24/01/2017 22:10 GMT+7

Để không hạn chế quyền mua xe mà vẫn giảm xe trên đường

TRẦN LONG
TRẦN LONG

TTO - Đại diện Bộ Tư pháp đã khẳng định đề xuất mỗi công dân chỉ được sở hữu một xe hơi, một biển số của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội là chưa phù hợp Hiến pháp.

Xe gắn máy, xe hơi, xe buýt kẹt cứng trên đường phố TP.HCM chiều 22-1 -  Ảnh: HỮU KHOA
Xe gắn máy, xe hơi, xe buýt kẹt cứng trên đường phố TP.HCM chiều 22-1 - Ảnh: HỮU KHOA

Đại diện Bộ Tư pháp khẳng định: “Nếu hạn chế quyền con người, quyền công dân, quyền sở hữu tài sản thì không phù hợp theo Hiến pháp, bởi Hiến pháp quy định việc hạn chế các quyền này phải theo quy định của luật, vì lý do quốc phòng an ninh hoặc sức khỏe cộng đồng”.

Hạn chế quyền sở hữu

Trước đó, với lý do để giảm ùn tắc giao thông, quản lý phương tiện, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội đã có đề xuất mỗi công dân chỉ được sở hữu một ôtô và được cơ quan quản lý cấp cho một biển số xe duy nhất. Nếu có nhu cầu mua xe mới thì phải bán xe đang dùng đi còn biển số xe thì vẫn có thể giữ lại để sử dụng cho xe sau.

Đại tá Đào Vịnh Thắng - trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội cho biết đề xuất trên là một trong những sáng kiến gửi đến Công an TP Hà Nội nghiên cứu và đề xuất Chính phủ đưa vào thực hiện nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Tuy cho rằng đây là một sáng kiến gửi đến Công an TP Hà Nội nhưng ông Thắng cũng thừa nhận đề xuất này không mới vì nhiều nước trên thế giới đã áp dụng từ lâu.

Ngay tại Việt Nam, một phương án tương tự cũng đã được đưa ra từ năm 2003. Cụ thể ở thông tư 02-2003, Bộ Công an đã quy định mỗi người chỉ được đăng ký một xe gắn máy.

Lý do ban hành thông tư ở thời điểm đó cũng xuất phát từ việc tìm giải pháp chống kẹt xe và giảm tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, sau thời gian áp dụng, tình hình giao thông cũng chẳng khá gì hơn. Dân gian vẫn truyền miệng nhau câu mỉa mai “có cho mua mấy xe thì một người cũng chỉ lái một chiếc ra đường". Chẳng những thế, việc hạn chế quyền mua xe đã nảy sinh hàng loạt tiêu cực khác.

Trước tình hình đó, Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ việc Bộ Công an đưa ra quy định “mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy” thực chất đã hạn chế quyền sở hữu của công dân.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định, quy định trên của Bộ Công an đã “gián tiếp tạo ra những thủ tục rườm rà, phức tạp, gây khó khăn trong các giao dịch mua bán xe máy”.

Thường vụ Quốc hội kết luận quy định này không phải là giải pháp có hiệu quả nhằm hạn chế và tiến tới giảm dần số vụ tai nạn giao thông và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Rốt cuộc, đến tháng 11-2005, Bộ Công an phải bãi bỏ qui định bất hợp lý trên.

Như vậy, tuy là hai loại xe nhưng về quyền sở hữu và nhu cầu đi lại của người dân thì xe gắn máy hay xe hơi cũng chẳng khác gì nhau. Một qui định sai và không hiệu quả đã bị thu hồi. Thế mà nay, lại có ý tưởng đề xuất lặp lại cái sai đó.

Qua sự việc này, một lần nữa cho thấy sự bối rối của các cơ quan quản lý trong việc giải bài toán giao thông. Đành rằng bài toán giao thông ở Việt Nam hiện tại là bài toán hóc búa. Và có vẻ như càng ngày càng trở nên hóc búa hơn. Các cơ quan hữu quan đã và đang nỗ lực rất nhiều đề tìm lời giải phù hợp. Và cái lý thuyết muốn giải quyết bài toán giao thông “phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp” đã được nói quá nhiều.

Nếu không tìm điểm bắt đầu hợp lý, có lẽ bài toán ấy vẫn mãi thiếu đáp số. Và điểm bắt đầu ở đây, chắc chắn phải loại trừ việc đánh vào quyền sở hữu của người dân. Bởi vì theo quy định tại Điều 58 Hiến pháp và Điều 221 Bộ luật Dân sự, công dân có quyền sở hữu tài sản không bị hạn chế về số lượng, giá trị.

Mạnh tay với những thứ mình quản lý

Nhà nước nói chung, cơ quan quản lý, điều hành giao thông nói riêng hãy sử dụng quyền của mình để tác động vào những thứ mà mình đang quản lý trực tiếp. Đó là mặt đường, là quyền kiểm soát đi lại…

Hãy để cho người dân có quyền mua một hay nhiều xe tùy vào khả năng, nguyện vọng của họ. Nhưng việc xe của họ có được lăn bánh ra đường (do nhà nước quản lý) hay không là chuyện khác. Singapore đã áp dụng phương pháp kiểm soát này bằng giấy phép lưu hành rất hiệu quả.

Giá một giấy phép lưu hành xe hơi ở Singapore cực cao, tương đương với một chiếc xe hơi xịn tại Việt Nam. Nếu một năm, nhà nước có thể kiểm soát được lượng giấy phép lưu hành cả xe gắn máy, xe hơi được bán ra chắc chắn sẽ đỡ phải đau đầu về lượng xe lưu thông trên đường.

Một điều nữa khi đề cập đến có thể khiến nhiều người thấy khó chịu nhưng thực tế quyền phân luồng, phân tuyến, cấm xe loại xe nào, đường nào là quyền của các cơ quan quản lý. Dựa trên tình hình thực tế và yêu cầu phát triển, các cơ quan quản lý có thể đặt ra các hình thức kiểm soát giao thông khác nhau. Và như vậy, ở những con đường bị hạn chế, có một xe hay nhiều xe chẳng khác gì nhau.  

Trong khi đó, hiện ai cũng thấy xe buýt gần như không thể chạy nhanh hoặc phải chạy rất ẩu bởi vẫn phải chen lấn với xe gắn máy, xe hơi. Nếu quyết liệt với biện pháp bán giấy phép lưu hành kết hợp với phân tuyến, nói cách khác là hạn chế xe cá nhân ở một số tuyến đường, chắc hẳn xe buýt sẽ chạy nhanh hơn, chở được nhiều người hơn. 

Người dân cũng cực chẳng đã chứ không có nhiều người thích chen chúc dầm mưa dãi nắng, hít bụi trên chiếc xe gắn máy. Nếu có hệ thống xe buýt tương đối, người dân chẳng dại gì mà không lựa chọn.

Còn trong trường hợp nhà nước chưa đủ sức đầu tư hệ thống xe buýt đáp ứng nhu cầu, hãy tạo điều kiện để nhà đầu tư cùng tham gia và khai thác hệ thống này.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Bạn đọc có thể trao đổi với tác giả qua email: tto@tuoitre.vn hoặc ô bình luận bên dưới. 
TRẦN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên