18/11/2013 04:51 GMT+7

Để Hiến pháp thật sự là "thần linh pháp quyền"

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

TT - LTS: Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội, vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp 1992 đang được Quốc hội thảo luận. Chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc:

WELwAJlh.jpgPhóng to
Ảnh: Mai Hương

Nếu mọi cuộc cách mạng chính trị đều nhằm mục tiêu giành quyền lực thì hiến pháp của một quốc gia theo chế độ cộng hòa dân chủ là nơi thể hiện tập trung nhất quyền lực đó thuộc về ai.

Hiến pháp của toàn dân

"Có một hiến pháp dân chủ đích thực đã khó, giữ được nó, làm cho nó trở thành một nguyên tắc tối thượng của đời sống, xuyên suốt mọi bộ phận của quốc gia lại càng khó hơn"

Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Ngay từ ngày 3-9-1945, dù phải cùng lúc chống ba thứ giặc đói-dốt-ngoại xâm, chính quyền cách mạng đang còn “trong trứng nước”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn coi việc xây dựng hiến pháp là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách nhất. Chính phủ Hồ Chí Minh không nắm luôn quyền lực mà kiên quyết tiến hành bầu cử quốc hội lập hiến, dựa vào hiến pháp ấy để bầu cử nghị viện nhân dân. Điều quan trọng là nghị viện ấy, dù “là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” (điều 22) vẫn không có quyền sửa hiến pháp. Việc sửa hiến pháp phải qua các bước sau đây: do 2/3 tổng số nghị viên yêu cầu, nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi, và những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết (điều 70).

Hiến pháp 1946 đích thực là hiến pháp của toàn dân vì được ban hành bởi một Quốc hội được dân bầu một cách phổ thông, kín và trực tiếp, nhưng không thể được tự ý sửa chữa bởi một nhóm vài trăm nghị viên. Dù chưa thật hoàn thiện và đến nay cũng có những nội dung không còn phù hợp, nhưng cái làm cho Hiến pháp 1946 không thua kém một hiến pháp dân chủ nào, kể cả Mỹ và Pháp, chính là cái tinh túy này: trong một chế độ dân chủ cộng hòa đích thực, mọi quyền lực đều “của dân, do dân, vì dân”, vì vậy hiến pháp phải do nhân dân làm ra, và chỉ có nhân dân mới được sửa, theo ý chí của mình. Có thể nói hai điều vĩ đại nhất của cuộc Cách mạng Tháng 8 là sự hiến định “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa” (điều 1), và Hiến pháp 1946 do nhân dân, thông qua Quốc hội lập hiến, làm ra.

Đừng để “chỉ là tiếng vang...”

Nói đi phải nói lại. Kể cả ở những nước có một bản hiến pháp rất dân chủ, nhà nước và nghị viện vẫn luôn bị những sức ép làm cho những chính sách và luật pháp của nó đi chệch, thậm chí xâm phạm hiến pháp ấy. Đó là sức ép của các thế lực chính trị ích kỷ, của những nhóm tài phiệt tham lam, của những cường quốc bá quyền. Có một hiến pháp dân chủ đích thực đã khó, giữ được nó, làm cho nó trở thành một nguyên tắc tối thượng của đời sống, xuyên suốt mọi bộ phận của quốc gia lại càng khó hơn. Để làm được điều này cần phải có một cơ chế chính trị phù hợp dựa trên những quy luật của tự nhiên, xã hội và nhân sinh. Ví dụ, tham lam là một tính xấu tự nhiên của con người, nếu không chế ngự được bằng đạo đức, giám sát của xã hội và kỷ cương pháp luật thì nó sẽ lấn át và bất chấp. Giao quyền lực cho một kẻ tham lam mà không kiểm soát, ngăn chặn hay trừng trị được thì họ sẽ dùng quyền lực ấy phục vụ cho lợi ích của cá nhân, dòng tộc và cánh hẩu. Ví dụ khác, kẻ có quyền luôn có xu hướng lạm quyền nếu những vi phạm của họ không bị kiểm soát, trừng phạt và tước bỏ quyền lực khi cần thiết. Minh chứng cho điều này là những ông tổng giám đốc quốc doanh biết chắc mẩm là dù mình có phung phí và chiếm hữu hàng chục ngàn tỉ đồng, thì với đồng tiền và thế lực hiện có, nếu lỡ khinh suất có phải ra tòa thì cũng sẽ có người “chạy”, vì sợ “bứt dây động rừng”.

Như đã thấy ở không ít quốc gia, khi “tiền” và “quyền” câu kết với nhau thành những thế lực chi phối bộ máy nhà nước, những thế lực ấy luôn tìm cách biến pháp luật, kể cả hiến pháp, thành những định chế hình thức, thậm chí vô hiệu. Lenin, sau năm 1917, đã từng nói: pháp luật mà không được thực thi thì chỉ là “những tiếng vang trong không khí”. Các quy luật xã hội, khác với tự nhiên, chỉ có thể vận hành thông qua con người; người thì thúc đẩy, kẻ thì kiềm hãm, tùy theo nhận thức, năng lực hay lợi ích của họ. Có một hiến pháp tốt vẫn chưa đủ: cần phải có một bộ máy nhà nước với những thể chế hiệu quả và người lãnh đạo hiền tài, có tâm huyết và khả năng biến thành hiện thực những điều đúng đắn, tốt đẹp được ghi trong hiến pháp.

Năm 1919, sau khi gửi “Yêu sách của nhân dân An Nam” đến phe đồng minh thắng trận, Nguyễn Ái Quốc đã soạn Việt Nam yêu cầu ca để phổ cập các yêu sách đó, có câu như sau: “Bảy xin hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nhưng con người là thế: bên cạnh những người sống với “Phật tại tâm”, “tu tại gia”, lại có những kẻ ”buôn thần bán thánh”. Kể cả một bản hiến pháp tốt cũng chỉ trở thành “thần linh pháp quyền” khi nó không chỉ là một bài vị trên bàn thờ có khói hương nghi ngút, được bái lạy sì sụp. Hiến pháp chỉ là thần linh khi nó trở thành lương tri trong tâm thức của công chức, kim chỉ nam trong các quyết định của người lãnh đạo, sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi chính sách và hành động của bộ máy nhà nước, quyền được viện dẫn và khiếu kiện của người dân. Để có một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, một bản hiến pháp tốt là cực kỳ quan trọng, nhưng cũng chỉ là một “điều kiện cần” mà thôi.

Trương Trọng Nghĩa

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên