Gian hàng xây dựng lối sống xanh do Quận Đoàn 5 (TP.HCM) tổ chức tại ngày hội thanh niên - Ảnh: KIM ANH
Chúng ta có thể xử lý hậu quả ở phần ngọn, phần thân, nhưng gốc rễ vẫn phải nằm ở ý thức mỗi cá nhân trong cộng đồng.
Xây dựng ý thức khi ngồi trên ghế nhà trường
Tôi nhớ khi còn là một cô học sinh lớp 9, tôi đã có cơ hội tham gia cuộc thi "Văn hay chữ tốt" do quận Bình Tân (TP.HCM) tổ chức. Hôm ấy, đoàn thí sinh dự thi của chúng tôi được cho đi thực tế một vòng bên kênh Nước Đen. Đó là một con kênh oằn mình trước chất thải đang hằng ngày trút xuống, màu nước đen ngòm và mùi hôi thối cứ thế bốc lên.
Không có con kênh, dòng sông nào có thể sạch nếu mọi người vẫn thản nhiên nghĩ rằng đó là nơi tiện tay để ném vội bao rác, túi ni lông, ly nhựa... Có lần một, lần hai thì sẽ có lần ba, lần bốn cũng như vô số lần sau đó. Một người làm sẽ kéo theo hai người, ba người và những người khác cùng làm. Bởi họ không bị phạt hay bị chỉ trích, từ đó họ nghiễm nhiên cho rằng việc ấy không phải thứ gì to tát và không dính dáng, ảnh hưởng tới ai.
Thiết nghĩ để thay đổi được căn cơ vấn đề ô nhiễm kê rạch do rác thải thì phải bắt đầu từ công tác giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai. Trường học giờ đây không đơn thuần là dạy chữ mà phải dạy cả những vấn đề thời sự, những vấn đề nóng của xã hội. Phải cho các em hiểu rằng một hành động nhỏ của ngày hôm nay có thể là hậu quả lớn của ngày mai, và hậu quả ấy như thế nào phụ thuộc vào chính ý thức ở bản thân các em.
Nhìn vào người Nhật, tại sao họ có thể giáo dục thành công trẻ em từ rất sớm về ý thức giữ gìn vệ sinh nhà ở, trường học và môi trường xung quanh mà ta lại không học tập? Hình thành thói quen từ nhỏ sẽ giúp các em thực hiện được nhiều điều hơn khi lớn lên và khi nếp sống quy củ đã ăn sâu vào tiềm thức, những bài học ấy sẽ được truyền lại cho các lứa tiếp theo. Ngay hiện tại, chính các em cũng có thể nhắc nhở hành vi không đúng của người lớn hoặc người lớn nhìn ý thức bảo vệ môi trường của các em mà giật mình soi rọi lại mình.
Kênh rạch gắn liền với đời sống hằng ngày của chúng ta, nhưng vẫn rất nhiều người không nhận thấy đó là trách nhiệm của họ và họ không có nghĩa vụ gì trong việc thay đổi vấn đề này.
Cần sự quyết tâm, đồng lòng của mọi người
Với sự phủ sóng của công nghệ như hiện nay, hãy tiếp cận người trẻ theo cách của họ. Điều đó có nghĩa là ta phải tăng cường nhiều hơn những cuộc thi, chiến dịch có quy mô lớn và dài hơi hành động vì môi trường, lan tỏa, tuyên dương những ai có sự nỗ lực cống hiến thông qua mạng xã hội. Các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, Nhà nước nên quan tâm, hành động nhiều hơn để thúc đẩy động lực bảo vệ môi trường của lực lượng thanh thiếu niên hiện nay. Hãy cam kết về việc hỗ trợ lâu dài cho người trẻ khi họ cần, vì để đi đường dài trong việc bảo vệ kênh rạch.
Đừng để người trẻ cảm thấy lạc lõng trên hành trình này, nỗ lực nhưng không thu được kết quả. Họ có thể dọn sạch rác trong một tuần, nhưng nếu sự vô ý thức tiếp tục tái diễn thì sẽ phải bỏ ra thêm nhiều "một tuần" như thế, công sức của họ sẽ trở nên vô ích vì việc ô nhiễm vẫn cứ thế lặp lại. Thế nên, công việc này cần sự chung tay của toàn xã hội để nó có thể trở thành một thói quen bài bản hơn thay vì chỉ là một số hành động tự phát, nhỏ lẻ.
Đây là một chặng đường dài đòi hỏi tất cả mọi người cần quyết tâm, đồng lòng tới cùng. Và chính chúng ta sẽ quyết định số phận những dòng kênh rạch hôm nay và mai sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận