Kênh Nước Đen hồi sinh sau khi được thành phố đầu tư hơn 600 tỉ đồng cải tạo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bao năm sống bên dòng kênh nước đen kịt, đến nay người dân chúng tôi như được tái sinh sau khi chính quyền TP đầu tư cải tạo con kênh sạch đẹp. Thế nhưng đâu đó còn không ít người thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm vẫn còn đang diễn ra.
Tôi nhớ cách đây gần 15 năm trên báo Tuổi Trẻ có bài viết "Sống ở nơi ô nhiễm bậc nhất Sài Gòn" (số báo ngày 10-9-2008) viết về tình trạng ô nhiễm trên Kênh Nước Đen đã gây hiệu ứng mạnh trong dư luận xã hội. Kênh Nước Đen còn là tên con đường ở trước nhà tôi nữa.
Nhiều lúc tôi cũng chạnh lòng mỗi khi có ai hỏi nhà tôi ở đâu, tôi lí nhí trả lời "Nhà ở số..., đường Kênh Nước Đen...".
Sau hai năm được cải tạo với mức đầu tư hơn 600 tỉ đồng, Kênh Nước Đen (quận Bình Tân, TP.HCM) từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt.
Trước đây, mỗi khi mưa xuống hay nắng gắt, mùi hôi thối từ rác thải và bùn bẩn ở lòng kênh bốc lên nồng nặc, không khí bị ô nhiễm nặng nề bởi khói từ các cơ sở nhuộm tỏa ra như sương mù.
Sau khi các cơ sở nhuộm được TP di dời, con kênh được cải tạo nên sạch đẹp hơn nhiều. Con đường thông thoáng và không còn rác thải. Người dân đi lại, tập thể dục thuận tiện.
Dọc hai bên bờ Kênh Nước Đen, không khó để thấy chính quyền địa phương treo nhiều bảng thông báo về các hình thức xử phạt người đổ rác không đúng nơi quy định. Đồng thời, bờ kênh còn được giám sát bởi camera, người vi phạm đổ rác không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt từ 5 - 7 triệu đồng.
Khi Kênh Nước Đen được cải tạo thì chất lượng đời sống, cảnh quan đô thị, bộ mặt dân cư xung quanh kênh được nâng lên như "rũ bùn đứng dậy sáng lòa".
Chính vì vậy, tôi rất lo lắng, bức xúc khi còn một số người vẫn đối xử với Kênh Nước Đen y như thời ô nhiễm trước đây. Họ vẫn ăn uống, xả rác thải vô tội vạ xuống dòng kênh, sống theo kiểu bản năng đầy ích kỷ.
Thậm chí sau khi cải tạo, một số đoạn lan can sắt bảo vệ hành lang dọc bờ kênh bị trộm tháo dỡ. Khi lan can bị mất cắp, để đảm bảo an toàn, những vị trí này được chằng dây, rào tạm bằng lưới B40 là không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, tại một số đoạn khác thì người dân lại tận dụng lan can làm nơi phơi quần áo, để đồ đạc hoặc xả rác ra vỉa hè trên bờ kênh.
Đi dọc Kênh Nước Đen đến đoạn giao với kênh Tham Lương sẽ thấy một bên sạch sẽ và một bên nhếch nhác, ô nhiễm do chưa được cải tạo thì mới thấm thía cái giá trị hữu hình mà chúng ta đang thụ hưởng.
Chính quyền TP đã làm hồi sinh Kênh Nước Đen để dần thoát khỏi hình ảnh ô nhiễm của nó. Bên cạnh những hình thức chế tài, xử phạt, tự thân người dân chúng ta nên sống có ý thức, trách nhiệm hơn để Kênh Nước Đen không còn đen.
Cần chế tài thật nặng hành vi xả rác xuống kênh
Nhằm bảo vệ hệ thống sông rạch, tài sản vô giá của TP.HCM, theo tôi cơ quan chức năng nên tăng cường giám sát, chế tài thật nặng đối với hành vi xả rác gây ô nhiễm dòng chảy.
Bên cạnh các nỗ lực xử lý nước thải, kêu gọi ý thức sinh hoạt cộng đồng thì việc mạnh tay xử phạt là hết sức cần thiết.
Tôi có niềm tin đại đa số người dân TP đều đồng lòng, ủng hộ các biện pháp cứng rắn của cơ quan chức năng để gìn giữ và hồi sinh các dòng kênh của chúng ta được xanh trong.
Bạn đọc Hoàng Văn Tuấn (quận Tân Bình, TP.HCM)
Mời tham gia diễn đàn "Kênh rạch Sài Gòn xưa - nay và ngày mai"
Vấn đề bảo vệ môi trường kênh rạch hiện là một thử thách đối với chính quyền và người dân TP.HCM - nơi tập trung sinh sống, làm ăn của hơn 10 triệu dân. Vùng đất Sài Gòn - Gia Định từ 300 năm qua đã gắn liền với sông Sài Gòn và những dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé...
Đó là huyết mạch giao thông, giao thương, tiêu thoát nước, xử lý môi trường và cũng là nét văn hóa của TP đông dân nhất nước.
Dù chính quyền có đề ra nhiều chính sách và luật lệ môi trường, nhưng ý thức sinh hoạt cộng đồng trong mỗi cư dân sẽ là yếu tố quyết định để bảo vệ cho những dòng kênh mãi xanh.
Từ ngày 2-12, Tuổi Trẻ chính thức phát động diễn đàn "Kênh rạch Sài Gòn xưa - nay và ngày mai" để trân trọng tiếp nhận góp ý của quý bạn đọc. Nội dung viết về những ký ức, văn hóa kênh rạch xưa và nỗi buồn ô nhiễm của hôm nay, đồng thời hiến kế xây dựng cho ngày mai.
Bài viết xin gửi về email baoky@tuoitre.com.vn. Tác giả vui lòng ghi tên, số điện thoại và tài khoản nhằm giúp báo Tuổi Trẻ thuận lợi chi trả nhuận bút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận