27/09/2021 13:47 GMT+7

Để giữ tăng trưởng, phải giải ngân hiệu quả

N.AN
N.AN

TTO - TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhận định tăng trưởng GDP quý 3 dự kiến có thể âm 2% so với cùng kỳ năm 2020, do những trụ cột lớn là nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ bị tác động bởi dịch COVID-19.

Để giữ tăng trưởng, phải giải ngân hiệu quả - Ảnh 1.

Dự báo tăng trưởng kinh tế quý 3 sẽ âm 2% so với cùng kỳ - Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì sáng 27-9, TS Cấn Văn Lực đồng tình với nhận định dự báo của Bộ Kế hoạch - đầu tư về tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 có thể đạt 3,5 - 4%.

Theo đó, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm cũng sẽ khoảng 15-17%, lạm phát cả năm dự kiến đạt khoảng 2,5 - 2,7% nhưng vẫn chịu áp lực lạm phát tăng nhanh và mạnh.

Giải thích thêm về việc GDP quý 3 có thể âm 2% so với cùng kỳ 2020, ông Lực phân tích dự báo được đưa ra căn cứ vào đánh giá, tính toán ba trụ cột chính là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Trong đó, giảm sâu nhất là lĩnh vực dịch vụ, nhất là du lịch, lưu trú, nhà hàng, bán lẻ.

Kinh tế đang phát triển theo mô hình chữ K nên có ngành phát triển rất tốt trong dịch bệnh như ICT, sắt thép… nhưng cũng có ngành giảm như du lịch, lưu trú, kể cả giáo dục. Từ đầu năm tới nay, ngành dịch vụ giảm 4,7% và quý 3 có thể giảm trên 10% nhưng quý 4 có thể phục hồi.

Dù công nghiệp - xây dựng vẫn duy trì nhưng đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch lần thứ 4. Hiện ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang góp 16-17% GDP, nên nếu triển vọng kinh tế quý 4 phục hồi tốt và duy trì được công suất 50 - 70% lĩnh vực này sẽ phục hồi tốt hơn.

"GDP quý 3 có thể âm là việc phải chấp nhận vì đây là quý khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam. Phong tỏa, giãn cách xã hội quyết liệt, dịch bệnh phức tạp nhất, 25 tỉnh thành phong tỏa gồm cả Hà Nội, TP.HCM cho thấy tác động ghê gớm của dịch bệnh" - ông Lực phân tích.

TS Vũ Thành Tự Anh - giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright - cũng cho hay tác động của đợt dịch lần thứ 4 phản ánh rõ trong bức tranh kinh tế. Theo đó, cần có giải pháp để giải ngân hiệu quả nhất gói an sinh xã hội và các gói hỗ trợ, phê chuẩn triển khai ngay gói miễn giảm thuế; khởi động lại các dự án đầu tư công.

Về phục hồi kinh tế cần đạt 3 mục tiêu lớn gồm khôi phục và phát triển doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, có khung chiến lược phát triển, nhận dạng được các động lực mới, quy hoạch phát triển đô thị; chuyển đổi số…

Đồng thời, tập trung ba chính sách gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách cho nhóm yếu thế; chính sách y tế và tổ chức y tế, khám bệnh điện tử; chính sách giáo dục…

Với dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 3,5 - 4% trong năm nay, ông Lực cho hay trong quý 3 ước có thể âm 2% so với cùng kỳ năm 2020. Do đó, muốn đạt tăng trưởng 3,5% năm nay, quý 4 phải tăng 5%; nếu GDP cả năm 4%, quý 4 phải tăng trưởng khoảng 6%.

Mặc dù nhận định kết quả kinh tế quý 3 kém tích cực, nhưng với việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc xin và mở cửa nền kinh tế để đạt mục tiêu trên.

Dự báo, khả năng GDP năm 2022 cũng sẽ ở mức khoảng 6,5-7% và lạm phát sẽ trên 3%.

Gói hỗ trợ phục hồi phải bắt nhịp đà phục hồi và xu thế mới

Trước yêu cầu cấp thiết phải mở cửa và phục hồi kinh tế, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho rằng các gói hỗ trợ cho chương trình phục hồi 2 năm tới cần phải bắt nhịp được đà phục hồi với các nước xung quanh khu vực, các đối tác chiến lược của Việt Nam, cũng như bắt nhịp xu thế lớn của thế giới như tiêu dùng, lối sống, cuộc cách mạng công nghệ, năng lượng gắn với quản trị rủi ro.

Như vậy, chương trình phục hồi phải bao gồm cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, đầu tư, hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo, lao động, chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng…

Để quay lại sản xuất, ba vấn đề lớn cần quan tâm là cần có khung, khuôn khổ phòng chống dịch, quay lại sản xuất kinh doanh; vấn đề lao động gắn với sự dịch chuyển, trạng thái lao động khi doanh nghiệp cho rằng phải mất tới 2 năm mới quay lại trạng thái ban đầu về lao động; vấn đề dòng tiền và tài chính.

Kinh tế trưởng WB chỉ ra lý do Việt Nam mất điểm sao Kinh tế trưởng WB chỉ ra lý do Việt Nam mất điểm sao

TTO - Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì sáng 27-9, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên