Kênh Tham Lương đoạn qua quận 12, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Và người dân chúng tôi rất mong dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được hiện thực hóa trong tương lai gần.
Nhắc đến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có lẽ người ta nhớ nhất không phải là những hình ảnh đẹp, mà đó là con kênh luôn xuất hiện ngổn ngang những đống xà bần, phế thải xây dựng.
Ngày càng ô nhiễm
Không chỉ nằm trên vệ đường, nhiều khối lượng xà bần, phế thải bị đổ trộm còn tràn cả xuống lòng kênh, khiến việc tiêu thoát nước của con kênh bị ùn ứ, tắc nghẽn nhiều hơn.
Quay lại thời gian một chút, những ai gắn bó với dòng kênh này thì khoảng năm 1995-1996, con kênh vẫn còn trong veo, sạch sẽ lắm. Nhưng rồi theo thời gian, khi các nhà máy rồi nhà cửa của dân đua nhau mọc lên khiến con kênh này ngày càng ô nhiễm. Rác và nước thải khiến dòng nước của kênh đen ngòm và đặc quánh.
Chỉ cần đi dọc con kênh này ở các quận như 12, Gò Vấp thì không khó bắt gặp nó luôn trong tình trạng nước đen ngòm, nhiều bao ni lông, chai lọ, thùng xốp, xác động vật xuất hiện trong vành đai kênh. Người dân khu vực bao năm qua đều sống trong cảnh nắng thì nóng hôi, mưa thì ngập úng, bẩn thỉu.
Thế nên từ nhiều năm trước, khi hay tin về dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài 32,7km với tổng mức đầu tư 8.200 tỉ đồng được đề xuất đầu tư nhằm cải thiện môi trường, chống ngập cho bảy quận huyện của TP.HCM thì dân cư các quận, huyện sống ở kênh đều phấn khởi thấy rõ. Không mừng sao được, bởi từ năm 1999, cán bộ địa phương đã đến đo đạc cắm mốc nhưng chờ hơn 20 năm, đến nay dự án mới khởi động lại một cách hoàn chỉnh.
Hơn 2 triệu người hưởng lợi
Dự án này đảm bảo ba tiêu chí lớn gồm giảm ngập nước, giải quyết ô nhiễm môi trường và giải quyết ùn tắc giao thông.
Nhiệm vụ lớn nhất là giải tiêu thoát nước, chống ngập cho khu vực trung tâm và khu vực phía tây bắc thành phố. Khi hoàn thành, dự án tạo sự đồng bộ để phát huy hiệu quả các dự án thoát nước đã và đang triển khai thực hiện đầu tư.
Còn hạng mục đường giao thông dọc hai bên bờ kênh gần 33km được xây dựng (mặt đường từ 8-12m, vỉa hè hai bên rộng từ 2,5-4m và ba cầu dọc theo tuyến) sẽ thành trục động lực phát triển phía tây thành phố, hạn chế tình trạng kẹt xe khu vực nội thành.
Bên cạnh việc nạo vét toàn tuyến kênh với chiều rộng kênh từ 30-90m, sâu từ 4-5m, dự án còn làm mới, sửa chữa các cống ngang đấu nối ra kênh. Đặc biệt, sẽ có 12 bến thuyền dọc theo tuyến được xây dựng góp phần hình thành trục giao thông thủy kết nối với các tỉnh miền Tây Nam Bộ qua cửa ngõ đường thủy Long An và kết nối với các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.
Theo thông tin chính thức từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, giai đoạn 1 gồm nạo vét và giải phóng mặt bằng đã thực hiện xong để vào giai đoạn tiếp theo. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 8.200 tỉ đồng, triển khai trong giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 4.000 tỉ đồng, còn lại là ngân sách thành phố 4.200 tỉ đồng.
Làm bài toán so sánh để thấy, nếu như kênh Tân Hóa - Lò Gốm khi được nạo vét, làm đẹp có khoảng 1,2 triệu dân cư hưởng lợi trực tiếp thì con số này ở kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là gấp đôi. Sẽ có hơn 2 triệu người trong lưu vực rộng 15.000ha được cải thiện chất lượng đời sống, môi trường xanh sạch đẹp hơn, cơ hội nâng tầm và phát triển bền vững hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận