23/01/2017 16:29 GMT+7

Đề xuất mỗi người sở hữu một ôtô chưa phù hợp Hiến pháp

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Tú, vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, tại buổi họp báo thông tin tình hình hoạt động của bộ quý 4-2016 chiều 23-1.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế trả lời báo chí - Ảnh: Thân Hoàng
Ông Nguyễn Thanh Tú, vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, trả lời báo chí - Ảnh: Thân Hoàng

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội vừa có đề xuất mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 ôtô, 1 biển số để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, ông Tú cho biết đề xuất này sẽ được đề cập tới trong cuộc họp của Chính phủ chiều nay.

Theo ông Tú, đề xuất của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội chưa hoàn toàn hợp pháp, chưa hợp lý, chưa phải phương án tối ưu trong bối cảnh cần tôn trọng quyền con người, quyền công dân, quyền sở hữu tài sản.

“Nếu hạn chế quyền con người, quyền công dân, quyền sở hữu tài sản thì không phù hợp theo Hiến pháp, bởi Hiến pháp quy định việc hạn chế các quyền này phải theo quy định của luật, vì lý do quốc phòng an ninh hoặc sức khỏe cộng đồng”- ông Tú nói.

Về quan điểm cá nhân, ông Tú cho biết để có thể giải quyết ùn tắc giao thông thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đến các quy định của pháp luật trong quản lý nhà nước. 

“Muốn hạn chế xe cá nhân thì có thể thu thuế, thu lệ phí trên đầu phương tiện. Ví dụ người muốn sở hữu xe ô tô thứ 2, thứ 3 trở lên sẽ bị đánh thuế rất cao”, ông Tú phân tích.

Ông Đỗ Đức Hiển - chánh văn phòng Bộ Tư pháp - người chủ trì buổi họp báo, cũng cho biết các ban ngành vẫn đang bàn bạc các giải pháp để tìm ra phương án tốt nhất nhằm hạn chế xe cá nhân và giảm ùn tắc giao thông.

“Giải pháp tốt nhất phải vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước vừa đảm bảo quyền con người, quyền công dân, quyền đi lại của công dân” - ông Hiển nói.

Ông Trần Việt Hưng, Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo - Ảnh: Thân Hoàng
Ông Trần Việt Hưng, Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo - Ảnh: Thân Hoàng

Sửa luật để có thể tạm ứng bồi thường

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc thực hiện tạm ứng tiền bồi thường cho người bị oan sai, ông Trần Việt Hưng- Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước – cho biết trong thời gian vừa rồi Bộ Tư pháp đã phối hợp với Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo của Luật Bồi thường nhà nước trong đó có đặt ra vấn đề tạm ứng tiền bồi thường cho người bị oan sai.

“Các cơ quan chuyên mỗ vẫn đang tiếp tục bàn thảo, khi Luật được đưa vào thực tế, những người bị oan sẽ được tạm ứng tiền bồi thường. Những quy định mới sẽ tạo thuận lợi cho công dân đồng thời cơ quan nhà nước cũng giảm bớt khó khăn trong giải quyết bồi thường”, ông Hưng nói.

Về việc thực hiện bồi thường cho tử tù Hàn Đức Long (Bắc Giang), theo ông Hưng trách nhiệm thuộc các cơ quan tố tụng có sai sót gây oan sai cho ông Long. Bộ Tư pháp đã nhận được đề nghị của luật sư Ngô Ngọc Trai về việc hỗ trợ ông Long, nếu ông Long có nhu cầu thì có thể tới Cục Bồi thường nhà nước để trung tâm hỗ trợ thuộc Cục có thể tư vấn cho ông Long thực hiện quyền của mình.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên