Mấy ngày gần đây có mấy việc dồn dập, thứ nhất là chuyện đàn Xã Tắc, chùa Một Cột, chuyện người dân làng cổ Đường Lâm ký đơn... Cả ba di tích này đều đang được TP yêu cầu bàn thảo, lắng nghe. Tôi chia sẻ với người dân Đường Lâm trong việc phải tuân thủ các quy định, không được làm nhà cửa theo ý mình. Đúng là thủ tục xin phép xây dựng rất mất công, từ cấp xã lên bộ, qua sở rồi về thị xã, nếu không bị gây phiền hà đã là vất vả rồi, vì vậy đây là việc đầu tiên phải thay đổi, phải đơn giản, thông thoáng” - ông Nghị nhấn mạnh.

Theo ông Nghị, mô hình làng cổ Đường Lâm có tính chất đặc thù, di tích làng cổ trong Luật di sản văn hóa cũng chưa có. Vì vậy, việc chậm trễ tham mưu về chính sách, chậm trễ trong tháo gỡ vướng mắc cho người dân ngoài trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành của TP còn có cả phần trách nhiệm của các bộ như Bộ VH-TT&DL khi chậm trễ đôn đốc TP, phối hợp cùng TP, chỉ đạo UBND thị xã vào cuộc.

“Việc bức xúc của người dân là câu chuyện lớn, rất khó, phải tháo gỡ dần dần. Nhiều cái phải có lộ trình, bước đi, nhưng tinh thần là phải làm khẩn trương. Trước mắt phải làm ngay quy hoạch tổng thể, quy hoạch bảo tồn - tôn tạo, phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm, triển khai ngay dự án giãn dân theo đúng chỉ đạo của UBND TP trong tháng 6-2013” - ông Nghị yêu cầu.

Đề cập đến quy hoạch giãn dân, ông Nghị đồng ý với đề xuất của Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, UBND thị xã Sơn Tây, cho phép nghiên cứu triển khai việc xem xét có cơ chế cấp đất giãn dân theo hạn mức 180-240m2. Ông Nghị cũng yêu cầu UBND thị xã Sơn Tây tiếp tục lắng nghe, đối thoại với người dân trong làng cổ.

Tạo cơ chế thuận lợi cho việc xây dựng, sửa chữa nhà ở

Ông Phạm Quang Nghị chỉ đạo cần phải làm rõ cơ chế và tiêu chuẩn, điều kiện được cấp đất, điều kiện được miễn giảm tiền sử dụng đất giãn dân.

“Trong quy hoạch tới đây phải rõ việc xây dựng theo quan điểm: Trước hết là tạo cơ chế thuận lợi hơn trong việc cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà ở. Chúng ta không thể cầu toàn quá, cứng nhắc quá. Bảo tồn là với những nhà cổ đã được xác định, còn với hơn 1.000 nhà dân không phải là nhà cổ ở trong làng cổ thì cần mô hình về nhà ở, cần có thiết kế chung, cần quy định về kiểu dáng, vật liệu cho người dân xây dựng. Cũng có cái để người dân làm giả gỗ nhưng vẫn phải làm mái ngói là được. Ngay trong khu vực I - khu vực cần giữ nguyên trạng - tới đây cũng phải làm rõ những nhà cổ thì giữ nguyên trạng, nhà không cổ, nhà bình thường phải cho người dân xây 1-2 tầng nhưng theo kiến trúc mái ngói. Ngay cả khu vực II của làng cổ, nhà thường của dân thì vẫn để cho người dân xây dựng hai tầng như Sở Quy hoạch - kiến trúc đề xuất, nhưng với những công trình, nhà đặc biệt cổ ở khu vực II vẫn phải bảo tồn nguyên trạng. Như vậy mới tháo gỡ được bức xúc của người dân” - ông Nghị nhấn mạnh.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Giãn dân để cứu dân, cứu di sảnCó văn hóa để bảo tồn văn hóaBảo tồn nhưng phải bảo đảm quyền lợi của dânĐể bảo tồn, cần người dân ủng hộLập dự án giãn dân làng cổ Đường Lâm Làng cổ Đường Lâm: Nhận danh hiệu rồi chỉ khổ cái thân!

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên