14/05/2013 10:57 GMT+7

Để bảo tồn, cần người dân ủng hộ

LÊ THANH HẢI
LÊ THANH HẢI

TT - Xung quanh câu chuyện người dân Đường Lâm xin trả danh hiệu di tích quốc gia cho Nhà nước (Tuổi Trẻ các ngày 8, 9, 10 và 11-5), tham chiếu kinh nghiệm từ các nơi khác, ông Lê Thanh Hải (Viện hàn lâm Khoa học Ba Lan) vừa góp thêm ý kiến:

Giãn dân để cứu dân, cứu di sảnCó văn hóa để bảo tồn văn hóaBảo tồn nhưng phải bảo đảm quyền lợi của dân

ro7d7Waj.jpgPhóng to
Làng cổ Đường Lâm - Ảnh: Thanh Tâm

- Mô hình bảo tồn toàn bộ từng được áp dụng ở một số nơi, ví dụ như các khu rừng cấm ở Bắc Âu. Nhưng trong trường hợp đó dân cư được hưởng trợ cấp từ ngân sách, tức cũng là một cách trả lương cho thời gian sống trong điều kiện thiếu tiện nghi và không được cơi nới sửa chữa bên ngoài. Tương tự vậy, các thành phố lớn luôn có tiền từ ngân sách để bảo đảm sửa chữa nhà cổ để người ở bên trong vẫn đủ điều kiện sinh sống bình thường.

Người dân các bản ở Chiềng Mai phía tây bắc Thái Lan từ lâu đã quen với chuyện tiếp tục sống trong cảnh hoang sơ để kiếm thu nhập từ khách du lịch. Cũng giống như các mô hình tương tự ở châu Phi, họ phần nào phải chịu “thái độ thực dân” từ công việc của mình, nhưng bù lại là số tiền thu nhập đủ cao để hỗ trợ cảm giác khó chịu trong tinh thần.

Cư dân Mai Châu ở phía tây bắc Hà Nội cũng áp dụng thành công mô hình kinh doanh du lịch như vừa kể. Nhưng một loạt áp lực không được giải quyết phù hợp đã tạo ra câu chuyện Đường Lâm và đang đe dọa sự tồn tại của nhiều khu làng du lịch tương tự khắp mọi miền đất nước, từ làng Chăm Châu Đốc đến bản Lác Đà Lạt, Buôn Ma Thuột hay Sa Pa và Hà Giang. Khi đem ra khai thác du lịch thì mỗi di tích cổ đều phải tìm cho mình một vị trí phù hợp trong hoàn cảnh cuộc sống để khỏi bị triệt tiêu hay ngược lại làm hại sự phát triển. Một trong số những giải pháp thường gặp là tạo ra chỗ hở cho cái cũ tiếp tục tồn tại và tự mình biến chuyển.

Khu trung tâm thương mại Chitlom ở thủ đô Bangkok của Thái Lan khi xây dựng tòa cao ốc thương xá cùng đường tàu điện trên không đã chừa lại những ngôi đền nhỏ có sẵn từ xưa để khách qua lại có thể dễ dàng đến thắp nhang và treo vòng hoa sau giờ tan tầm như phong tục. Ngay cạnh đó, các khu nhà ổ chuột và khu chợ cho nhân viên văn phòng vẫn tiếp tục hoạt động và được nối liền bằng cây cầu đi bộ, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan và giao thông trên trục đường chính. Tương tự vậy, các xe buýt được cảnh sát giao thông tạm làm ngơ để đón khách dọc một đoạn đường dài chứ không phải vào bến để không làm thay đổi thói quen đã hình thành từ lâu trước đó của dân cư Bangkok. Người Hàn Quốc khi xây dựng nhà chung cư đã thiết kế sưởi ấm nền nhà để đem truyền thống vào hiện đại, hay khách sạn 5 sao không thiếu hố xí bệt để đáp ứng nhu cầu đã thành tập quán, tất nhiên có lắp thêm vòi nước nạm vàng để giúp người táo bón do ăn quá nhiều ớt - sản phẩm của thời hiện đại.

Tìm hiểu quan điểm của giới chuyên gia văn hóa về bảo tồn, chúng ta có thể tìm thấy nhiều điều bổ ích từ giáo trình nhân học của GS Michael Herzfeld từ Đại học Harvard, đặc biệt là bộ sách giáo khoa của ông về văn hóa do Unesco đặt hàng và xuất bản. Theo đó, văn hóa không phải là cái gì nhìn từ bên ngoài vào như kiểu các nhà thực dân ghi chép về các bộ lạc bản xứ, mà là sự “chung chạ” giữa những con người đang sống trong nền văn hóa đó.

Cách bảo tồn văn hóa tốt nhất chính là để văn hóa cùng tồn tại và phát triển với cuộc sống hằng ngày của người dân và được điều chỉnh bằng các giá trị cộng đồng, hơn là các quy định cực đoan thiếu cân nhắc nhu cầu dân cư lẫn tham chiếu kinh nghiệm từ các nơi khác. Cần nhớ rằng người dân ở Đường Lâm mới chính là người đang hằng ngày bảo tồn cái bản sắc văn hóa làng Đường Lâm, cho nên bất kỳ biện pháp bảo tồn nào nếu muốn phù hợp thì trước hết phải được họ ủng hộ.

Vk2AcEcy.jpgPhóng to
Những chữ ký mới của người dân Đường Lâm bên dưới lá đơn “xin trả lại danh hiệu” - Ảnh: Thanh Tâm

Xin trả Nhà nước di tích quốc gia:

Đã có 250 người dân Đường Lâm ký đơn

Đó là số chữ ký tính đến ngày 13-5 bên dưới lá đơn “xin trả lại danh hiệu” di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm cho Nhà nước của người dân làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, TP Hà Nội). Lá đơn có 250 chữ ký này là bản photo từ lá đơn có 78 chữ ký đã gửi đến UBND thị xã Sơn Tây, UBND TP Hà Nội và Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) như báo Tuổi Trẻ và sau đó là nhiều cơ quan báo chí đồng loạt đưa tin.

Nhiều người dân Đường Lâm chúng tôi gặp gỡ đều khẳng định đó là những chữ ký “tươi”, tự nguyện ký trực tiếp sau khi đọc lá đơn và tham khảo các ý kiến thẳng thắn trong đơn. Nếu tính trung bình mỗi chữ ký đại diện cho một hộ gia đình thì cả thôn Mông Phụ (khu trung tâm bảo vệ nghiêm ngặt với nhiều bức xúc nhất, với hơn 350 hộ dân) đã có tới 2/3 số hộ gia đình xin trả lại di tích cho Nhà nước. Điều này cho thấy nỗi bức xúc của bà con là chính đáng.

Sau khi lãnh đạo UBND TP Hà Nội lên tiếng hứa “sẽ giải quyết”, sau các cuộc làm việc của Bộ VH-TT&DL, của Sở VH-TT&DL Hà Nội, bà con lại càng có hi vọng các nỗi khổ, các khó khăn, các bất công ở di tích quý quê mình được tháo gỡ.

Cùng ngày, tại cuộc họp giao ban lãnh đạo bộ ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Thị Bích Liên đã yêu cầu Cục Di sản có văn bản báo cáo lại vụ Đường Lâm mà báo chí đang phản ánh, đồng thời yêu cầu cục tiến hành tham khảo ý kiến các chuyên gia để tư vấn cho chính quyền UBND TP Hà Nội có biện pháp tháo gỡ khắc phục hiện trạng báo chí nêu trên cơ sở tôn trọng Luật di sản và hài hòa lợi ích của nhân dân sống trong vùng di sản.

NGUYỄN THỊ THANH TÂM - V.H.

LÊ THANH HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên